Vùng đất ngay sát Ukraine muốn được sáp nhập vào Nga, Moscow có nhận hay không?
Vào hôm 22/4, hãng tin Interfax dẫn lời ông Tustam Minnekaev, quyền chỉ huy Quân khu trung tâm của Nga, cho biết: “Kiểm soát toàn miền nam Ukraine là một cách khác để tới Transnistria, nơi có bằng chứng dân cư nói tiếng Nga đang bị đàn áp”.
Trong cuộc họp thường niên của Liên minh Công nghiệp Quốc phòng Vùng Sverdlovsk hôm 22/4, ông Minnekayev cho biết: “Một trong những nhiệm vụ của quân đội Nga là toàn quyền kiểm soát vùng Donbass và miền nam Ukraine”.
Miền nam Ukraine bao gồm các vùng Kherson, Mykolaiv, Zaporizhzhia và thành phố cảng Odessa, chỉ cách biên giới Moldova 35 km.
Transnistria ở đâu?
Transnistria là nơi sinh sống của khoảng 460.000 người trong tổng số 4 triệu dân của Moldova. Transnistria tuyên bố độc lập khỏi Moldova vào năm 1991. Đa số người dân tại khu vực ly khai này sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.
Tuy nhiên, không có bất cứ thành viên Liên Hợp Quốc nào, kể cả Nga, công nhận chủ quyền của Transnistria và khu vực này được Liên Hợp Quốc coi là một phần của Moldova.
Nga đã đóng quân tại Transnistria trong nhiều thập kỷ với tư cách là “lực lượng gìn giữ hòa bình”, với số lượng ước tính khoảng 1.500 binh sĩ.
Mặc dù Transnistria nằm trong biên giới của Moldova, nhưng Chisinau (thủ đô Moldova) hoàn toàn không có quyền kiểm soát đối với nước cộng hòa ly khai nói tiếng Nga nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova-Ukraine.
Theo BBC, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, các nhà lãnh đạo của Transnistria đã yêu cầu Moscow sáp nhập luôn khu vực ly khai này vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo tờ Politico, trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2006, 97,2% người dân Transnistria ủng hộ việc sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Người Moldova coi Transnistria là một vùng đất mắc kẹt trong thời kỳ Xô Viết, nơi thẻ ngân hàng quốc tế không hoạt động và công ty độc quyền Sheriff kiểm soát hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Moldova là quốc gia nghèo nhất châu Âu và không phải là thành viên của NATO. Bởi vậy, các quốc gia Phương Tây sẽ không có nghĩa vụ bảo vệ quốc gia nhỏ bé này trong trường hợp Nga quyết định tiến quân tới Transnistria.
Moldova đã triệu tập đại sứ Nga vào cuối ngày 22/4 để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những bình luận của ông Minnekaev.
Nga đạt được gì nếu chiếm Transnistria?
Ông Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị tại tạp chí trực tuyến Riddle, cho biết ý tưởng về việc thiết lập một liên kết địa lý với Transnistria của Moscow đã được “thảo luận ít nhất từ những năm 1990”.
Ông Alexander Montgomery, giáo sư khoa học chính trị, Đại học Reed cho biết: "Rõ ràng là kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga đã tìm kiếm ảnh hưởng trên một số khu vực. Vì vậy, mục tiêu trung hạn sẽ là kết nối Transnistria với Crimea để tái hình thành 'Novorossiya’”.
“Novorossiya” là phần lãnh thổ trải dài miền đông và miền nam Ukraine dọc theo bờ Biển Đen được ông Putin coi là “vùng đất lịch sử của Nga”.
Từ lâu, Nga đã tìm cách duy trì tầm ảnh hưởng ở Đông Âu. Moscow tiếp tục hỗ trợ Transnistria bằng khí đốt miễn phí và lương hưu, giữ cho nước cộng hòa ly khai tồn tại.
Khi Moldova bắt đầu nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 3 sau khi Nga tấn công Ukraine. Transnistrian tuyên bố không muốn vào EU và một lần nữa yêu cầu tạo ra “hai quốc gia độc lập”.
Tuy nhiên, ông Barbashin cho biết, khu vực này không có nhiều giá trị chiến lược đối với Moscow. Việc gửi quân đến Transnistria sẽ “tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được” cho Nga, có khả năng gây ra các lệnh trừng phạt bổ sung, phá hủy mối quan hệ giữa Moscow với Moldova. Hiện tại Chisinau trung lập về mặt hiến pháp và đã tuyên bố sẽ không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine và sự hiện diện của quân đội Nga ở Transnistria đã khiến người Moldova lo lắng rằng mình có thể là mục tiêu tiếp theo.
Khó có thể xảy ra
Các nhà phân tích cho rằng quân đội Nga sẽ khó có thể tấn công Moldova trong thời điểm hiện tại do đang phải tập lực lượng cho trận chiến tại miền đông Ukraine. Nếu muốn tấn công Moldova, trước hết Nga sẽ phải kiểm soát hoàn toàn miền nam Ukraine.
Ông Michael Kofman, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA cho biết: “Việc Nga tấn công Moldova là điều hoang đường. Quân đội Nga không có khả năng tấn công Moldova nếu chưa kiểm soát miền nam Ukraine. Và sau cuộc chiến tại Donbass, rất có thể lực lượng Nga sẽ bị tổn thất".
Ông Kofman cho biết tuyên bố từ tư lệnh Minnekaev về dự định giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine của Nga không phải là điều mới mẻ.
“Nga đã từng cố gắng kiểm soát miền nam Ukraine trong giai đoạn đầu nhưng thất bại”, ông nói.
Giáo sư Alexander Montgomery cho biết: "Với hiệu suất quân sự của Nga và tình trạng quân đội đang cạn kiệt hiện tại, Moscow thậm chí có thể không đạt được các mục tiêu ngắn hạn, như tạo hành lang trên bộ tới Crimea và kiểm soát Donbass”.
Những nỗ lực của Nga nhằm tiến ra ngoài thành phố Mykolaiv ở miền nam Ukraine đã không mang lại nhiều kết quả. Miền tây nam Ukraine hiện vẫn nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Kiev.
Bộ trưởng Ngoại giao Moldova, ông Nicu Popescu tuyên bố trong một sự kiện do Quỹ Marshall của Đức tổ chức tại Washington rằng tình hình ở Transnistria "ít nhiều đã yên ổn" và Chisinau không thấy dấu hiệu của bất kỳ hoạt động quân sự bất thường nào.
Ông Mihai Popsoi, một thành viên Quốc hội Moldova, cho biết không có thông tin tình báo nào cho thấy quân đội Nga có thể di chuyển theo hướng Transnistria.
“Donbass là khu vực quan trọng cần theo dõi vào lúc này. Nga chắc chắn không đủ năng lực để cùng lúc tấn công cả miền đông và miền nam Ukraine nếu không có một cuộc huy động quy mô lớn”, nhà phân tích Anton Barbashin nói.
Ông Barbashin cho biết thêm rằng, tuyên bố của chỉ huy Nga có thể là một phát biểu không có sự chuẩn bị trước.
Tuy nhiên, các chính trị gia Moldova đang xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc, ông Popsoi cho biết. Ông suy đoán rằng ít nhất, Moscow có ý định khiến Moldova và các nước trong khu vực sợ hãi.
Giáo sư Montgomery nói: “Mặc dù Nga sẽ không thể tiến quân tới Transnistria, nhưng Moscow vẫn có thể gây rắc rối thông qua hỗ trợ kinh tế và quân sự cho lãnh thổ ly khai."
Tuy nhiên, ngay cả khi tiến quân tới Transnistria, Nga có thể sẽ không được chào đón. Mặc dù cư dân của nước cộng hòa ly khai dựa vào sự hỗ trợ từ Moscow, một số người có hộ chiếu Moldova và phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Transnistria được chuyển đến EU. Chính quyền Transnistria không tuyên bố ủng hộ hay lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/