|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phân khúc thị trường cà phê Bắc Âu

18:54 | 21/01/2021
Chia sẻ
Thị trường cà phê Bắc Âu được chia thành nhiều phân khúc khác nhau dựa trên chất lượng sản phẩm và nơi tiêu thụ, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.

Cụ thể, các phân khúc thị trường theo chất lượng gồm có cấp thấp, cấp trung, cấp cao và thượng lưu. Dựa theo nơi tiêu thụ có phân khúc tiêu dùng trong nhà (in-home) và tiêu dùng bên ngoài (out-home).

Cấp thấp

Đây là loại cà phê chủ yếu được dùng để pha trộn và sản xuất cà phê hòa tan, thường là Robusta (chiếm 40-100%) và không đòi hỏi nhiều chứng nhận. 

Phân khúc này chiếm thị phần lớn mặc dù đang suy giảm và chủ yếu được bán trong các siêu thị, văn phòng, và trường đại học. Giá bán lẻ dao động từ 6,67 - 7,5 EUR/kg.

Cấp trung

Đây là loại cà phê có chất lượng tốt, thường bao gồm cà phê trộn cả Arabica và Robusta, chẳng hạn như espresso chất lượng cao. 

Cà phê trong phân khúc này đòi hỏi ít nhất có chứng nhận Rainforest Alliance/UTZ, vài loại cần chứng nhận hữu cơ và/hoặc thương mại công bằng. 

Phân khúc này có thị phần lớn và khá ổn định. Cà phê trong phân khúc này được bán trong các siêu thị và bán cho các công ty ngành dịch vụ thực phẩm. Giá bán lẻ dao động từ 11,88 - 13,05 EUR/kg.

Cấp cao

Cà phê chất lượng cao chủ yếu là cà phê Arabica chế biến ướt, điểm thử từ 80 - 85. 

Các loại cà phê này thường có nguồn gốc duy nhất và có câu chuyện gắn liền. Phân khúc này được bán qua các kênh đặc biệt. Thị phần nhỏ nhưng đang phát triển.

Thượng lưu

Phân khúc thượng lưu bao gồm các loại cà phê đặc sản có chất lượng tuyệt vời, đạt điểm thử trên 85, thường trải qua quá trình xử lý sáng tạo như xử lý ướt, tự nhiên hoặc xử lý mật ong. 

Những loại cà phê này thường có nguồn gốc duy nhất và có thể truy xuất, và thường được bán trực tiếp bởi các nhà rang xay đặc biệt hoặc các cửa hàng cà phê chuyên biệt. Thị phần nhỏ nhưng đang phát triển.

Giá bán lẻ cà phê cao cấp và thượng lưu khoảng 53,59 - 105,16 EUR/kg.

Giá cà phê nhân xuất khẩu thông thường vào khoảng 5 - 25% giá bán lẻ phụ thuộc vào chất lượng, kích cỡ hạt, và quan hệ giữa người mua và người bán.

Tiêu thụ in-home

Hầu hết tiêu thụ cà phê ở khu vực Bắc Âu diễn ra tại nhà. 

Năm 2018, doanh số bán lẻ tại Đan Mạch chiếm khoảng 75% doanh số bán hàng cà phê của cả nước. 

Tại Thụy Điển, doanh số bán lẻ chiếm khoảng 71% tổng doanh số bán cà phê. 

Tại Na Uy, tiêu thụ tại nhà chiếm 47% doanh số bán cà phê. 

Các viên nén có thị phần rất thấp tại khu vực Bắc Âu, chỉ chiểm 4% thị phần bán lẻ cà phê ở Đan Mạch và 1% ở Thụy Điển. 

Tiêu thụ in-home thường được mua tại các siêu thị, các cửa hàng chuyên biệt, và các web online.

Tiêu thụ out-home

Tiêu thụ out-home đang phát triển mạnh mẽ ở Bắc Âu, nơi người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các loại cà phê độc đáo, chất lượng cao trong các cửa hàng cà phê. 

Năm 2018, khoảng 53% tổng doanh số bán cà phê ở Na Uy đã được tiêu thụ out-home; trong đó 29% tiêu thụ ở công sở, và 23% ở cửa hàng cà phê, nhà hàng và khách sạn.

 Thị phần dịch vụ thực phẩm ở Thụy Điển đạt 29% tổng doanh số bán cà phê năm 2018; trong khi tại Đan Mạch, tiêu thụ out-home chiếm 25% thị phần.

Một cửa hàng cà phê ngoài trời tại Đan Mạch.

Một cửa hàng cà phê ngoài trời tại Đan Mạch.

Đan Mạch là nước có tỷ lệ tăng các quán cà phê mới cao nhất châu Âu trong năm 2018, đạt 14,5%. Tiêu thụ out-home thường được mua tại các cửa hàng cà phê, nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh, văn phòng.

Ánh Dương