Đề xuất phạt lên đến 500 triệu nếu ngân hàng gắn bảo hiểm không bắt buộc với khoản vay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Theo đó, dự thảo bổ sung nhiều chế tài xử phạt, tăng mức phạt vi phạm hành chính. Đơn cử, tại Khoản 7, Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về gắn việc sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngoài ra, mức phạt trên còn áp dụng đối với các hành vi vi phạm khác bao gồm: Hoạt động không có giấy phép trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 8 Điều 27, điểm d, đ khoản 5, khoản 8 Điều 28, khoản 6 Điều 31 Nghị định này; Vi phạm quy định về sử dụng từ ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Luật Các TCTD
Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống TCTD.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP nhằm đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành và tình hình thực tiễn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Dự thảo nêu rõ, trong 5 năm triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các đơn vị gặp một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định như: biện pháp khắc phục hậu quả, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt,….
Việc quy định chế tài xử phạt tại Nghị định 88 được xây dựng trên các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số các văn bản quy phạm pháp luật này đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, do vậy, cần rà soát và chỉnh sửa lại nội dung Nghị định.
Hiện nay, Nghị định 88 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023, do đó, việc thay thế Nghị định 88 để rà soát, hợp nhất các quy định tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu các quy định về xử phạt.