|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dominion là gì? Thực hư chuyện phần mềm biến phiếu bầu ông Trump thành ông Biden

18:37 | 16/11/2020
Chia sẻ
Dominion là công ty cung cấp máy tính và phần mềm phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Gần đây đã xuất hiện nhiều tin giả, tin chưa kiểm chứng về công ty này khiến nhiều người băn khoăn.

Cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây bão mạng xã hội khi đăng tweet tuyên bố phần mềm Dominion đã xoá hàng triệu phiếu bầu cho ông và chuyển hàng trăm nghìn phiếu từ bầu cho Trump thành bầu cho Biden. Dòng tweet này của ông Trump đã ngay lập tức bị Twitter đánh dấu là chứa thông tin gây tranh cãi về bầu cử.

Theo báo cáo: Dominion xoá 2,7 triệu phiếu bầu cho Trump trên khắp nước Mỹ. Phân tích dữ liệu cho thấy 221.000 phiếu ở bang Pennsylvania chuyển từ Tổng thống Trump sang cho Biden, 941.000 phiếu cho Trump bị xoá. Các bang sử dụng hệ thống bầu cử Dominion chuyển 435.000 phiếu từ Trump sang Biden.

Tổng thống Trump đăng tweet ngày 12/11/2020

Như các cáo buộc gian lận bầu cử khác, ông Trump chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào về việc Dominion xoá hay chuyển phiếu bầu.

Tin giả ở khắp nơi

Hai ngày cuối tuần (14-15/11), mạng xã hội lại rộ lên tin đồn từ một số trang web cực hữu rằng Lục quân Mỹ đã đột nhập vào văn phòng của hai công ty là Scytl và Dominion tại Frankfurt, Đức để tịch thu các máy chủ chứa dữ liệu về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Cả Scytl và Dominion đều đã lên tiếng cho biết tin đồn này là hoàn toàn bịa đặt và rằng hai công ty này không có liên quan gì tới nhau.

Trong thông cáo chính thức của mình, Scytl cho biết: "Chúng tôi hiện nay không có máy chủ hay văn phòng nào ở Frankfurt", "Quân đội Mỹ không tịch thu bất cứ thứ gì của Scytl, ở bất kì đâu" và "Chúng tôi không tổng hợp hay kiểm đếm phiếu bầu tại Mỹ".

Trao đổi với hãng tin AP, ông Jonathan Brill – Giám đốc Scytl tại Mỹ cho biết công ty này từng đặt máy chủ dự phòng tại Frankfurt để phục vụ một dự án bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 và "các máy chủ dự phòng này đã bị đóng cửa từ tháng 9/2019".

Cả đại diện của Lục quân Mỹ và Dominion đều khẳng định tin đồn về việc tịch thu máy chủ ở Đức là hoàn toàn sai sự thật, AP cho biết.

Dominion là gì? Thực hư chuyện phần mềm biến phiếu bầu ông Trump thành ông Biden - Ảnh 2.

Tin giả về việc tịch quân đội Mỹ tịch thu máy chủ Scytl và Dominion tại Đức đã lan truyền rộng rãi trên các trang web tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Ảnh chụp màn hình.

Đây là một kiểu tin giả mà chỉ cần người nghe cảnh giác và tư duy một chút là sẽ thấy "vô lí đùng đùng". Chẳng hạn, dữ liệu về bầu cử tổng thống Mỹ thì phải nằm ở trên đất Mỹ, không lẽ nào mà máy chủ lại ở tận châu Âu.

Nếu có lực lượng nào đó đột kích vào văn phòng công ty và tịch thu máy móc thì đó phải là cảnh sát hoặc FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ); nhiệm vụ của quân đội là quốc phòng, không phải an ninh bầu cử. Trong trường hợp phá án bên ngoài nước Mỹ như ở Đức, vụ việc sẽ do lực lượng hành pháp của nước sở tại đảm nhiệm.

Dominion là gì? 

Theo Fox News, Hệ thống Bỏ phiếu Dominion là một trong những nhà cung cấp công nghệ bầu cử lớn nhất nước Mỹ. Hơn 30 bang của đất nước cờ hoa sử dụng máy bầu cử của Dominion để quét và ghi nhận kết quả bầu cử tổng thống vừa qua.

Nhiều bang sử dụng Dominion và cho ra kết quả cạnh tranh sít sao giữa hai ứng viên Trump - Biden như Arizona, Georgia, Michigan, North Carolina, Nevada và Pennsylvania. Một số quan chức đã chỉ ra những điểm bất thường trong hoạt động kiểm phiếu ở Georgia và Michigan.

Dominion ra thông cáo "phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới chuyển phiếu bầu từ ứng viên này sang ứng viên khác hay các nghi ngờ về lỗi phần mềm bầu cử".

Công ty này cho rằng "lỗi do con người liên quan tới việc báo cáo kết quả bầu cử đã xuất hiện ở một số hạt, bao gồm cả những hạt sử dụng thiết bị của Dominion".

Chuyên gia nói sao về an ninh bầu cử? 

AP dẫn lời ông Eddie Perez – chuyên gia công nghệ bầu cử tại Viện OSET (một tổ chức nghiên cứu không đảng phái) cho biết chỉ có một số nhỏ sai sót xảy ra và nguyên nhân là do con người chứ không phải do phần mềm máy tính.

Cục An ninh mạng và Hạ tầng thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra thông cáo khẳng định: "Không có bằng chứng nào cho thấy một phần mềm bầu cử đã xoá, làm mất, chuyển đổi phiếu bầu hay hỏng hóc theo bất kì hình thức nào".

Không chỉ dừng lại ở việc đăng tweet, phe Trump còn nộp đơn kiện tụng và đòi kiểm phiếu lại ở nhiều bang như Pennsylvania, Arizona, Michigan, Georgia, …

Bloomberg dẫn thông tin từ một số luật sư làm việc cho chiến dịch của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết hiện nay 48/159 hạt bầu cử của bang Georgia đã hoàn tất kiểm lại phiếu với kết quả không thay đổi hoặc dịch chuyển không đáng kể. 

Tại nhiều hạt, chênh lệch trước và sau kiểm đếm lại là chưa đến 5 phiếu, 4 hạt báo cáo không thay đổi gì.

Song Ngọc