|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh

17:44 | 20/10/2020
Chia sẻ
Đà tăng trưởng của ứng dụng kết nối xe tải Logivan chững lại vì đại dịch COVID-19, song nhà sáng lập Phạm Khánh Linh, một trong những thanh niên dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á, tin rằng làn sóng doanh nghiệp rời Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu giao vận.

Hồi tháng 4, tạp chí Forbes công bố danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á. Phạm Khánh Linh, người sáng lập và điều hành ứng dụng đặt xe tải Logivan, là một trong 6 thanh niên Việt Nam trong danh sách.

Cũng trong năm nay, tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh Phạm Khánh Linh trong Top 30 under 30 năm 2020, lĩnh vực khởi nghiệp.

Công ty Logivan giới thiệu các dịch vụ. (Video: Logivan)

Là startup công nghệ vận tải kết nối chủ hàng với các xe tải rỗng chiều về, Công ty Cổ phần Công nghệ Logivan giúp các chủ hàng tiết kiệm tới 30% chi phí so với cách truyền thống. 

Hiện tại, công ty hợp tác với khoảng 58.000 chủ xe chuyên dụng như xe tải thùng kín, xe tải mui bạt, container, xe bồn, các loại xe chở hàng siêu trường, siêu trọng.

"93% chủ sở hữu xe tải ở Việt Nam là các cá nhân. Trong bối cảnh 60-7-% chuyến xe tải không có hàng để chở chiều về, chi phí để vận chuyển hàng hóa sẽ cao, còn lượng CO2 mà xe thải ra gấp đôi", Linh nhận định.

Ứng dụng của Logivan tính phí 5% trên mỗi lượt vận chuyển, 20% hoa hồng ở các dịch vụ bảo hiểm cho xe tải. Ngoài ra, công ty còn có thể có thêm lợi nhuận từ các chuỗi giá trị khác nằm trong mảng dịch vụ liên quan đến phương tiện vận chuyển, tài chính.

Logivan đã huy động tổng cộng 7,9 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn từ nhiều quĩ đầu tư lớn. Trong vòng gọi vốn mới nhất hồi đầu năm 2019 (sau 15 tháng từ khi ứng dụng hoạt động), công ty nhận 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Alpha JWC và hai nhà đầu tư khác. 

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 2.

Phạm Khánh Linh khởi nghiệp với niềm tin rằng ý tưởng của cô có thể giải quyết một vấn đề lớn trong ngành vận tải hàng hóa. (Ảnh: Thanh Xuân)

Chỉ trong vòng 2 năm, Logivan đã đạt những bước nhảy vọt. Năm ngoái, Tech In Asia – tạp chí công nghệ hàng đầu Châu Á - xếp Logivan cùng Sendo.vn, Yeah1, Momo, TOPICA vào nhóm 15 startup có tầm ảnh hướng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. 

Xếp thứ 9 trong danh sách của Tech In Asia, Logivan là startup công nghệ duy nhất trong lĩnh vực logistics nhận nhiều vốn nhất từ các quĩ đầu tư.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 3.

Với nguồn vốn mới, Logivan đầu tư vào phân tích dữ liệu và tích hợp đa nền tảng để tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. Công ty áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác minh, bảo vệ thông tin, cũng như hiểu nhu cầu người dùng và tăng độ chính xác trong dự đoán.

Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp, nông sản như Petrovietnam, Isuzu, Hawee, Ajinomoto, Miwon, Vinalift, Kangaroo đã hợp tác với Logivan.

Đến tháng 10/2019, tổng giá trị giao dịch (GMV) của Logivan đã tăng gấp đôi so với tháng 5 cùng năm. Với tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng hóa tổng thể đạt 30% mỗi tháng, giới quan sát dự đoán Logivan sẽ tiếp tục giữ vững vị thế doanh nghiệp công nghệ vận tải dẫn đầu Việt Nam trong thời gian tới.

Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh Phạm Khánh Linh trong Top 30 under 30 năm 2020 trong lĩnh vực khởi nghiệp. (Ảnh: Logivan)

Ban lãnh đạo Logivan cũng xác định 2019 là năm đầu tiên trong hành trình mở rộng thị trường của công ty. Song COVID-19 đã cản đà chạy của Logivan. Ảnh hưởng của dịch khiến ngành vận tải đối mặt thách thức lớn và Logivan không phải ngoại lệ. Công ty phải giảm các chỉ số trong mục tiêu cả năm theo thực tế thị trường.

Dù vậy, trong khi hàng nghìn doanh nghiệp phải giảm bớt nhân sự và mất một phần đối tác, số lượng nhân sự của Logivan (hơn 100 người) và số lượng chủ xe (khoảng 58.000) hầu như không thay đổi so với năm ngoái. Phạm Khánh Linh nói rằng, trong giai đoạn khó khăn vì COVID-19, duy trì các chỉ số bằng năm ngoái đã là tín hiệu tích cực.

"Đến đầu năm sau chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch tiếp thị để mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng", Phạm Khánh Linh tiết lộ.

Bất chấp khó khăn vì COVID-19, công ty vẫn đầu tư cho nỗ lực cải thiện thuật toán. Nhờ đó, mức độ chính xác của trí tuệ nhân tạo tăng dần theo thời gian, cho phép ứng dụng định giá hợp lí hơn theo thời điểm và từng loại xe.

Logivan và những bài toán của ngành vận tải Việt Nam. (Video: VTV1)

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 6.

Coi trọng văn hóa phản biện, nên khi nảy ra ý tưởng, Linh đã chủ động gặp và trò chuyện với nhiều chủ xe, chủ hàng; tham vấn ý kiến của chuyên gia trong ngành vận tải. Cả hai đối tượng đều đánh giá cao ý tưởng, bởi nó giúp tài xế không phải chạy xe không chiều về, còn người có nhu cầu chở hàng sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển.

Nhưng Linh vẫn chưa yên tâm. Vì thế, cô gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn và họ cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của ý tưởng. Linh tìm hiểu những mô hình tương tự nhưng đã sụp đổ để xác định những nguyên nhân khiến họ thất bại. 

Cuối cùng, Linh tìm hiểu thực tế trên thế giới và nhận thấy nhiều mô hình như thế đã thành công ở Brazil, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tới lúc ấy, Linh mới cảm thấy cô có đủ căn cứ để khởi động quá trình khởi nghiệp.

Không chỉ đề cao tinh thần phản biện trong thực hiện ý tưởng, Linh còn quán triệt nó trong quản trị doanh nghiệp. 

"Phản biện lẫn nhau là động lực để Logivan phát triển. Chúng tôi không thích văn hóa doanh nghiệp chỉ khuyến khích nhân viên vâng lời người quản lí", Linh bình luận.

Cựu sinh viên của Đại học Cambridge đã cố gắng tìm mọi lập luận hay ý kiến phản biện về ý tưởng cô đang theo đuổi vì theo cô, tự “giết chết chính bản thân mình” là cách nhanh nhất và đúng nhất để tìm ra giải pháp.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 8.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 9.

Nữ CEO Logivan từng chia sẻ rằng với đối tượng khách hàng khác nhau, doanh nghiệp cần có phương thức tiếp cận phù hợp. Thông thường, quá trình thuyết phục khách hàng doanh nghiệp (B2B) sẽ lâu hơn so với khách hàng cá nhân. 

"Do vậy, công ty nên cử người đại diện với khả năng đàm phán tốt để làm việc với nhóm khách hàng doanh nghiệp", cô nói.

Ngoài ra, cô cho rằng, bên cạnh việc quan tâm tìm hiểu khách hàng, việc lựa chọn đúng khách hàng mục tiêu cũng vô cùng quan trọng. 

"Doanh nghiệp nên khoanh vùng đúng nhóm khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh khai thác để tối đa hóa lợi ích", cô nói.

Quan điểm của Phạm Linh là ngoài vai trò điều hành, nhà sáng lập startup còn giữ vai trò lan tỏa động lực cho công ty. 

“Hơn cả điều hành hay quản lý doanh nghiệp, công việc toàn thời gian của một nhà sáng lập là truyền lửa cho nhân viên của họ”, cô nhấn mạnh.

Không chỉ tạo động lực trong nội bộ doanh nghiệp, nhà sáng lập còn phải “truyền lửa” đến nhà đầu tư. Theo Phạm Linh, nhiều nhà đầu tư thích câu chuyện về sự tăng trưởng, nên người sáng lập startup nên thể hiện tầm nhìn vĩ mô và có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài. 

Qui mô thị trường, lợi nhuận, tình hình công ty sau 3, 5 năm nữa là những chủ đề nhà sáng lập có thể khai thác để tiếp cận và thuyết phục nhà đầu tư.

Song Phạm Khánh Linh cũng luôn cảnh giác trước bẫy tăng trưởng quá nhanh để tránh thổi phồng quá mức khả năng doanh nghiệp có thể đạt. Tăng trưởng là tín hiệu vui nhưng nhà điều hành phải cân nhắc đến nhu cầu từ thị trường và khả năng thực tế của doanh nghiệp. 

“Nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến mở rộng hay tăng trưởng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp hãy làm chủ trị trường của mình trước khi tham vọng những thị trường khác”, cô nói.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 11.

Đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đã đứt gẫy và đảo lộn. Các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt chịu tác động nặng nề nhất. 

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, trong quí đầu của năm, 15 – 50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. 

Khoảng 97% doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics là vừa và nhỏ nên bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế nhưng hiện nay nhìn chung khoảng 20% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. 

So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm nhiều, phải đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn đang tồn tại.

Bất chấp khó khăn hiện tại, nữ giám đốc Logivan vẫn lạc quan khi hướng tới tương lai, bởi cô cho rằng khả năng kiểm soát dịch hiệu quả của chính phủ đã mang lại triển vọng tươi sáng cho kinh tế vĩ mô.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 13.

Đồng thời, Linh cũng nhìn ra cơ hội cho ngành vận tải từ thương chiến Mỹ - Trung, yếu tố đang thúc đẩy hàng vạn doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

"Làn sóng dịch chuyển của giới doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc và hướng tới Việt Nam, Ấn Độ và nhiều nước khác sẽ góp phần làm tăng nhu cầu vận chuyển trong nước", Linh lập luận.

Mặc dù cỗ xe Logivan tiến chậm bởi COVID-19, Linh khẳng định dù đại dịch không xảy ra, cô cũng không kì vọng tăng trưởng nhanh. Ngay từ đầu, cô đã chủ trương nỗ lực hết sức và chớp mọi thời cơ, song không đánh đổi mọi thứ để tăng trưởng quá nhanh.

Nữ giám đốc Logivan: Dù COVID-19 không xảy ra, chúng tôi vẫn chỉ thích chạy bền chứ không chạy nhanh - Ảnh 14.

"Tôi xác định Logivan đang ở giai đoạn đầu trong vòng đời, và giai đoạn ấy có thể kéo dài 5-10 năm. Với tâm thế như vậy, chúng tôi sẽ không vội vàng. Dù COVID-19 không xảy ra, Logivan vẫn sẽ chạy bền chứ không chạy nhanh để rồi đối mặt nguy cơ hụt hơi vì đuối sức", Linh thổ lộ.


Nhạc Phong