OPEC nhận định thị trường dầu đối mặt nhiều rủi ro trong nửa đầu năm 2021
Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 3/1 cho biết ngoài những yếu tố thuận lợi, thị trường dầu thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong nửa đầu năm 2021, khiến triển vọng của giai đoạn này rất trái chiều.
Phát biểu trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi OPEC nhóm họp với các nhà sản xuất ngoài khối, bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+) để thảo luận về sản lượng cho tháng 2/2021.
Ông Barkindo cho biết các hạn chế đối với hoạt động xã hội và kinh tế vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia, bên cạnh những lo ngại về sự xuất hiện của một biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Tổng Thư ký OPEC cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, nhưng các lĩnh vực như lữ hành, du lịch, giải trí và khách sạn có thể mất nhiều năm để phục hồi về mức trước đại dịch.
Ông Barkindo cho biết OPEC hiện dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ do các nước đang phát triển "dẫn dắt" và tăng lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4%.
Con số trên tương đương mức tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020, thấp hơn dự báo trước đó hồi tháng 12/2020 của OPEC là 6,25 triệu thùng/ngày.
OPEC+ đã buộc phải cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Mức cắt giảm trên sau đã được điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, rồi 7,2 triệu thùng/ngày sau khi OPEC+ hồi tháng 12/2020 quyết định tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021. Đây là một phần của kế hoạch tăng sản lượng từng bước lên thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay của OPEC+.
Nhưng một số thành viên đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc nâng sản lượng, viện dẫn những diễn biến đáng lo ngại của đại dịch COVID-19.
Giới phân tích nhận định do các yếu tố cơ bản đang suy yếu, OPEC+ cần thận trọng duy trì sản lượng ổn định. Một số nhà sản xuất lớn nhất của nhóm cũng tỏ ra ưu tiên điều này.
Saudi Arabia (A-rập Xê-út) đã đề xuất một cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong các cuộc họp trước đó, trong khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Nga lại muốn tăng sản lượng nhanh hơn.
Mặc dù việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 đã giúp thị trường lạc quan hơn, nhu cầu vẫn chưa đủ để đưa mức tiêu thụ về tương đương trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày.