Ông Nguyễn Duy Hưng chưa hỏi về trách nhiệm để HOSE nghẽn triền miên đã hỏi về trách nhiệm sửa lỗi của FPT
Tối 9/3, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI đăng trên trang Facebook cá nhân: "Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?"
Câu hỏi được ông Hưng đặt ra sau khi lãnh đạo Bộ Tài chính làm việc với đại diện Tập đoàn FPT về phương án khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính tìm cách xử lý sự cố tại HOSE trong thời gian ngắn nhất.
Bộ Tài chính và FPT đều cho rằng việc áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, mất từ 3 đến 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và HOSE chủ động phối hợp với FPT để triển khai giải pháp mà không làm gián đoạn thị trường, không ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE.
Các giải pháp tạm thời
Tình trạng nghẽn mạng tại HOSE xảy ra từ tháng 12 năm ngoái và các bên liên quan đã đưa ra một số biện pháp tình thế.
Đầu tiên là việc Ủy ban Chứng khoán và HOSE nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 để giảm bớt các lệnh nhỏ lẻ từ ngày 4/1/2021. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn xảy ra và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong nhiều phiên giao dịch, đến khoảng 14h là hệ thống của HOSE hầu như không nhận lệnh của nhà đầu tư. Chiều nay 9/3, HOSE "đơ" từ sau 13h40.
Một giải pháp khác mới chỉ dừng ở đề xuất chứ chưa được áp dụng là không cho phép nhà đầu tư sửa, hủy lệnh đã đặt. Về mặt kỹ thuật, ý tưởng này có thể được thực thi luôn và ngay.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kịch liệt phản đối vì đây không phải là sáng kiến cải tiến mà là "cải lùi", đưa thị trường về những năm 2000 - 2007 khi chưa có tính năng hủy, sửa lệnh.
Ủy ban Chứng khoán đã kêu gọi các doanh nghiệp đang niêm yết ở HOSE chuyển sang giao dịch cổ phiếu ở HNX để giảm tải hệ thống. Đây chỉ là sự chuyển đổi về mặt kỹ thuật, không phải chuyển sàn và không áp dụng với doanh nghiệp trong rổ VN30.
Đến nay đã có hai công ty là Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán BSC (Mã: BSI) thông báo ý định tự nguyện sang giao dịch ở HNX để bảo vệ lợi ích của cổ đông.
Ông Hưng và Chứng khoán SSI chưa bày tỏ mong muốn sang HNX, bản thân SSI là một thành viên của VN30 nên cũng không thuộc diện chuyển giao. Tuy nhiên, ông Hưng vẫn tỏ ra lo ngại về kịch bản này. Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng viết: SSI nếu chuyển sàn thì chỉ số rổ VN30 hiện tại bị méo mó, sẽ vi phạm các tiêu chí của các quỹ đầu tư chỉ số hệ, quả tiêu cực cho thị trường sẽ lớn hơn".
Ông Hưng ủng hộ ý tưởng nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 mà Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà từng nêu ra, gọi đây là phương án "khả dĩ nhất" và "ít dở hơn" vào lúc này. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo trước mắt không được nâng lô.
Nếu thực sự áp dụng lô 1.000, các nhà đầu tư cá nhân vốn nhỏ sẽ rất khó tham gia vào thị trường chứng khoán.
Câu hỏi trách nhiệm còn bỏ ngỏ
Ông Nguyễn Duy Hưng mới chỉ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong trường hợp FPT không khắc phục được sự cố. Một câu hỏi khác, căn bản hơn, mà ông Hưng không nêu ra là: Ai phải chịu trách nhiệm khi HOSE nghẽn lệnh triền miên từ tháng này sang tháng khác?
Thiệt hại với nhà đầu tư tuy khó lượng hóa chính xác nhưng có thể khẳng định là rất lớn. Người có tiền không mua được hàng, người có hàng không bán được tiền, thấy lời không chốt được, thấy lỗ không cắt được, thấy giá cao không xả được, thấy giá thấp không gom được.
Đến nay, các bên liên quan đã đưa ra nhiều lời giải thích nhưng chưa có ai tuyên bố chịu trách nhiệm hay nhận lỗi về mình, cũng chưa có ai phải chịu các biện pháp kỷ luật.
Việt Nam liên tục đặt mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trong các năm 2018, 2019 và 2020. Tuy thực tế chúng ta lỡ hẹn nhưng HOSE đã chuẩn bị những gì cho cuộc đua lên hạng? Tại sao hiện nay sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống 20 năm tuổi và lấy cớ "thanh khoản thị trường tăng cao đột ngột" để lý giải cho việc nghẽn lệnh, gián đoạn giao dịch triền miên?
Tại Nhật Bản, ngày 1/10/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) phải đóng cửa cả phiên vì lỗi phần cứng. Sang tháng sau, Tổng Giám đốc TSE là ông Koichiro Miyahara đã nộp đơn từ chức. Người thay thế ông Miyahara bị giảm 50% lương trong 4 tháng vì có một phần trách nhiệm trong vụ việc.
Năm 2005, một Tổng Giám đốc khác của TSE là ông Takuo Tsurushima cũng từ chức sau hai phiên xảy ra sự cố, gây thiệt hại cho thành viên thị trường.