|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Muốn mang hàng tỉ đô đến Ấn Độ, Jeff Bezos nhận về cơn phẫn nộ của các doanh nghiệp: Không có bữa ăn nào miễn phí

14:25 | 26/01/2020
Chia sẻ
Đề xuất được đầu tư hàng tỉ USD vào Ấn Độ của tỉ phú Jeff Bezos vấp phải cơn phẫn nộ mạnh mẽ và làn sóng biểu tình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây.

Các nước đang phát triển thường rộng cửa chào đón CEO của tập đoàn quốc tế lớn - những người được cho là sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương. 

Dù vậy, chuyến thăm gần đây của Jeff Bezos tới Ấn Độ vấp phải làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân, tuyên bố hờ hững của bộ trưởng tài chính Ấn Độ và lời từ chối gặp mặt của Thủ tướng Ấn Độ.

Đây là một phản ứng lạ lùng sau khi Bezos hứa sẽ rót hàng tỉ USD cũng như tạo ra hàng triệu việc làm vào năm 2025. 

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo các chuyên gia Havard, Ấn Độ đang gửi một thông điệp lớn và rõ ràng: Không chào đón các công ty đa quốc gia gây hại tới nhóm doanh nghiệp truyền thống và thực hiện các hoạt động giao dịch không công bằng.

Amazon có doanh thu bán hàng 233 tỉ USD trong năm 2018, chỉ tương đương một nửa so với Walmart. Tuy nhiên, mức vốn hóa của họ lại cao hơn 3 lần so với Walmart và gặp phải phản ứng quyết liệt từ các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm thấy kế hoạch mở rộng quy mô hoặc tăng lợi nhuận của họ là bất khả thi vì Amazon.

Jeff Bezos và cơn phẫn nộ của các doanh nghiệp Ấn Độ - Ảnh 1.

(Ảnh: SAJJAD HUSSAIN/Getty Images)

Ngược lại, Amazon khẳng định đã đầu tư hơn 15 tỉ USD trong năm 2019 vào cơ sở hạ tầng, công cụ, dịch vụ, con người và chương trình để giúp người bán bên thứ ba - chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, Amazon cũng bị cáo buộc đã áp dụng các chính sách bảo hộ không công bằng để giảm cạnh tranh. 

Chính sách ngang giá, hạn chế người bán cung cấp giá thấp hơn trên các kênh thương mại điện tử khác của Amazon đã bị Liên minh châu Âu hủy bỏ vào năm 2013. 

Trước đó, vào năm 2010, Amazon đã trả đũa nhà xuất bản Macmillan sau vụ tranh chấp về giá bằng cách xóa sách khỏi trang web của Amazon. 

Vào năm 2014, nó đã khiến sách vật lý của Hachette khó trở nên khó khăn hơn bằng cách trì hoãn thời gian giao hàng, cắt mọi khuyến mại hoặc từ chối các đơn đặt hàng trước khi sách ra mắt, dẫn đến sụt giảm doanh số nghiêm trọng cho Hachette. 

Năm 2015, Amazon tuyên bố cấm bán các sản phẩm Apple TV và Google Chromecast trên nền tảng của mình. Giới chuyên gia nhận định đây là động thái nhằm dọn đường cho sản phẩm Fire TV của riêng họ. 

Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã xem xét tỉ mỉ một thỏa thuận giữa Apple và Amazon cho phép người bán cung cấp các sản phẩm Apple cũ được tân trang lại trên trang Amazon với giá rẻ.

Hơn nữa, Amazon ngày càng thâu tóm triệt để cơ sở hạ tầng cơ bản của thị trường trực tuyến toàn cầu. Với mục tiêu trở thành nền tảng thống trị ngành thương mại điện tử, họ kiểm soát phần lớn các dịch vụ điện toán đám mây. 

Tại Mỹ, Amazon sở hữu mạng lưới phân phối khổng lồ bao gồm các kho và trạm giao hàng ở hầu hết thành phố lớn. 

Để kiểm soát toàn bộ chuỗi phân phối khép kín, họ đang mở rộng sang dịch vụ vận chuyển và giao hàng trọn gói với tham vọng trở thành đối thủ nặng kí của FedEx và UPS. 

Cả hai đều cạnh tranh với các công ty khác và đưa ra hàng loạt điều khoản làm rào cản gia nhập thị trường, khiến các công ty nhỏ hơn không có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ luật chơi.

Do phần lớn hộ gia đình Mỹ đều đăng kí gói Amazon Prime và Amazon đang nắm nguồn cung cấp sách, đồ chơi, hàng thời trang và điện tử tiêu dùng lớn hơn bất cứ nhà bán lẻ trực tuyến nào khác, lựa chọn dành cho doanh nghiệp nhỏ và nhà bán lẻ giảm đi đáng kể. 

Kết quả là các nhà bán lẻ và phân phối nhỏ chỉ có thể làm quen với Amazon chứ không phải cạnh tranh.

Do đó, cơn phẫn nộ của người Ấn Độ với Jeff Bezos không gây ngạc nhiên. Đó là phản ứng trước mối đe dọa sinh kế của hàng triệu nhà bán lẻ tại đây. Những chủ cửa hàng địa phương kéo xuống đường để phản đối chuyến thăm của Bezos, giơ biểu ngữ “Bezos, Về Đi!” và nhiều tên gọi miệt thị khác.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ từng lên tiếng chế giễu đề nghị đầu tư 1 tỉ USD vào nước này của tỉ phú Bezos, cho rằng số tiền này thực chất chỉ là khoản bồi thường những tổn thất do chính sách định giá của Amazon gây ra. 

Amazon và thách thức tại thị trường bán lẻ 200 tỉ USD của Ấn Độ

Tổng thư ký Hiệp hội Thương nhân Ấn Độ Praveen Khandelwal tuyên bố: “Bezos và Amazon đã phá hủy nhiều doanh nghiệp nhỏ và hiện đang cố gắng ngụy biện hoặc che giấu cho hành động đó”.

Chuyến thăm của Bezos cũng trùng với thời điểm Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) tổ chức điều tra trên quy mô lớn các hoạt động chống cạnh tranh. 

CCI cáo buộc Amazon đã áp dụng nhiều hình thức chống cạnh tranh cho sàn thương mại điện tử của mình bao gồm giảm giá sâu và ưu đãi cho một số người bán được chọn lọc riêng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với triển vọng của Amazon tại thị trường bán lẻ 200 tỉ USD của Ấn Độ? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời nhưng Amazon đang phải đối mặt với thách thức từ hàng triệu nhà bán lẻ có tiếng nói quan trọng trong hoạch định chính sách tại đây. 

Hơn thế, sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác đang ngày càng khốc liệt. Những thương hiệu địa phương đang tận dụng làn sóng tẩy chay này bằng cách kích thích lòng yêu nước và kể những câu chuyện quảng bá về bảo vệ doanh nghiệp nội địa với công chúng.

Rốt cuộc, cả Amazon, các ông lớn khác trong ngành và các nhà bán lẻ vừa và nhỏ sẽ hoàn tất việc chia sẻ thị trường. Tuy nhiên, quy định của chính phủ sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều so với những gì Amazon đã gặp trên thị trường Mỹ. 

Nếu không thể, Amazon có thể sẽ tiến hành kiểm soát các nhà bán lẻ địa phương bằng nguồn tài chính khổng lồ của mình - giải pháp đã phát huy hiệu quả vượt trội tại Mỹ.

Thu Phương