Đề xuất lập sở giao dịch cà phê robusta tại Việt Nam để tạo lập giá trị riêng
Chiều 4/3, tại hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" nằm trong khuôn khổ chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” lần 1 do Báo Người Lao Động tổ chức, ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp.
Do đó ngành cà phê có giá trị bền vững rất thấp, chỉ chiếm khoảng 23%. Nhiều quốc gia khác, ngành cà phê được bảo hộ, còn cà phê robusta của Việt Nam chưa có được bảo hộ ở bất kỳ quốc gia khác. Nếu bảo hộ, cà phê Việt Nam sẽ tăng giá trị.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cũng cho rằng cần thành lập Sở giao dịch cà phê để thay đổi tạo lập giá trị cà phê Việt Nam.
Theo ông Hải, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, khoảng cách giữa cái nhất của mình và quốc gia đứng thứ hai là rất xa. Thông thường lẽ ra, Việt Nam phải là bên quyết định giá cà phê robusta vì chúng ta chiếm tới 60% thị phần thế giới. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay ở Bắc Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Do đó, cần thiết phải thành lập Sở giao dịch cà phê robusta tại TP HCM, xây dựng sở giao dịch cà phê, kho ngoại quan tại Đông Nam Bộ.
"Ví dụ cần có kho ngoại quan ngay ở Đông Nam Bộ, cần thuê cảng cho không chỉ cà phê mà các loại nông sản khác, giao dịch online và có hàng ở kho để giao hàng vật chất ngay khi khách hàng cần... Từ đó, cà phê Việt Nam sẽ là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của họ. Bài học kinh nghiệp từ kinh doanh dầu cọ của Malaysia là minh chứng", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu, cùng với việc đẩy mạnh chế biến sâu, việc tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm…cũng là mấu chốt cho ngành cà phê phát triển.
Doo đó, cần sự chung tay liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng thì mới xây dựng được thương hiệu cà phê mạnh cho Việt Nam, hướng tới giá trị xuất khẩu ngành cà phê đạt 6 tỷ USD.
Ngoài ra, vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành cà phê đang phải vay vốn với lãi suất cao, lên tới 12%/năm. Đối với doanh nhiệp trong ngành nông nghiệp thì rất khó làm, do đó, cần chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân…
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống mà có thể đưa vào chế biến cho ra nhiều sản phẩm khác như phân bón, thuốc nhuộm, khử mùi…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang chế biến sâu từ sản phẩm cà phê, còn Việt Nam vẫn loay hoay sản xuất thô. Bộ đã xây dựng vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên nhưng việc phát triển vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp, chính quyền địa phương liên kết với nông dân sản xuất theo quy mô tập trung.
“Do đó, cà phê muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải xây dựng thương hiệu, tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới”, ông Hoan chia sẻ.