|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ bằng 1/10 năm 2019

16:05 | 29/07/2022
Chia sẻ
Luỹ kế 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 352.600 lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong tổng số gần 954.600 lượt khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 831.000 lượt người, chiếm gần 87,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 123.300 lượt người, chiếm 12,9% và gấp 3,6 lần; bằng đường biển đạt 257 lượt người, chiếm 0,03% và tăng 8,9%. 

Tại cuộc họp Bộ Giao thông vận tải sáng nay (29/7), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, tháng 7/2022 là dịp cao điểm hè, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao. Đến nay, lực lượng bay của các hãng hàng không trong nước cũng được khôi phục khoảng 80%.

"Tuy nhiên, việc khôi phục đường bay quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện tỷ lệ khôi phục các đường bay quốc tế mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch", Cục trưởng Thắng cho hay.

Khách quốc tế vẫn "vắng bóng"

Người đứng đầu Cục Hàng không lý giải, quá trình khôi phục lại các đường bay liên quan với hai quốc gia chiếm tỷ trọng cao trong lượng khách quốc tế đến Việt Nam là Hàn Quốc và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Năm 2019, các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm tới 66% trong gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó chỉ tính riêng Trung Quốc đã chiếm tới 5,8 triệu lượt.

Năm nay, do chính sách Zero COVID của Trung Quốc và việc cách ly người Nhật Bản và Ðài Loan (Trung Quốc) khi đi nước ngoài khiến lượng khách quốc tế của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Có thể thấy, du lịch vẫn thiếu đi một phần rất quan trọng là khách quốc tế, trong khi đây là lượng khách mang đến lợi nhuận lớn cho các công ty du lịch.

"Căng thẳng ở Nga và chiến lược 'Zero COVID' của Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam đánh giá.

Vì vậy, HSBC dự báo du lịch Việt Nam năm nay "phục hồi vẫn còn chậm". Ngoài vắng "khách ruột" Trung Quốc và Nga, Covid-19 vẫn khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài. Bất lợi càng tăng khi tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới. 

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy. (Ảnh: VGP).

Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế khó mà đạt được

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, thông thường, khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm từ tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 4 của năm sau. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó quan trọng nhất là vấn đề về dịch bệnh, nhiều thị trường trọng điểm vẫn chưa mở cửa, điển hình là Trung Quốc. Đồng thời, lo ngại về dịch bệnh khiến du khách quốc tế e ngại đi nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, theo ông Thuỷ, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam… 

Còn theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2022, các đường bay quốc tế sẽ được khôi phục như thời điểm trước dịch năm 2019.

"Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp rào cản nhất định khi thời điểm này, dịch đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch”, ông Thắng nói.

Hạ An