[Phần 2] Bài học từ Nhật Bản có thể giúp Mỹ thoát được sự thống trị đất hiếm của Trung Quốc
Một số kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm tinh vi, như nam châm hiệu suất cao, theo Nikkei Asia Review.
Động thái được đưa ra khi Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ leo thang. Trung Quốc chiếm phần lớn sản lượng các kim loại này trên thế giới.
Khi nghĩ đến những cách làm giảm tác động từ bất kì động thái nào của Trung Quốc đối với việc điều chỉnh xuất khẩu, việc xem xét các bước Nhật Bản đã thực hiện sau khi bị sốc nguồn cung vào năm 2010 là một điều hữu dụng.
Nam châm Neodymium được sử dụng rộng rãi trong một loạt sản phẩm, gồm cả xe máy và ô tô điện. Ảnh: Hitachi Metals/ Nikkei.
Những biện pháp giảm nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản
Tranh chấp leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh giảm xuất khẩu kim loại đất hiếm sang đất nước mặt trời mọc. Sự gián đoạn nguồn cung đột ngột được biết đến ở Nhật Bản là "cú sốc đất hiếm".
Trước cú sốc đất hiếm, Hitachi Metal, một nhà sản xuất nam châm neodymium lớn, đã bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn để giảm chất thải trong việc chế tạo nam châm và giảm mức tiêu thụ của nó. Theo một đại diện của công ty, nỗ lực đó đã thành công trong việc giảm một nửa, tính theo trung bình, lượng dysprosium trong các sản phẩm của mình.
Dysprosium là một chất phụ gia được sử dụng để cải thiện hiệu suất nam châm ở nhiệt độ cao.
Một yếu tố khác giúp giảm tiêu thụ là thu nhỏ kích thước của động cơ điện. Động cơ nhỏ cần ít neodymium hơn. Mặc dù Nhật Bản sản xuất nhiều xe điện và hybrid hơn so với một thập kỉ trước, nhu cầu về kim loại, gồm cả hợp kim, đã giảm khoảng 30% so với mức của năm 2008 xuống còn 4.900 tấn vào 2018, theo Hiệp hội Kim loại mới Nhật Bản.
Tìm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc cũng rất cần thiết. Ngoài việc tăng nhập khẩu từ Australia, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng cường tái chế đất hiếm từ chất thải. Việt Nam trở thành nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2017, với các xuất khẩu vượt 3.800 tấn, so với 3.735 tấn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, một công ty con của Toyota Tsusho ở Ấn Độ, được thành lập để hạn chế sự phụ thuộc lớn của công ty vào Trung Quốc, đã bắt đầu sản xuất toàn bộ neodymium và ba loại đất hiếm khác vào năm 2016.
"Ngoài việc nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ, chúng tôi thu mua một lượng lớn đất hiếm được xử lí ở các nước thứ ba", ông Masaharu Katayama, giám đốc điều hành tài nguyên kim loại của SBU, cho biết.
Năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc nghĩa là quốc gia châu Á sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn trên thị trường đất hiếm. Tuy nhiên, phát triển công nghệ để giảm tiêu thụ và đa dạng hóa nguồn cung có thể ngăn cản Trung Quốc hạn chế xuất khẩu.
Cũng cần phải học hỏi từ cú sốc cung trước đó để giảm bớt rủi ro biến động giá đột ngột làm tổn thương các công ty cụ thể. Tập đoàn Dầu, khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản Jogmec đã ngừng tiết lộ kho dự trữ đất hiếm của mình, và Tokyo cần duy trì lượng dự trữ để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp tư nhân. Chia sẻ thông tin về dự trữ với các đối tác ở Mỹ và châu Âu cũng rất quan trọng.