Năm 1991, một chàng trai trẻ quốc tịch Anh có tên Dominic Scriven lần đầu ghé thăm đất nước hình chữ S sau khi tốt nghiệp Đại học Exeter năm 1985 với hai bằng chuyên ngành Luật và Xã Hội và đang công tác tại thị trường Hồng Kông.
Cảm mến với Việt Nam, Dominic Scriven đã quyết định ở lại và theo học Tiếng Việt ở trường Đại Học Hà Nội hai năm trước khi đồng sáng lập ra Dragon Capital vào năm 1994 – khi sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam còn chưa mở cửa.
Tổng quy mô tất cả các quỹ của Dragon Capital tới thời điểm 20/9/2022 là khoảng 5,5 tỷ USD, nếu tính cả vốn công ty và khách hàng xấp xỉ 6 tỷ USD. Dragon Capital chính là công ty quản lý quỹ có quy mô lớn nhất tại Việt Nam cho đến hiện tại, đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển thị trường vốn của Việt Nam.
Sau 28 năm làm người bắc cầu đưa vốn ngoại vào Việt Nam, Dominic Scriven vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ông không muốn mất quá nhiều thời gian nhìn lại những thành quả mà luôn hướng về những cơ hội, thách thức mới.
Trong một chiều thu Hà Nội, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Dominic Scriven về hành trình gần 30 năm xây dựng Dragon Capital.
Ông Dominic Scriven: Một phần lý do nghề nghiệp, một phần lý do cá nhân.
Đầu những năm 90, tôi cùng vài đồng nghiệp sang Việt Nam để tham quan, tìm hiểu thị trường.
Qua khoảng hai tuần đi từ Bắc đến Nam, có một động cơ cá nhân mà kéo bản thân tôi muốn ở lại Việt Nam để học thêm về đất nước, đặc biệt là học về ngôn ngữ. Sau đó, tôi xin học tiếng Việt ở trường Đại học Hà Nội.
Ở Việt Nam khoảng hai năm, bản thân tôi mới hiểu một chút về ngôn ngữ và đất nước đồng thời nhận thấy người Việt Nam tử tế và mến khách.
Đặc biệt là chính sách của Chính phủ nhấn mạnh nhiều tới đổi mới, mở cửa với nước ngoài. Qua đó, tôi nhận thấy phải có nhu cầu và cơ hội. Nhu cầu giao lưu, gắn kết kinh tế giữa Việt Nam cùng các nước khác và ngược lại. Tôi nghĩ tôi là người có thể đóng vai trò đó nên kết hợp cùng một số người bạn để quyết định thành lập công ty năm 1994.
Hồi đó, nghề của tôi là đầu tư nên cũng phải làm công việc mình biết.
Mãi tới năm 2000 mới có thị trường chứng khoán nên mấy năm sau thành lập thì chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm khi thành lập, tôi và cộng sự cũng dự đoán năm 1996 hay 1997 Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán. Điều không ngờ là khủng hoảng kinh tế châu Á ập đến mà các nước bạn Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia đều bị ảnh hưởng nên Chính phủ chưa vội thiết lập một thị trường chứng khoán và trì hoãn vài năm.
Ông Dominic Scriven: Đầy khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui khi khởi nghiệp cùng mấy người bạn trẻ. Với suy nghĩ tự làm chủ sự nghiệp của bản thân và khát vọng lấy vốn về cho Việt Nam song thời điểm đó các nhà đầu tư nước ngoài không biết gì về Việt Nam.
Năm 1992, Luật Công ty đầu tiên của thời kỳ đổi mới mới chính thức có hiệu lực, bao gồm 22 trang tập trung vào cơ cấu vốn của công ty cổ phần, công ty TNHH. Luật không cấm nhưng lại không đề cập gì tới vai trò của nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới vướng mắc ở vấn đề này.
Doanh nghiệp thời đó cũng không có báo cáo gì, mà chỉ có mình tự viết ra nên phần lớn trong quá trình tiếp thị tôi đem giấy tờ (có ép dẻo) đi nước ngoài để giới thiệu về các doanh nghiệp Việt.
Năm 1995, tôi đi nước ngoài gọi vốn, đem khoảng 50 bản cáo bạch qua Mỹ.
Tôi bay qua Los Angeles, bị hải quan ở đó giữ lại và bị nghi ngờ khi đem nhiều tài liệu qua (ông cười kể lại kỷ niệm đó).
Tôi mất cả một năm để đem đồng vốn đầu tiên về. Luật Việt Nam thời điểm đó không có khái niệm hay ngành nghề nào về quỹ đầu tư nên tôi muốn xin phép được lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Nói chung là nhiều cái mới, người ta thường nói đi trước cũng có cái lợi nhưng đi thứ hai thì dễ hơn. Thời đó, cũng có một, hai quỹ của nước ngoài nhưng không hiểu nhiều về Việt Nam nên họ tập trung tìm kiếm những doanh nhân nước ngoài làm ăn ở Việt Nam để có vốn liên doanh với họ.
Trong khi đó, bản thân tôi nghĩ mình phải tìm kiếm ra cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt, do người Việt làm chủ để đồng hành cùng họ ngay những ngày đầu, giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.
Vì vướng Luật nên có 5 tới 7 khoản đầu tư ban đầu của Dragon Capital đều là thí điểm bao gồm nhóm ngân hàng (ACB, VPBank), trái phiếu chuyển đổi (REE), tham gia góp vốn vào một CTCP là doanh nghiệp xi măng ở Hà Nam, cho vay chuyển đổi với một doanh nghiệp đồ gỗ ở TP HCM,...
Từ khủng hoảng tài chính châu Á, Việt Nam rất khó khăn với các vấn đề về điều chỉnh tỷ giá, lạm phát, lãi suất, bất động sản, nợ quá hạn,...
Tuy nhiên tôi từ từ vượt qua tới năm 2000 thì thị trường chứng khoán ra đời. Trong hai công ty niêm yết đầu tiên (REE và SAM), Dragon Capital đều có cổ phần tại đây. Lúc đó, thị trường chứng khoán vọt lên rất nhanh sau đó sụp đổ và “đi ngủ" khiến các doanh nghiệp rất e ngại niêm yết.
Tới giai đoạn 2006 - 2008, ai ai cũng muốn niêm yết. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập tới, thời đó vô cùng “nhức đầu" cho các nước trên thế giới.
Thị trường chứng khoán mất tới 80% giá trị nhưng sau đó phục hồi, đặc biệt ở Việt Nam có chương trình cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm đẩy mạnh về đầu tư công, doanh nghiệp tư nhân, chính sách tiền tệ, tổ chức tín dụng. Nhờ các chương trình hỗ trợ đó đã giúp Việt Nam phục hồi.
Người ta tự hào về Việt Nam có một thị trường vốn sôi động, đóng vai trò cung cấp trung và dài hạn cho doanh nghiệp, là nơi để người dân có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư.
Ông Dominic Scriven: Vốn hoạt động của công ty khi vừa thành lập chỉ có vài trăm triệu đồng cho nên trong thời gian đầu tôi không có lương, anh chị em cộng sự lương rất thấp.
Khoản vốn huy động đầu tiên của Dragon Capital khoảng 16 triệu USD (chính xác là 16.390.000 USD) vào ngày 8/8/1995. Số vốn này được huy động được từ nhà đầu tư ở Anh, Hồng Kông, Nhật Bản là chính.
Ông Dominic Scriven: Số vốn 16 triệu USD huy động lần đầu thực sự không phải là lớn so với các quỹ khác thời điểm đó. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu (khoảng 8 triệu USD) thì khá là phấn khởi.
Ông Dominic Scriven: Ban đầu là có 8 anh em, trong đó 4 người vẫn gắn bó với Dragon Capital sau gần 30 năm. Nhân sự không quá đông nhưng phải có người giỏi về phân tích, tài chính, tìm kiếm khách hàng,... Giai đoạn 1995 - 1996, tổng số nhân sự chỉ khoảng 10 người.
Tới năm 2000 khi thị trường chứng khoán chính thức ra đời, tôi mới mở rộng quy mô, số vốn huy động ban đầu cũng hết và phải đi kiếm thêm nguồn vốn mới.
Lúc đó hơi khó khăn trong huy động vốn vì nhiều người vẫn còn chưa hồi phục sau khủng hoảng kinh tế châu Á nên đợt hai chỉ huy động được 11 triệu USD do người ta thấy kết quả mấy năm đầu tiên không có gì đáng kể.
Khi thành lập, Dragon Capital phát hành chứng chỉ quỹ có giá 1 USD nhưng Việt Nam điều chỉnh tỷ giá và thị trường chứng khoán chưa ra đời dẫn tới dần dần giá trị trên mỗi chứng chỉ quỹ giảm xuống còn 80 cent. Điều này khiến huy động vốn đợt hai trở nên khó khăn hơn.
Ông Dominic Scriven: Đầu tiên tôi nghĩ chắc chắn phải có sự đam mê về cái nghề của mình. Trong hoạt động của một quỹ, giống như tất cả các ngành nghề khác, ngoài niềm vui hay thành công còn có cả nỗi đau, thách thức và sự thất bại. Cho nên nếu như những người không có sự đam mê thì không thể tiếp tục nổi.
Lúc đó, các quỹ khác đều có thương hiệu, uy tín, tên tuổi nhưng họ không có sự đam mê về Việt Nam, dần dần họ bỏ về nước và trả lại vốn. Anh em Dragon Capital đều thích cái nghề của mình (cười).
Thứ hai là tầm nhìn, không phải vì mình giỏi mà là mình hiểu được hướng đi của mình, nếu không cẩn thận rất dễ đi lạc.
Sau tầm nhìn thì cần có sự tin tưởng. Ví dụ, hồi đó, nhiều người nói Việt Nam sao có thể phát triển được thị trường vốn. Họ suy nghĩ rằng nước xã hội chủ nghĩa dù có đổi mới, cởi mở thì cũng khó mà phát triển được một thị trường vốn.
Mình phải có tầm nhìn và mức độ tin tưởng vào Việt Nam, chính phủ, nhà hoạch định chính sách và tin tưởng vào chính mình để đi trên con đường đó.
Điểm nữa là cần có sự kiên trì, lâu dài.
Ông Dominic Scriven: Một nguyên tắc khá là quan trọng với Dragon Capital là sự độc lập. Sở hữu độc lập, điều hành và quản trị độc lập. Có nghĩa là mình không có sếp, chính mình là người tự đưa ra quyết định, không có bị người khác chi phối hay ảnh hưởng. Vì thế, mình có khả năng cân nhắc một cách toàn diện, một cách khách quan về quyền lợi của khách hàng, của các bên trong một thương vụ.
Một điểm quan trọng nữa là quản trị rủi ro. Đã là nhà đầu tư thì mình phải chấp nhận rủi ro, không có mạo hiểm thì không có lời nhưng vô cùng quan trọng là phải có hệ thống quản trị rủi ro. Mình chấp nhận rủi ro nhưng phải quản trị được rủi ro đó.
Một nguyên tắc nữa là gắn kết quyền lợi với kết quả.
Cuối cùng cần chấp nhận đầu tư dài hạn để phát triển các sản phẩm mới. Điển hình là Dragon Capital được Bộ Tài chính cho phép phân phối các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Đây là một sản phẩm rất phổ biến ở các nước khác và là một sản phẩm rất cần thiết giúp cho một bộ phận xã hội có khả năng tự lo cho chính mình khi đến tuổi già. Tuy nhiên, Dragon Capital phải làm việc với Bộ Tài chính mất tới 10 năm mới đạt được kết quả đó.
Ông Dominic Scriven: Ngày nào cũng là một trải nghiệm mới, nhiều thách thức nhưng cũng đầy thú vị (cười).
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là ngày Vinamilk niêm yết (năm 2006), Dragon Capital là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại Vinamilk và cũng tham gia rất sâu với các lãnh đạo trong quá trình cổ phần hoá, tái cấu trúc. Ngày Vinamilk niêm yết, tổng giá trị vốn hoá của sàn giao dịch Việt Nam lên gấp đôi trong một ngày và mình là người được hưởng lợi trong số đó.
Nhưng đây chẳng qua là một giây phút ngắn ngủi, bởi vì thị trường hàng ngày thay đổi và có sự sống của nó. Bản thân tôi không để mất quá nhiều thời gian nhìn lại mà phải nhìn trước về những cơ hội, thách thức, sự đổi mới.
Ông Dominic Scriven: Nếu gặp phải khó khăn, chúng ta có hai sự lựa chọn. Một là thay đổi sự kiện đó, hoặc nếu không thay đổi được sự kiện đó thì phải thay đổi cách nhìn.
Ông Dominic Scriven: Cả cuộc đời của tôi (cười).
Ông Dominic Scriven: Đối với Dragon Capital, Việt Nam là thị trường chiến lược và mình phải cam kết đầu tư để phát triển tất cả các mặt của thị trường vốn Việt Nam (công ty chứng khoán, công ty định mức tín nhiệm, quỹ hưu trí, trái phiếu, cổ phiếu, tài chính xanh thậm chí là hệ thống hạ tầng của thị trường nếu có nhu cầu).
Trước đây, Dragon Capital có đầu tư một thời gian ở Campuchia thông qua một công ty tài chính vi mô có tên Prasac nhưng đã rút khỏi đây. Dragon Capital có lập một liên doanh ở Myanmar cách đây 5 năm, tất nhiên Myanmar cũng có khó khăn nhưng tôi sẽ tiếp tục ở đó.
Cách đây khoảng hai năm, Dragon Capital có lập một liên doanh quản lý quỹ ở Bangladesh - nơi có nhiều điểm có thể so sánh với Việt Nam và ở đây nhà đầu tư nước ngoài gần như không tham gia và nhà đầu tư có tổ chức trong nước không mạnh.
Ông Dominic Scriven: Ngoài chiến lược đầu tư vào sự bền vững của thị trường tài chính Việt Nam như đề cập ở trên, Dragon Capital sử dụng nguồn vốn của chính mình (không liên quan hay chịu xung đột với vốn của khách hàng) để đầu tư vào một số lĩnh vực mà quỹ của tôi không tham gia trực tiếp.
Cụ thể, Dragon Capital đang theo chiến lược đầu tư xanh, rót vốn vào các lĩnh vực gồm: Năng lượng tái tạo (điện mặt trời); Insect protein (nuôi côn trùng làm một nguồn thực phẩm để thay thế cho các dạng thực phẩm không bền vững); Climate Tech (dùng công nghệ của NASA để đo lường rủi ro từ biến đổi khí hậu). Trong đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo là lớn nhất với quy mô trên 100 triệu USD.
Mảng khác mà Dragon Capital quan tâm tới là thị trường nợ. Nền tài chính nào muốn bền vững cũng cần đi kèm một thị trường nợ mạnh, lớn, có thanh khoản, hiệu quả và bền vững.
Ông Dominic Scriven: Nhìn chung tình hình vĩ mô của Việt Nam hiện tại đặc biệt khi so sánh trong khu vực và trên thế giới là có nhiều điểm đáng khích lệ, có những cơ hội và thế mạnh, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài dù là thương mại hay đầu tư, sản xuất thậm chí khai thác các thị trường phục vụ người tiêu dùng ở Việt Nam.
Rõ ràng Việt Nam thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhiều thành phần và nhiều nước khác trên thế giới và vị thế vĩ mô là một điểm rất đáng mừng cho Việt Nam nhờ cách quản lý bền vững và ổn định của Chính phủ.
Điểm thứ hai, nếu có tình hình vĩ mô tích cực thì các thị trường tài sản tài chính cũng sẽ được phản ánh thông qua giá trị nội tệ hay giá trị tài sản cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,... Vì vậy nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ tình hình vĩ mô.
Tuy nhiên, mối quan hệ đó không chắc chắn cho nên đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, làm sao đảm bảo nền kinh tế tài chính phục vụ cho nền kinh tế thật. Đây là một bài toán khó đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Ông Dominic Scriven: Không có hối tiếc, thấy mình có phần may mắn và điều quan trọng là thích làm.