|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng kết hợp giữa doanh nghiệp truyền thống và ứng dụng kết nối đang khuấy động ngành vận tải hành khách

10:17 | 31/07/2020
Chia sẻ
Các hãng taxi truyền thống đang dần thay đổi theo hướng "công nghệ hóa" bằng cách ra ứng dụng, song một số hãng hợp tác với chính các ứng dụng kết nối.

Liên minh giữa taxi truyền thống và ứng dụng kết nối

Ứng dụng gọi xe Be vừa công bố thỏa thuận hợp tác với công ty Vinataxi, một trong những hãng taxi lâu đời tại thị trường Việt Nam. Theo tuyên bố của Be, đây là "một bước tiến mới trong nền tảng mở về vận tải công nghệ".

Thỏa thuận sẽ tạo ra một dịch vụ mới mang tên beTaxi, bên cạnh dịch vụ gọi xe ô tô beCar mà công ty đang cung cấp. BeTaxi sẽ hoạt động ở thị trường TP HCM từ ngày 30/7. 

Quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần làm minh bạch hóa thị trường vận tải. Giá cước dịch vụ beTaxi sẽ hiển thị cố định trên ứng dụng. Khách hàng sẽ chỉ cần trả thêm phụ phí (cầu đường, bến bãi...)

Be sẽ có cơ hội đưa một lượng lớn xe và tài xế lên nền tảng ứng dụng, giúp khách hàng rút ngắn thời gian đợi xe cũng như vấn đề phát sinh. Trong khi đó, Vinataxi cũng có thể tiếp cận một lượng khách hàng lớn từ đối tác. Theo Be, công ty hiện có 60.000 tài xế với trung bình 35.000 lượt đặt xe mỗi ngày - con số lớn thứ hai ở mảng gọi xe công nghệ. 

Cái bắt tay của 'truyến thống' và 'công nghệ' - Ảnh 1.

Be và Vinataxi hợp tác, tạo "bước tiến mới" cho ngành vận tải. Ảnh: Be

Ở chiều ngược lại, Vinataxi là một doanh nghiệp vận tải có bề dày truyền thống, và Be có thể nhận sự hỗ trợ từ kinh nghiệm lâu năm của đối tác. 

"Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hai bên cũng như mở ra cơ hội liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp vận tải, nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Chúng tôi luôn mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp taxi truyền thống nói riêng và các đơn vị vận tải trong nước nói chung để tận dụng thế mạnh của nhau và cùng hỗ trợ nhau phát triển", bà Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc beGroup, phát biểu.

Việc một hãng gọi xe công nghệ, hay rộng hơn là một ứng dụng kết nối vận tải, kết hợp với một doanh nghiệp vận tải truyền thống không phải là câu chuyện mới. Từ vài năm trước, Grab đã triển khai GrabTaxi tại thị trường Việt Nam sau khi hợp tác với các hãng taxi bản địa.

Thậm chí thời điểm đó Grab còn sẵn sàng tung dịch vụ JustGrab, cho phép người dùng kết nối với xe 4 bánh/7 bánh gần nhất, dù đó là xe GrabCar hoặc xe GrabTaxi đối tác. Just Grab tạo ra một sân chơi bình đẳng, không phân biệt giữa GrabCar và GrabTaxi.

Một trường hợp khác đáng chú ý khác là Đi Chung. Xuất phát từ ý tưởng chia sẻ không gian trống trên xe, Đi Chung muốn kết nối giữa những người có nhu cầu chia sẻ phương tiện đi lại cá nhân với những người có nhu cầu di chuyển, tập trung vào phân khúc đường dài và chạy sân bay.

Sau đó, Đi Chung quyết định hợp tác với các hãng taxi để tạo nên dịch vụ chia sẻ xe chuyên nghiệp. Các hãng taxi sẽ sử dụng nền tảng công nghệ của Đi Chung để nhận thêm khách, đồng thời chia sẻ lợi nhuận với đối tác. Trong trường hợp không thể kết nối nhiều hơn một khách, hai bên sẽ cùng chia sẻ rủi ro.

Không chỉ có những cái bắt tay

Khi xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa Grab và Vinasun, Tòa án Nhân dân Cấp cao TP HCM yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng cho nguyên đơn. Trước đó trong phiên sơ thẩm, Vinasun yêu cầu Grab số tiền bồi thường lên đến 41,2 tỉ đồng.

Phía Vinasun cho rằng Grab đã cạnh tranh không lành mạnh khiến công ty thiệt hại lớn. Dù Grab có phải là nguyên nhân hay không, tình hình kinh doanh Vinasun đang lao dốc là điều hiển nhiên.

Quí I là 3 tháng đầu tiên kể từ năm 2008 Vinasun báo lỗ (hơn 10 tỉ đồng). Sau đó, công ty tiếp tục lỗ kỉ lục trong quí II (111 tỉ đồng) và sa thải hơn 1.000 nhân viên. Áp lực ngày một lớn từ phía các đối thủ cạnh tranh và dịch bệnh cũng góp phần đẩy công ty vào trạng thái "khó khăn và thử thách nhất kể từ khi thành lập".

Cái bắt tay của 'truyến thống' và 'công nghệ' - Ảnh 2.

Tranh cãi giữa Vinasun và Grab trên thị trường vận tải. Ảnh: VOV

Vài năm gần đây, thị trường vận tải đã phân chia thành hai trường phái "taxi công nghệ" và "taxi truyền thống". Mỗi nhóm đều có những lợi thế riêng. Như chính ứng dụng Be cũng thừa nhận, các hãng taxi truyền thống có lợi thế về kinh nghiệm điều hành, trong khi các hãng taxi "hiện đại" có lợi thế về nền tảng công nghệ và dữ liệu khách hàng.

Nghị định 10 - với mục đích rút ngắn, xóa nhòa khoảng cách của taxi truyền thống và taxi công nghệ - đã có hiệu lực. Mới đây, một hãng taxi "truyền thống" khác là Mai Linh cũng tuyên bố nhảy vào làm các ứng dụng công nghệ với xe của mình, bất chấp lỗ lũy kế đã vượt mức 1.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, các hãng gọi xe/ứng dụng kết nối đều chưa tạo ra lợi nhuận rõ ràng, hoặc biên lợi nhuận rất mỏng. Tạo ra lợi nhuận cũng là việc các hãng taxi truyền thống làm rất tốt trước khi những ứng dụng kết nối xuất hiện.

"Hãng taxi sẽ có cơ hội tìm thêm khách hàng, dù có thể họ sẽ phải san sẻ bớt lợi nhuận. Họ cũng không mất gì nếu hợp tác và sử dụng nền tảng cua chúng tôi", ông Nguyễn Thành Nam, CEO startup Đi Chung, chia sẻ.

Chính vì vậy, một cái bắt tay với các hãng taxi của những Grab, Be hay Đi Chung có thể tạo ra mối quan hệ có lợi cho hai bên, thay vì việc cố gắng tạo ra những tranh cãi, xung đột giữa "truyền thống" và "công nghệ", ở cả mảng gọi xe ô tô lẫn xe máy.

Tiểu Phượng