|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump làm gì khi Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca COVID-19 trong một tuần?

17:15 | 17/11/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump đang trải qua những ngày bận rộn với rất nhiều hoạt động từ sáng sớm tới đêm khuya như đăng tweet, chơi golf, kiện tụng kết quả bầu cử, .... Ứng phó với đại dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dường như không phải là ưu tiên hàng đầu của vị tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, liên tiếp trong 14 ngày từ 3/11 đến 16/11, nước Mỹ đều ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày.

Chỉ tính tổng trong một tuần gần đây nhất, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt mức 1,2 triệu, số ca tử vong là trên 8.700. Trung bình mỗi ngày, Mỹ ghi nhận 155.000 ca dương tính và gần 1.100 người chết vì đại dịch.

Ông Trump làm gì khi Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca COVID-19 trong một tuần? - Ảnh 1.

Ngày 16/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden nói về đại dịch: "Chúng ta đang bước vào một mùa đông đen tối. Trước khi chúng ta kiểm soát được tình hình, mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều". Các chuyên gia cũng dự báo dịch bệnh sẽ trầm trọng thêm trong những tháng mùa đông tới.

Cựu Cục trưởng Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb nhận định trên đài CBS ngày 8/11: "Lúc ông Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, chúng ta có lẽ đang ở đỉnh dịch mới. Dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong vài tháng tới".

Tuần trước, Giáo sư Michael Osterholm – Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Chính sách của Đại học Minnesota cho rằng nước Mỹ đang dần rơi xuống "địa ngục COVID". Số ca nhiễm tăng nhanh khi nhiều người dân quá chán ngán với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Thời tiết lạnh dần cũng khiến nhiều người tập trung tại các địa điểm trong nhà - nơi virus dễ lây lan.

Vậy đương kim Tổng thống Donald Trump đang làm gì (hay không làm gì) trong lúc người dân Mỹ đang phải gồng mình để ứng phó với đại dịch hiện nay?

Đi chơi golf

Trong nửa đầu tháng 11/2020 khi đại dịch bùng phát trên khắp cả nước, ông Trump đã 4 lần đi tới sân golf của gia đình tại bang Virginia vào các ngày 7, 8, 14 và 15/11.

Khi tranh cử năm 2016, ông Trump đã hàng chục lần tuyên bố rằng nếu thành tổng thống, ông sẽ chỉ ở trong Nhà Trắng và làm việc phục vụ nhân dân, "không thời gian đâu mà đi chơi golf". Ông còn thường xuyên chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama là "chỉ suốt ngày đi chơi golf, nhiều hơn cả vận động viên chuyên nghiệp".

Theo tổng hợp của trang web trumpgolfcount.com, từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017 đến nay, ông Trump đã tới sân golf 287 ngày và chơi golf ít nhất 143 ngày, nhiều hơn cả Tổng thống Obama.

Ông Trump làm gì khi Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca COVID-19 trong một tuần? - Ảnh 2.

Ông Trump chơi golf tại sân golf của mình ở bang Virginia, gần thủ đô Washington. (Ảnh: EPA.)

"Chắc chắn tôi sẽ không phong toả đất nước"

Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Trump hàng ngày đều phát biểu và cập nhật tình hình đại dịch trong buổi họp báo ở khuôn viên Nhà Trắng. Sau đó, ông tuyên bố giới truyền thông chỉ hỏi những câu bới móc với hàm ý thù địch nhằm vào ông nên từ ngày 25/4, Tổng thống Mỹ không còn dự các buổi họp báo hàng ngày nữa.

Hôm 13/11 vừa qua, ông Trump bất ngờ có mặt trở lại trong buổi họp báo về đại dịch. Đây cũng là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 7/11 khi giới tryền thông dự đoán ông Biden thắng cử tổng thống.

Trong lần xuất hiện này, ông Trump không còn tràn đầy tự tin như trước mà ngầm thừa nhận khả năng ông có thể mất chức tổng thống: "Ai mà biết được chính phủ nào sẽ nắm quyền? Tôi đoán thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó".

Đồng thời, ông cũng tái khẳng định chính sách ứng phó dịch bệnh lâu nay của mình: "Chính phủ của tôi sẽ không phong toả đất nước".

Thực tế kinh nghiệm của nhiều quốc gia từng dập tắt được dịch bệnh như Việt Nam, Trung Quốc đều phải trải qua một quãng thời gian phong toả gắt gao. Nhiều chuyên gia y tế Mỹ cũng khuyến nghị tạm phong toả toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh.

CNBC dẫn lời Giáo sư Michael Osterholm cho rằng Mỹ nên đóng cửa đất nước trong 4-6 tuần và trả lương đầy đủ cho người lao động trong những tuần này. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế có thể dần hồi phục và đợi đến khi có vắc xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu.

"Nếu chúng ta cứ để mỗi bang ra một chính sách riêng thì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ không được hỗ trợ. Cách làm hiện nay của chúng ta không có tác dụng", Giáo sư Osterholm nói.

Không bắt buộc đeo khẩu trang

Mỹ hiện nay không có một chiến lược chống dịch tổng thể mà mạnh ai nấy làm. Bang nào, thành phố nào thấy cần thắt chặt kiểm soát thì thắt chặt, các nơi khác vẫn buông lỏng như thường.

Ngày Chủ nhật vừa qua (15/11), North Dakota trở thành bang thứ 35 của Mỹ bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tức là vẫn còn 15 bang khác không có qui định đeo khẩu trang.

Ông Trump làm gì khi Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca COVID-19 trong một tuần? - Ảnh 3.

Tổng thống Trump tháo khẩu trang khi ở Nhà Trắng ngày 5/10/2020, chỉ ba ngày sau khi ông được xét nghiệm dương tính với COVID-19. (Ảnh: Reuters.)

Cũng ngày 15/11, Tiến sĩ Anthony Fauci – cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về COVID-19 kì vọng người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giữ giãn cách.

Tổng thống Trump chưa ban hành qui định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc và bản thân ông cũng rất ít khi đeo khẩu trang, kể cả khi đến các sự kiện tranh cử tập trung hàng nghìn người. Ông Trump cùng vợ con đều từng nhiễm COVID-19.

Kiện tụng và đăng tweet

Một trong những hoạt động làm hao tổn nhiều trí lực và thời gian của ông Trump trong những ngày qua là kiện tụng kết quả bầu cử tại những bang mà ông thua cuộc, đồng thời đăng Twitter và Facebook về những vụ kiện này.

Ông còn đăng tải những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử qui mô lớn, phần mềm xoá hàng triệu phiếu bầu cho ông hoặc các bang đếm phiếu bầu không hợp lệ …

Lướt qua tài khoản Facebook và Twitter của ông Trump, người đọc sẽ thấy đại đa phần nội dung là về bầu cử. Khi thì ông tự tuyên bố tái đắc cử, trái ngược với dự phóng của các hãng tin lớn; khi khác ông chỉ trích giới truyền thông và đối thủ chính trị đã đánh tráo kết quả; có lúc ông tái khẳng định lập trường không chuyển giao quyền lực cho ông Biden …

Khi không nói chuyện bầu cử, ông Trump đăng tweet chỉ trích các quan chức cũ mà ông không ưa, chẳng hạn như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Twitter cũng là nơi vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thông báo sa thải và bổ nhiệm mới Bộ trưởng Quốc phòng hôm 10/11.

Trong lần hiếm hoi nhắc đến COVID-19 qua tài khoản mạng xã hội, ông Trump không thăm hỏi nạn nhân hay công bố chính sách hỗ trợ mà chỉ tự nhận công lao về mình khi các hãng dược đạt tiến triển trong nghiên cứu vắc xin.

Gói cứu trợ dậm chân tại chỗ

Đạo luật 2.200 tỉ USD hỗ trợ đất nước ứng phó với COVID-19 được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng 3 đã hết hạn vào ngày 31/7. Từ giữa tháng 5, Đảng Dân chủ ở Hạ viện đã thông qua Dự luật HEROES trị giá 3.000 tỉ USD để tiếp tục chống đỡ nền kinh tế khi đạo luật ban đầu hết hiệu lực.

Tổng thống Trump và Đảng Cộng hoà đều muốn cắt giảm qui mô của gói cứu trợ mới. Mới đây nhất, ông Trump đề xuất dự luật trị giá 1.800 tỉ USD. Tuy nhiên cả Đảng Cộng hoà ở Thượng viện lẫn bản thân ông Trump dường như đều không coi gói hỗ trợ này là ưu tiên cấp bách hàng đầu.

Bằng chứng là đến nay, đã 6 tháng trôi qua từ khi Hạ viện thông qua Dự luật HEROES nhưng Thượng viện do Đảng Cộng hoà chiếm đa số vẫn đang án binh bất động.

Nếu không tập trung thông qua gói cứu trợ mới thì ông Trump và các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà đang làm gì? Câu trả lời là: Phê chuẩn thẩm phán vào các cấp toà án.

Theo tờ Newsweek, tính đến ngày 12/11/2020, Thượng viện đã xác nhận 221 thẩm phán do Tổng thống Trump đề cử. Trong số này có hai thẩm phán vào Toà án Thương mại Quốc tế, 53 người vào các toà phúc thẩm, 163 người vào các toà án quận, ba người vào Toà án Tối cao – người mới nhất là bà Amy Coney Barrett, được bổ nhiệm chỉ 8 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.

Theo tờ Truthout, hiện nay Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã lên lịch cho 6 cuộc bỏ phiếu để phê chuẩn các ứng viên thẩm phán mà ông Trump đề cử. Đây đều là các ghế thẩm phán với nhiệm kì trọn đời, tức là cho dù ông Trump thất cử hay Đảng Cộng hoà mất đa số ở Thượng viện thì tư tưởng của phe bảo thủ vẫn sẽ trường tồn trong hệ thống tư pháp Mỹ.

Trong khi đó, gói ngân sách vẫn chưa được thông qua. Chưa biết đến khi nào hệ thống y tế mới được cấp thêm kinh phí để xét nghiệm và truy vết COVID-19, khi nào người lao động mới được bổ sung trợ cấp thất nghiệp, khi nào doanh nghiệp được vay ưu đãi để trang trải chi phí, …

Đức Quyền - Song Ngọc