|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước

19:33 | 27/11/2024
Chia sẻ
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.

Cũng theo ông Dominic, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng thị trường vốn hiệu quả. Có công ty đói vốn nhưng không tìm kiếm trên thị trường vốn, các công ty muốn tìm đối tác chiến lược nhưng không tham gia thị trường vốn.

"Có những điều kiện cần thiết để thị trường vốn trở nên hấp dẫn với cả bên mua - bán, nhưng có lẽ vì lý do nào đó mà khiến thị trường này chưa sôi động được như kỳ vọng", ông trình bày. 

Thực tế cho thấy hoạt động IPO trong các năm gần đây khá ảm đạm. Thương vụ huy động nổi bật duy nhất từ đầu năm 2024 là tại Chứng khoán DNSE khi thu về khoảng 37 triệu USD, vượt cả giá trị IPO năm 2023. 

Hoạt động niêm yết trong năm nay vẫn chưa thực sự tạo tiếng vang lớn. Một số cái tên tiêu biểu là DNSE, Mộc Châu Milk, Gelex Electric, Nam A Bank, Viettel Post... trong khi các kế hoạch niêm yết công ty thành viên đến từ Masan, HAGL, Hoa Sen vẫn chưa thực hiện. 

 Chủ tịch Dragon Capital ông Dominic Scriven. Ảnh: Lê Toàn.

Chủ tịch Dragon Capital nhận thấy cấu trúc của thị trường vốn của Việt Nam vẫn khá cũ. Lĩnh vực lớn nhất là ngân hàng, thứ hai là bất động sản, tiếp là tiêu dùng, năng lượng… trong khi nhóm công nghệ và thương mại điện tử ít được chú ý.  

"Vướng mắc cho việc phát triển các lĩnh vực theo tôi đó là quy định, muốn niêm yết doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Đây là quy định tốt để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng khó cho các doanh nhân khởi nghiệp khi họ muốn phát triển ý tưởng mới.

Chúng ta nhắc nhiều đến 4.0, nhưng chúng ta cần phải biết lĩnh vực mới phải có rủi ro, sẽ có những khoản lỗ, mà lỗ thì không gọi được vốn", vị này trình bày. 

Thực tế này lý giải vì sao nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Để khơi thông thị trường, ông Dominic nhấn mạnh nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách, bởi hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.  

Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã nỗ lực để giải quyết các vấn đề thu hút vốn nước ngoài như việc ban hành Thông tư 68/2024, nhưng thực tế các nhà đầu tư nước ngoài chưa xem đó là thông điệp có tác động đủ rõ ràng.

Bên mua nội địa cũng chưa thực sự có cơ chế để đầu tư mạnh tay. Các định chế lớn như các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn rất lớn, nhưng không thực sự được phép đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ (TPCP). Hay cơ quan Bảo hiểm Xã hội cũng không có nhiều công cụ đầu tư ngoài TPCP (có giai đoạn lãi suất 5 năm là 1,8%/năm, trong khi các công trả lãi suất vay 8-10%/năm). 

Một rào cản khác của thị trường vốn và M&A đó là lòng tin giữa người bán và người mua, hiện lòng tin vào thị trường hơi yếu. Minh chứng là nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 3,5 tỷ USD khỏi thị trường Việt Nam và lũy kế 3 năm rút đến 6 tỷ USD. 

Việt Nam là thị trường M&A tiềm năng

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao RECOF Corporation cho biết tăng trưởng GDP Nhật Bản trong những năm qua 0,1%-2%, trong khi dư địa tăng trưởng của GDP Việt Nam là 6-7%. Theo đó, Việt Nam là thị trường tiềm năng và hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản.  

Yếu tố nền tảng là công ty Nhật Bản có nhiều tiền mặt, doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản đang có dòng tiền lớn khoảng 2.300 tỷ USD. Công ty đại chúng Nhật Bản đối mặt áp lực của cổ đông về việc phải đầu tư hiệu quả hơn vào doanh nghiệp tăng trưởng, thị trường tăng trưởng hơn - đây là áp lực của họ. Nên tình hình đầu tư của Nhật Bản sang các thị trường tiềm năng dự kiến vẫn sẽ thúc đẩy thời gian tới. 

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành công ty Luật Baker McKenzie cho biết đã tổ chức nhiều sự kiện ở Singapore, nhìn chung cảm nhận của nhà đầu tư là thị trường Việt Nam có tiềm năng trưởng, nhưng thách thức là về thủ tục hành chính. Các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN có quy trình hành chính nhanh, phê duyệt hiệu quả hơn nên đang thu hút được nhiều đầu tư.  

Huy Lê