|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump tìm kiếm 'bất ngờ tháng 10' từ Triều Tiên để lấy lòng cử tri Mỹ?

15:16 | 04/08/2020
Chia sẻ
"Bất ngờ tháng 10" là chiến lược mà các ứng viên tổng thống Mỹ thường thực hiện nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bỏ phiếu. Năm nay, bất ngờ tháng 10 của Tổng thống Trump có thể liên quan đến Triều Tiền.
Tổng thống Trump tìm kiếm 'bất ngờ tháng 10' từ Triều Tiên để giành điểm với cử tri Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2 năm ngoái tại Việt Nam. (Ảnh: AP)

"Bất ngờ tháng 10"

Gần đây, Tổng thống Trump liên tục bị đối thủ Joe Biden bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử tháng 11.

Trong bối cảnh đó, tạp chí The American Conservative ngày 16/7 đưa tin chính phủ Mỹ đang xem xét các phương án đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhằm thúc đẩy thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Trump đã từng thử làm điều này gần 18 tháng trước tại thủ đô Hà Nội và thất bại. Tuy nhiên, hi vọng về một nhiệm kì tổng thống thứ hai đang buộc ông chủ Nhà Trắng phải nghĩ đến Triều Tiên một lần nữa.

Ý tưởng của chính quyền ông Trump là tạo ra "bất ngờ tháng 10", một chiến lược phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mục đích của bất ngờ tháng 10 là giành được sự ủng hộ của công chúng trước ngày cử tri đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, bài báo của The American Conservative dẫn lời một số cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng cho biết chiến lược mới của ông Trump có thể vấp phải nhiều trở ngại, đặc biệt là với Bắc Kinh.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc có sức ảnh hưởng tương đối lớn với các nhà lãnh đạo tại Bình Nhưỡng, nhất là khi Triều Tiên đang phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vì chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức đáy của nhiều thập kỉ.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả chính phủ Trung Quốc là "mối đe dọa chính của nước Mỹ trong thời điểm hiện tại".

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Harry Kazianis - tác giả bài báo của The American Conservative kiêm Giám đốc phụ trách nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (trụ sở tại Washington), đã đưa ra một nhận định đáng chú ý.

Cụ thể, ông Kazianis cho hay: "Có một số quan chức trong chính quyền ông Trump kết luận rằng không thể cùng lúc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Do đó, Mỹ phải xử lí Trung Quốc trước".

Bà Lindsey Ford - Giám đốc phụ trách các vấn đề an ninh chính trị tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết bà không nhận thấy bất kì hướng đi nào của Mỹ trong tương lai mà vắng bóng Trung Quốc.

"Mỹ không thể đạt được tiến bộ bền vững và có ý nghĩa với Triều Tiền nếu Trung Quốc không đóng một vai trò quan trọng", bà Ford nói.

Ông Trump tìm kiếm 'bất ngờ tháng 10' từ Triều Tiên để lấy lòng cử tri Mỹ? - Ảnh 2.

Cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên tại tỉnh Punggye-ri phát nổ vào năm 2018. (Ảnh: AP)

Ông John Bolton - cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, viết trong cuốn hồi kí mới rằng chiến lược của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay có thể bao gồm một bất ngờ tháng 10 dưới hình thức thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.

"Nếu Tổng thống Trump cảm thấy ông ta đang gặp rắc rối lớn, một cuộc gặp khác với người bạn Kim Jong-un có thể đảo ngược tình thế một lần nữa", cựu cố vấn Bolton cho hay trong cuộc họp báo vào ngày 2/7.

Triều Tiên giằng co giữa hai siêu cường, bất ngờ tháng 10 có thể không đến

Theo South China Morning Post, ông Trump từng nhắc đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một đoạn tweet hồi tháng 11 năm ngoái. "Ông nên hành động nhanh chóng, chốt thỏa thuận đi", ông Trump viết, gợi ý về một cuộc gặp mặt khác. Sau đó, ông Trump chốt: "Hẹn sớm gặp ông!"

Tuy nhiên, kể từ đó, thế giới lại bị đại dịch COVID-19 tấn công. Đến nay, hơn 18 triệu người đã xác nhận nhiễm bệnh và hơn 670.000 người tử vong. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh cũng bị lu mờ, dù ông Trump từng mô tả đây là "một trong các thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử".

Bất luận kế hoạch của Tổng thống Trump là gì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hôm 4/7 cho biết Bình Nhưỡng không muốn liên quan đến trò chơi chính trị của Mỹ.

"Chúng tôi không thấy cần phải đàm phán trực tiếp cùng Mỹ khi mà họ coi cuộc đối thoại Mỹ - Triều không khác gì một công cụ để chống chọi với cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước họ", bà Choe Son-hui khẳng định.

Ông Trump tìm kiếm 'bất ngờ tháng 10' từ Triều Tiên để lấy lòng cử tri Mỹ? - Ảnh 3.

Ông Chung Kuyoun, giáo sư tại Đại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc), nói rằng ông Kim có thể mang đến cho Tổng thống Trump một bất ngờ vào tháng 10, chẳng hạn như một vụ thử tên lửa. (Ảnh minh họa: AP)

Tuy nhiên, giáo sư Cheng Xiaohe tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (trụ sở tại Bắc Kinh) cho biết dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng Bình Nhưỡng sẽ ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh hơn là với Washington, "nhiều khả năng Triều Tiên sẽ luân phiên nghiêng sang một trong hai siêu cường".

"Triều Tiên không thể biến một nước láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc thành kẻ thù, nhưng nếu không cải thiện quan hệ với Mỹ, họ cũng không có hi vọng thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Hiện tại, các lệnh trừng phạt này đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên", ông Cheng Xiaohe lí giải.

Trung Quốc có biên giới chung dài 1.400 km với Triều Tiên và là nước duy nhất có hiệp ước hợp tác và viện trợ ràng buộc về mặt pháp lí với Bình Nhưỡng. Quân đội hai nước đã chiến đấu cùng nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) chống lại quân đội Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Giáo sư Ma Sang-yoon của Đại học Công giáo Hàn Quốc (trụ sở tại Seoul), cho rằng những ràng buộc đó đã mang lại cho Trung Quốc "nhiều lợi thế hơn bất kì nước nào khác tại Triều Tiên".

"Trung Quốc không muốn tham gia cùng cộng đồng quốc tế trừng phạt Triều Tiên, tuy nhiên nếu căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Bắc Kinh có thể sử dụng biện pháp này như một lá bài chống lại Mỹ và các đồng minh", ông Ma Sang-yoon nói.

Một số chuyên gia nhận định việc chính quyền ông Trump tập trung kiềm chế Bắc Kinh có thể cho Bình Nhưỡng cơ hội yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ, điều mà họ không đạt được tại hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, giáo sư Ma nói Triều Tiên sẽ ý thức sâu sắc về giá trị của họ với Trung Quốc nên chính quyền ông Kim Jong-un có thể tìm cách để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng với nhau hơn.

"Triều Tiên đóng vai trò là một vùng đệm cho Trung Quốc, vì thế Triều Tiên có thể sẽ cố khai thác khía cạnh này, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ - Trung ngày càng đụng độ gay gắt hơn", ông Ma lí giải.

Bà Susan Thornton, cựu trợ lí Ngoại trưởng Mỹ, cũng đồng ý với giáo sư Ma. Bà Thornton nói mối quan hệ thù địch giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tạo thêm không gian ngoại giao cho Bình Nhưỡng, khiến Mỹ và các đồng minh tại châu Á khó buộc Triều Tiên nhượng bộ về chương trình hạt nhân hơn.

Ông Chung Kuyoun - giáo sư tại Đại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc), cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tạo cho ông Trump một bất ngờ tháng 10 theo cách khác, chẳng hạn như tiến hành thử tên lửa mới.

Yên Khê