Ông Biden công bố một số nhân sự cấp cao dự kiến cho Nhà Trắng
Theo Reuters, ông Biden đang chuẩn bị để nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1 năm sau. Thời gian qua, ông đã gặp gỡ các cố vấn và vạch ra kế hoạch kiểm soát đại dịch, bất chấp nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử từ Tổng thống Trump.
Giám đốc chiến dịch Jen O'Malley Dillon, người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt cuộc tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ và đi đến chiến thắng, sẽ giữ chức Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền ông Biden.
Các cố vấn lâu năm Mike Donilon và Steve Ricchetti sẽ lần lượt tham gia chính quyền mới với tư cách cố vấn cấp cao và tham vấn viên của ông Biden. Bà Dana Remus, luật sư hàng đầu của chiến dịch, cũng sẽ là tham vấn của Tổng thống đắc cử Biden.
Một cố vấn thân cận khác, ông Ron Klain, đã được chỉ định làm Chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền ông Biden.
Hạ nghị sĩ Cedric Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Biden, sẽ rời ghế Hạ viện ở bang Louisiana để tham gia chính phủ mới với tư cách cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Văn phòng Gắn kết Công chúng của Nhà Trắng.
Ông Richmond, có 5 nhiệm kì trong Hạ viện Mỹ, có một số kinh nghiệm hòa giải và thu hẹp khoảng cách giữa có bên. Kinh nghiệm này có thể giúp ông Biden thúc đẩy các ưu tiên của ông tại Quốc hội Mỹ.
Có thể vài tuần nữa ông Biden mới bổ nhiệm nội các của mình. Chính quyền của ông Biden sẽ phải đối mặt với đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất nghiêm trọng. Thậm chí, các chuyên gia còn dự đoán thời điểm ông nhậm chức sẽ là lúc Mỹ chạm đỉnh dịch mới.
Tổng thống Trump từ chối rút lui khiến quá trình chuyển giao quyền lực rơi vào bế tắc. Ngân sách liên bang và các cơ quan chính phủ sẽ được giữ nguyên cho đến khi ông Biden được công nhận là người chiến thắng cuộc bầu cử.
Trong cuộc trao đổi cùng phóng viên hôm 17/11, ông Vivek Murthy, cựu Tổng Y sĩ Mỹ và hiện là đồng chủ tịch tổ công tác chống COVID-19 của ông Biden, cho biết việc ông Trump ngăn cản các cố vấn chuyển tiếp của ông Biden gặp gỡ chuyên gia chính phủ có thể gây hại cho khả năng phòng chống bệnh dịch của Mỹ trong năm tới.
Cũng trong ngày 17/11, nhiều hiệp hội y bác sĩ đã công bố một lá thư thúc giục chính quyền ông Trump chia sẻ dữ liệu quan trọng về đại dịch COVID-19 như kiểm kê thiết bị, vật tư y tế và công suất giường bệnh với nhóm của ông Biden.
Theo Reuters, ông Biden hiện cũng chưa thể nhận được các tài liệu tình báo tuyệt mật dù đang là tổng thống đắc cử.
Thay vào đó, ông đã gặp mặt nhóm chuyên gia an ninh quốc gia của riêng mình, trong đó có một số nhân vật đang được xem xét bổ nhiệm cho vị trí chính sách đối ngoại cấp cao như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Antony Blinken, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Avril Haines và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power.
Đến nay, ông Biden cho biết ông đã trò chuyện cùng 13 nguyên thủ quốc gia. Tổng thống đắc cử nói với các nhà lãnh đạo thế giới: "Mỹ đã trở lại và không còn là đơn độc nữa".
Chỉ trong ngày 17/11, ông Biden đã trao đổi cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một đồng minh của ông Trump, cùng các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nam Phi và Chile.
Đương kim Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố ông là nạn nhân của gian lận phiếu bầu trên diện rộng, song cá nhân ông lại không đưa ra bằng chứng xác đáng. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang đệ đơn kiện ở nhiều bang chiến địa, nhưng quan chức bầu cử của cả hai đảng đều không thấy có những bất thường nghiêm trọng.
Các chuyên gia bầu cử cũng nhận định dù kiểm lại phiếu bầu, chiến thắng của ông Biden cũng khó có thể đảo ngược. Hiện tại, ông Biden đang thắng thế với cách biệt hơn 5,6 triệu phiếu bầu phổ thông (tương đương 3,6 điểm %) và một số địa phương vẫn còn kiểm phiếu.
Ở số phiếu bầu đại cử tri, ông Biden đã giành được 306 phiếu (bỏ xa con số 270 phiếu bầu cần thiết để đắc cử), trong khi ông Trump chỉ mới giành được 232 phiếu.