|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

‘Ông trùm sân bay’ ACV báo lãi cao kỷ lục, nguyên nhân không chỉ có sự hồi phục của du lịch – hàng không

05:49 | 31/07/2022
Chia sẻ
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) báo lãi quý II/2022 nhiều hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại. Ngoài việc ngành hàng không hồi sinh sau dịch, diễn biến tỷ giá yen Nhật cũng có tác động rất lớn.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh do ACV quản lý, tháng 6/2022. (Ảnh: Song Ngọc).

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đang quản lý 22 sân bay trên địa bàn cả nước, bao gồm những nút giao thông trọng yếu như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, …

Trong quý II vừa qua, ACV ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.430 tỷ đồng, tăng trưởng 125% so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mức trước dịch COVID-19.

Doanh thu quý II/2022 của ACV tăng 125% so với quý II năm ngoái. 

Giá vốn hàng bán chỉ tăng 21%, chậm hơn tốc độ đi lên của doanh thu. Nhờ vậy, lãi gộp của ACV nhảy vọt lên 1.622 tỷ đồng, cao gấp 61 lần quý II năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.906 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và gấp đôi cùng kỳ 2021. Khoản mục đóng góp lớn nhất cho doanh thu tài chính là 1.475 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ, sau đó là lãi tiền gửi 384 tỷ.

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư lớn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ACV đã vay khoảng 82 tỷ yen Nhật theo các hiệp định giữa chính phủ Nhật Bản và Việt Nam.

Tại ngày đầu năm 2022, các khoản vay bằng yen Nhật của ACV có giá trị quy đổi khoảng 13.928 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, số dư nợ chỉ còn 12.007 tỷ đồng. Nguyên nhân là ACV đã trả bớt nợ gốc 181 tỷ đồng và yen Nhật mất giá so với đồng Việt Nam khiến cho giá trị khoản vay giảm đi 1.740 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2022, mỗi yen có giá trị tương đương 200 đồng Việt Nam. Biểu đồ bên dưới cho thấy, đến cuối tháng 6, mỗi yen chỉ còn đổi được khoảng 170 đồng.

Nhờ tỷ giá diễn biến thuận lợi, lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối quý II năm nay của ACV cao gấp 3,3 lần quý II/2021, doanh thu tài chính cũng do đó mà cao gấp đôi.

VND mạnh lên so với yen Nhật, giúp cho những doanh nghiệp đi vay bằng yen Nhật như ACV có lãi từ chênh lệch tỷ giá.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ACV ghi nhận lãi sau thuế 2.598 tỷ đồng, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử và lớn hơn tổng lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021 cộng lại.

Lưu ý rằng lãi sau thuế của ACV lớn hơn cả lợi nhuận gộp (2.598 tỷ > 1.622 tỷ) chủ yếu là do doanh thu hoạt động tài chính lớn.

Năm nay, đại hội cổ đông của ACV đề ra mục tiêu tổng doanh thu 10.294 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.566 tỷ. Chỉ riêng lợi nhuận quý II đã đủ để Tổng Công ty Cảng Hàng không vượt mục tiêu lãi cả năm.

ACV lãi cao kỷ lục trong quý II/2022.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 5.538 tỷ, lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ, tăng trưởng lần lượt 62% và 189% so với 6 tháng đầu 2021.

Hoạt động phục vụ hành khách có đóng góp lớn nhất khi đem lại cho ACV gần 2.290 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng. Doanh thu từ dịch vụ cất hạ cánh là khoản mục quan trọng số 2 với giá trị 956 tỷ đồng, dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách và hành lý cũng mang về cho ACV hơn 400 tỷ đồng.

Các dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo, ... giúp ACV thu được 703 tỷ đồng trong 6 tháng. Doanh thu bán hàng hóa đạt 241 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận thuần nửa đầu năm nay đạt gần 63%, cao hơn biên lãi gộp.

Lãi trước thuế và lãi sau thuế của ACV lớn hơn lợi nhuận gộp do có sự đóng góp đáng kể của doanh thu hoạt động tài chính.

Các hãng hàng không đang nợ ACV gần 4.000 tỷ

Tại ngày 30/6/2022, ACV đang ghi nhận khoản mục phải thu ngắn hạn từ các khách hàng trị giá 4.438 tỷ đồng, tăng 63,5% so với ngày đầu năm.

Trong đó, 4 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam cũng là những cái tên nợ ACV nhiều nhất với tổng giá trị 3.850 tỷ. Cụ thể: Vietnam Airlines (Mã: HVN) nợ 918 tỷ, Vietjet Air (Mã: VJC) nợ 1.443 tỷ, Bamboo Airways nợ 1.003 tỷ, và Pacific Airlines nợ 487 tỷ.

Các hãng bay là khách hàng quan trọng sử dụng dịch vụ của ACV tại các cảng hàng không nên việc các bên có dư nợ với nhau không phải là điều bất ngờ.

Trong nửa đầu năm nay, ngành hàng không bắt đầu hồi phục mạnh mẽ sau thời gian dài phải “ngủ đông” vì COVID. Lưu lượng hành khách qua các cảng hàng không tăng thêm đồng nghĩa nguồn thu của ACV cũng đi lên và quy mô giao dịch làm ăn giữa ACV và các hãng bay cũng lớn hơn.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng thị trường vận tải hành khách 6 tháng đầu năm đạt 23,3 triệu lượt, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% cùng kỳ 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu lượt khách, tăng 58% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt trong nửa đầu năm nay là 143.141 chuyến, tuy còn kém mức trước dịch nhưng đã cao hơn 43,5% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Tất cả 6 hãng hàng không đều thực hiện nhiều chuyến bay hơn và có tốc độ tăng trưởng hai chữ số.

Các hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay hơn trước.

Đức Quyền