|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nước láng giềng của Ukraine bị vạ lây: Kinh tế điêu đứng, đành chờ quốc tế giải cứu

06:36 | 09/05/2022
Chia sẻ
Cuộc động binh của Nga tại Ukraine đã đẩy nền kinh tế của đất nước Moldova nhỏ bé vào rắc rối. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang kêu gọi các nước hỗ trợ khoản vay để giúp Moldova xoa dịu tác động từ cuộc chiến sát bên.

Kinh tế một nước láng giềng của Ukraine kiệt quệ

Ở một khía cạnh nào đó, Moldova - đất nước từng thuộc Liên Xô cùng Nga và Ukraine, vẫn bị mắc kẹt giữa hai thế giới. Chính phủ nước này hy vọng có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng lại bị ràng buộc với Nga về năng lượng.

Mặt khác, căng thẳng lại đang gia tăng ở vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở Transnistria, làm dấy lên lo ngại rằng Moldova có thể vô tình bị cuốn vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.

 

Với lạm phát thường niên ở mức 22%, tăng trưởng tụt dốc từ mức 14% vào năm 2021 xuống dự kiến khoảng 0,3% trong năm nay, và xuất khẩu cũng như kiều hối bị gián đoạn, chiến sự ở Ukraine vẫn có thể làm xáo trộn quốc gia 2,6 triệu dân này.

Một thiệt hại đáng chú ý của cuộc xung đột tại Ukraine đối với Moldova là kiều hối, thứ đã mang lại cho nền kinh tế địa phương gần 1,5 tỷ USD trong năm 2020 (tức hơn 10% GDP).

Vốn đã trong đà giảm, lượng tiền gửi về quê nhà của những người Moldova đang làm việc tại Nga, Ukraine và Belarus có vẻ đang lao dốc. Hoạt động thương mại với các nước đó cũng đang đi xuống đáng kể.

 

Trao đổi với Bloomberg, ông Giorgi Shagidze - CEO của ngân hàng lớn nhất Moldova MAIB, cho biết thêm: “Phần đáng sợ nữa là chuyện gì sẽ xảy ra với tiền gửi của người dân và dòng vốn đầu tư vào Moldova cũng như với dòng vốn tháo chạy vì chiến sự”.

Theo ông Shagidze, hàng trăm nghìn người Moldova có hộ chiếu Romania và có thể mang tiền qua biên giới để đến nước thành viên EU này nếu họ cảm thấy không còn an toàn ở thủ đô Chisinau.

Điểm yếu nhất trong nền kinh tế Moldova có lẽ là sự phụ thuộc lâu dài của đất nước này vào nguồn cấp năng lượng của Gazprom và Transnistria. Cho đến gần đây, Moldova vẫn chưa có giải pháp thay thế.

Theo ông Constantin Borosan, người phụ trách lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Moldova, một hệ thống kết nối khí đốt với Romania vừa mở vào tháng 10 năm ngoái và mặc dù Moldova vẫn sử dụng nó để mua một ít khí đốt trên thị trường giao ngay của châu Âu, mức giá lại cao gấp 10 lần so với con số mà nước này trả cho Gazprom trong đại dịch.

Moldova đang cần phải hỗ trợ cho 450.000 người tị nạn từ Ukraine, 95.000 người trong số đó đã quyết định ở lại. Do đó, mức tiêu thụ năng lượng đang tăng lên. Mặt khác, khí đốt mua từ Nga theo hợp đồng hiện tại với Gazprom vẫn rẻ hơn nhiều so với từ châu Âu.

Ngoài ra, Moldova cũng có hợp đồng với lưới điện của Ukraine. Tuy nhiên, ông Borosan cho biết nước này vừa gia hạn hợp đồng với công ty điện lực của Transnistria trong một tháng, vì giá của họ chỉ bằng một nửa so với của Ukraine.

“Đúng là chúng tôi một lòng với Ukraine, nhưng làm sao chính phủ có thể giải thích với người dân rằng chúng tôi mua điện với giá đắt hơn. Ai được lợi đây”, ông Borosan nhấn mạnh.

Nỗ lực giải cứu Moldova

Nhìn chung, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang gây áp lực chồng chất lên Moldova, ngay khi đất nước này bắt đầu cố gắng chấn chỉnh nạn tham nhũng và khắc phục các vấn đề cấu trúc khác.

Ông Rodgers Chawani - đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Moldova, cho biết nước này phải vay nợ quá nhiều để thoát khỏi những cú sốc từ bên ngoài, dẫn đến chính phủ không còn ngân sách để thực hiện các cải cách trong nước.

“Khi nào Moldova mới có thể tập trung vào chương trình nghị sự riêng?”, ông Chawani đặt câu hỏi. Vị đại diện lo lắng rằng các tổ chức như IMF chỉ có thể cho vay, khối nợ tích tụ theo thời gian sẽ ngoạm hết các nguồn thu trong tương lai, khiến Moldova không còn tiền để đầu tư phát triển.

“Rủi ro là Moldova có thể rơi vào cảnh nợ nần chồng chất”, ông Chawani nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang kêu gọi các nhà tài trợ song phương cung cấp thêm các khoản hỗ trợ”.

 

Trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, IMF dự đoán tỷ lệ nợ công trên GDP của Moldova sẽ tăng vọt từ 27,9% vào năm 2019 lên 40% trong năm nay. Theo ông Chawani, IMF nhận định tỷ lệ trên 45% là ngưỡng không bền vững cho Moldova.

IMF đã cam kết hỗ trợ khoảng 815 triệu USD cho Moldova kể từ tháng 12 năm ngoái. Moldova đang cố gắng bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách ước tính khoảng 1,7 tỷ USD - tương đương 14% quy mô kinh tế, phần lớn là do ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine.

Một khoản hỗ trợ khác trị giá 300 triệu USD để Moldova mua khí đốt dự trữ đang chờ hội đồng quản trị của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) phê duyệt, theo Bloomberg.

Ngoài ra, đất nước Đông Âu còn có thể nhận thêm hàng trăm triệu USD viện trợ khác về cơ sở hạ tầng từ các đồng minh và cơ quan quốc tế. Tháng trước, EU đã đề xuất giúp đỡ Moldova 150 triệu euro.

Tổng thống Moldova Maia Sandu. (Ảnh: Getty Images).

Các khoản tiền trên cũng phản ánh niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính phủ hiện tại. Gần đây nhất, vào năm 2018, EU đã tạm ngừng viện trợ cho Moldova, khi đó đang bị kiệt quệ bởi các cam kết cải cách không thành và những bê bối rửa tiền chấn động.

Một năm sau, chính phủ do Thủ tướng - nay là Tổng thống - Maia Sandu lãnh đạo đã cam kết cải thiện quản trị nhà nước, loại bỏ các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn bết bát và cải cách bộ máy tư pháp đã bị chính trị hóa.

Nỗ lực của Moldova bị cản trở khi bà Sandu tạm thời mất quyền lực, sau đó là đại dịch COVID-19, bão giá khí đốt và bây giờ là thiệt hại từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Song, bà Sandu đã trở lại lãnh đạo đất nước kể từ tháng 12/2020.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.