Người Mỹ chưa bao giờ phải đi bỏ phiếu trong một giai đoạn khi mà chỉ cần đứng cùng một nhóm người cũng có vẻ nguy hiểm như hiện nay. Vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không được phân phối rộng rãi trước tháng 11, trong khi đó COVID-19 nhiều khả năng sẽ lây lan mạnh vào thời điểm trùng với mùa cúm.
Hàng chục triệu người Mỹ sẽ trực tiếp đi bỏ phiếu, và các địa điểm thu nhận phiếu bầu cũng có nhân viên túc trực. COVID-19 gần như chắc chắn sẽ gây ra thách thức lớn đối với cử tri và cả nhân viên cơ sở bỏ phiếu.
Rất nhiều người đã quyết định ưu tiên an toàn cho bản thân họ. Thiếu hụt nhân sự trầm trọng buộc một số nơi phải giảm số lượng khu vực bỏ phiếu. Thành phố Milwaukee thường có 180 địa điểm bỏ phiếu nhưng năm nay đã phải rút xuống còn 5 địa điểm, buộc cử tri phải xếp thành các hàng dài để bỏ phiếu.
Trong khi đó, các cử tri lớn tuổi sẽ phải suy nghĩ kĩ về rủi ro xếp hàng để bầu cử trực tiếp, đặc biệt tại các bang không có sự tổ chức phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Để giải quyết các vấn đề về địa điểm bỏ phiếu, nhiều bang đang chạy đua để cập nhật qui trình cho phép một phần hoặc toàn bộ người dân bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Ông Matt Masterson, cố vấn hàng đầu về an ninh bầu cử tại Bộ An ninh Nội địa nhận xét:
Các rắc rối có thể nổ ra bao gồm: nhân sự tổ chức bầu cử chậm trễ trong việc nhận phiếu bầu do bị quá tải, thiếu giấy và mực in, không có đủ chỗ để cất giữ phiếu.
Thậm chí, các quan chức Mỹ có thể không có đủ thiết bị thích hợp để kiểm phiếu. Những khu vực mà cử tri bỏ phiếu trực tiếp thường sử dụng máy scan tốc độ chậm hơn các bang bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Chuyên gia công nghệ Ben Adida cho biết: "Bây giờ, bạn cần chuyển sang máy scan tốc độ cao, hoặc phải thuê thêm một đống người để nhét phiếu bầu vào những máy scan cũ kĩ. Điều này sẽ rất tốn thời gian".
Hạt Northampton, Pennsylvania là trường hợp điển hình cho những vấn đề có thể phát sinh: nhân viên bầu cử lập trình sai máy móc mới, cử tri cáo buộc các cỗ máy ghi nhận sai tên người họ ủng hộ, máy móc bỏ sót mọi phiếu bầu cho một ứng viên.
Các quan chức Mỹ điều hành cuộc bầu cử đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính đáng lo ngại bên cạnh các rắc rối về công nghệ và nhân sự.
Hệ thống bầu cử qua đường bưu điện đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian – các quan chức bầu cử sẽ phải giải thích qui trình trước hàng tuần và chuẩn bị để đếm phiếu trong suốt nhiều ngày – tất cả đều làm tăng thêm chi phí mới.
Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) dự đoán hậu quả từ COVID-19 sẽ khiến cơ quan này cạn sạch tiền vào mùa thu năm 2020. Và kể cả có cầm cự được qua tháng 11, USPS cũng khó có thể đảm bảo rằng phiếu bầu sẽ được gửi đến nơi đúng hạn. Hơn 60 nhân viên bưu chính Mỹ đã chết vì COVID-19, hàng nghìn người khác bị mắc bệnh hoặc phải ở nhà cách li.
Nghiên cứu khoa học chính trị gần đây cho thấy rằng bỏ phiếu là một thói quen, và đại dịch COVID-19 sẽ đảo lộn mọi lề thói bỏ phiếu thông thường tại hầu hết mọi khu vực trên khắp nước Mỹ.
Việc đóng cửa nơi làm việc và chuyển sang giảng dạy trực tuyến đồng nghĩa với việc đến tháng 11, hàng triệu người Mỹ sẽ không sống ở nơi họ đăng kí bỏ phiếu. Ngoài ra, hàng chục nghìn địa điểm tiếp nhận phiếu bầu cũng có thể bị dịch chuyển do lo ngại về COVID-19.
Một vấn đề quan trọng khác cần phải nhắc đến là các sinh viên. Sinh viên Mỹ thường có lựa chọn là bỏ phiếu tại quê nhà hoặc thành phố nơi họ theo học. Do nhiều trường đại học, cao đẳng đóng cửa hoặc tập trung dạy trực tuyến, sinh viên tại các thành phố quan trọng trong cuộc bầu cử như Madison, Ann Arbor hay State College có thể sẽ không tham gia bầu cử hoặc bỏ phiếu tại các khu vực khác.
Với số lượng lớn sinh viên Mỹ tập trung tại ba bang chủ chốt là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, việc bộ phận cử tri này có bỏ phiếu hay không có thể sẽ gây tác động lớn đến kết quả chung cuộc.
Nhiều người Mỹ lo ngại rằng Nga sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Theo tờ Politico, Mỹ đã thực hiện một số thay đổi để bảo vệ cuộc bầu cử, ví dụ như chính thức xác định các hệ thống bầu cử là cơ sở hạ tầng quan trọng.
Khác với năm 2016, lần này Mỹ còn cảnh giác trước các cuộc tấn công mạng từ các nước khác ngoài Nga. Google báo cáo công ty đã phát hiện tin tặc Trung Quốc và Iran cố gắng nhắm mục tiêu vào chiến dịch tranh cử của ứng viên Biden.
Các chuyên gia an ninh phàn nàn rằng chính quyền ông Trump vẫn chưa coi trọng đúng mức nhu cầu bảo vệ cơ sở hạ tầng của cuộc bầu cử và các biện pháp chống tin tặc.
Cử tri Mỹ năm nay sẽ phải cố gắng để tìm ra được lựa chọn đúng đắn trong một môi trường đầy rẫy thông tin sai lệch và độc hại.
Ví dụ, thông tin về bản chất đại dịch COVID-19 bị chính trị hóa tới mức một số người Mỹ còn tin rằng khẩu trang là một âm mưu chính trị để làm chậm tăng trưởng kinh tế hoặc khiến não họ thiếu ô-xy.
Đó là chưa kể đến sự trỗi dậy của những trang web cực kì thiên vị một đảng phái chính trị giả làm trang tin chính thống, khiến cử tri ngày càng gặp khó trong việc tìm hiểu các sự kiện cơ bản.
Vụ tấn công của tin tặc vào hàng loạt tài khoản Twitter của những nhân vật nổi tiếng như ứng viên Joe Biden hay tỉ phú Bill Gates nhấn mạnh các cuộc đối thoại về chính trị tại Mỹ rất dễ bị kẻ xấu tấn công.
Giả sử một cuộc tấn công như vậy diễn ra vào đúng ngày bầu cử và nhằm mục đích lan truyền tin giả về các ứng viên thay vì nhằm lừa đảo Bitcoin thì kết quả chung cuộc có thể bị ảnh hưởng cực kì lớn.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang công khai tranh cãi nhau về câu hỏi ai được đi bầu và quyền bỏ phiếu của họ nên được bảo vệ như thế nào.
Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa muốn tuyển dụng 50.000 người giám sát cho cuộc bầu cử tháng 11 để chống lại "gian lận". Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa tuyên bố đảng của ông sẵn sàng kiện Đảng Dân chủ "bằng bất cứ giá nào" để bảo vệ tính trung thực của cuộc bầu cử. Động thái này thường đồng nghĩa với việc tăng cường rào cản cho việc bỏ phiếu.
Đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện Đảng Dân chủ lên tòa án của hàng chục bang, bao gồm 4 bang có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử như Florida, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, thách thức các nỗ lực mở rộng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Trong cuộc phỏng vấn với Politico hồi tháng 6, ông Trump thừa nhận Đảng Cộng hòa đã khởi kiện quá nhiều
Trong khi đó, tính tới đầu tháng 7, Ủy ban bầu cử liên bang - cơ quan xử lí các vi phạm tài chính trong chiến dịch tranh cử lại thiếu số đại biểu cần thiết và không thể hoạt động.
Trong những tháng qua, ông Trump đã liên tục đăng tweet để làm suy yếu tính hợp pháp của các thủ tục bỏ phiếu qua đường bưu điện. Thậm chí ông còn gợi ý rằng nước ngoài sẽ in "hàng triệu" phiếu bầu giả mạo, làm suy yếu sâu sắc niềm tin của người Mỹ về quá trình bầu cử.
Luận điệu của ông Trump khiến cho các quan chức Đảng Cộng hòa lo rằng những người ủng hộ trung thành của ông sẽ không bỏ phiếu qua đường bưu điện, khiến ông mất đi lượng phiếu bầu đáng kể.
Bình luận của ông Trump còn đáng lo ngại vì chúng có thể đặt ra nền tảng để thách thức kết quả bầu cử, đặc biệt trong kịch bản ông Trump thua sát sao. Trong cuộc phỏng vấn với Politico tháng trước, ông Trump không trả lời liệu ông có thừa nhận kết quả hay không.
Cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ đều tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump không chịu chấp nhận?
Tựu chung, giới chuyên gia dự kiến cuộc bầu cử năm 2020 sẽ khó khăn hơn trong việc bỏ phiếu lẫn kiểm phiếu cũng như khó đoán hơn bất kì cuộc bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ. Và đây còn là kịch bản tốt đẹp khi mà mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ.
Chắc chắn rằng khi cuộc bầu cử kết thúc, cử tri Mỹ sẽ phàn nàn về các lá phiếu bị mất và nghi ngờ liệu phiếu bầu có được tính đầy đủ không. Họ cũng sẽ nghe những câu chuyện hoặc phải trực tiếp đứng trong các hàng dài, vật lộn với những cỗ máy khó chịu và chịu đựng rủi ro sức khỏe chỉ để bỏ phiếu.
Thậm chí ngay cả trong những ngày bầu cử quốc gia trôi chảy nhất, các tình huống rủi ro ngẫu nhiên như mất điện, giông bão hay hỏa hoạn cũng có thể bị lợi dụng để cáo buộc kết quả chung cuộc là không công bằng hoặc gian lận.