|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị phần cà phê Việt Nam tụt hạng tại Trung Quốc

10:10 | 16/02/2023
Chia sẻ
Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2022, mức giảm 11,1% so với năm 2021, đạt 49,63 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, từ 10,6% trong năm 2021 xuống 6,9% trong năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2017 – 2022, tốc độ nhập khẩu cà phê của nước này tăng trưởng bình quân 25,1%/năm, từ 262,2 triệu USD năm 2017 tăng lên mức cao nhất 718 triệu USD vào năm 2022.

Do đó, Trung Quốc được coi là thị trường có tiềm năng lớn đối với ngành cà phê xuất khẩu toàn cầu. Tại đây, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng.

Đây được coi là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến tại thị trường đông dân số nhất thế giới này.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Ethiopia, Colombia, Brazil, Malaysia, Italy, Việt Nam…

Trong năm 2022, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung lớn, ngoại trừ Việt Nam và Guatemala.

Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này trong năm 2022 từ Ethiopia tăng tới 209,2% so với năm 2021, đạt 188,1 triệu USD. Thị phần cà phê của Ethiopia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, từ 11,56% trong năm 2021 lên 26,2% trong năm 2022.

 Số liệu Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2022, mức giảm 11,1% so với năm 2021, đạt 49,63 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, từ 10,6% trong năm 2021 xuống 6,9% trong năm 2022.

Thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ.

Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta dưới dạng thô. Các doanh nghiệp ở Trùng Khánh hiện chủ yếu nhập cà phê robusta của Việt Nam về để chế biến, pha trộn vì có lợi thế về giá, vận chuyển. Hiện, quy mô thị trường cà phê của Trùng Khánh đạt khoảng 3-5 tỷ nhân dân tệ mỗi năm nên nhu cầu nhập khẩu lớn.

Hiện nay, ngoài nhập khẩu cà phê của Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu cà phê từ nhiều thị trường khác như Ethiopia, Brazil, Indonesia, và nhập cà phê chế biến sẵn từ Mỹ, các nước châu Âu.

Chính vì vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho Việt Nam xuất khẩu cà phê nhưng thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Trong khi tỷ trọng đầu tư cho chế biến sâu vẫn chưa cao, các doanh nghiệp Việt nên chú trọng đến chất lượng cà phê xuất khẩu, ngay cả đó là cà phê thô.

H.Mĩ

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.