Nóng chuyện di dời bộ/ngành, sốt đất nền
Chiều 9-4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2019, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện di dời trụ sở 12 bộ, ngành và câu chuyện sốt đất nền tại các địa phương.
Phải minh bạch việc đấu giá trụ sở cũ khi di dời bộ, ngành
Nhiều PV đã đặt câu hỏi về phương án di dời trụ sở các bộ, ngành vừa được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) báo cáo Bộ Xây dựng, trong đó đưa ra nhiều phương án đấu giá đất trụ sở cũ để xây trụ sở mới.
Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng), cho hay: “Đây mới là kết quả nghiên cứu, đề xuất của một đơn vị tư vấn. Báo cáo này sẽ được Bộ xem xét trên căn cứ đảm bảo sự đồng thuận của các bộ, ngành, đảm bảo tính khả thi mới triển khai thực hiện. Cho đến thời điểm này, Bộ chưa có ý kiến chính thức nào về vấn đề này”.
Theo bà Hằng, hiện việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, vướng mắc là về nguồn lực tài chính, trong đó có một phần từ ngân sách, một phần phải huy động từ đấu giá trụ sở cũ.
“Việc VIUP đề xuất ba phương án, trong đó giá trị đấu giá đất của các phương án khác nhau là do liên quan đến quy mô đấu giá đất. Quy mô, diện tích đấu giá của mỗi phương án khác nhau nên giá trị tuyệt đối của mỗi phương án khác nhau. Quan điểm của Bộ là việc đấu giá đất phải được cân nhắc kỹ, có sự đồng thuận của các bộ, ngành. Thực hiện phải có lộ trình, tính khả thi cao. Việc đấu giá các trụ sở cũ phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật” - bà Hằng khẳng định.
Liên quan đến nội dung này, chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng di dời trụ sở là vấn đề lớn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hiện các bộ, ngành nằm rải rác tại nội đô 50-60 năm nay đã nảy sinh nhiều bất cập. “Quy hoạch di dời đã có nhưng nguồn lực thực hiện thì chưa. Vì vậy, xã hội hóa (đấu giá trụ sở cũ) là cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sử dụng đất các trụ sở cũ như thế nào phải được tính toán cụ thể, cân nhắc. Chủ trương này đã có từ lâu, phải thực hiện và nên thực hiện” - Thứ trưởng Hùng nói.
Trụ sở Bộ KH&ĐT nằm trong diện di dời. Ảnh: PV
Nhiều nơi sốt đất: Cơ quan quản lý ở đâu?
Dịp này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đã trả lời một số nội dung về trách nhiệm của bộ, ngành trong bối cảnh sốt đất nền, đất dự án, đặc biệt là tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và bốn huyện ngoại thành Hà Nội.
Trước đó, TP Hà Nội có đề án hoàn thiện các đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020. Ngay lập tức, giá đất ở những huyện này sốt lên từng ngày. Câu chuyện môi giới, cò đất, các doanh nghiệp không uy tín dùng chiêu trò thổi giá đất xảy ra ở nhiều nơi từ Vân Đồn đến Quảng Nam, Đà Nẵng… khiến giá đất nhảy múa vẫn chưa được ngăn chặn, khiến dư luận lo lắng.
Theo ông Ninh, quy luật của thị trường là nơi nào có quy hoạch, hạ tầng phát triển hoặc nâng cấp từ huyện lên quận sẽ khiến thị trường đất nền biến động ngay về giá. Tuy nhiên, hiện tại trách nhiệm của Bộ Xây dựng là quản lý chung, còn thị trường đất đai do Bộ TN&MT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm.
“Người dân rất thực dụng, nghe ngóng giá cả có biến động thì xin phân lô, tách thửa, chuyển mục đích… Vấn đề này Bộ TN&MT quản lý và có trách nhiệm. Như vừa rồi sốt đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đã giao hai địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân” - ông Ninh thông tin.
Về nội dung này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định hiện nay trách nhiệm quản lý thị trường bất động sản đang có sự đan xen giữa Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT. “Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là quản lý chung đối với thị trường bất động sản. Với chức năng của mình, Bộ đã có văn bản gửi về các địa phương có thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh để hướng dẫn. Trước mắt là đề nghị địa phương minh bạch về quy hoạch, cung cấp công khai thông tin về khu vực đó cho người dân. Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin về phát triển đô thị, mục đích sử dụng đất đầy đủ, phải có quy hoạch, thông tin, tính pháp lý đầy đủ để người dân cân nhắc nên đầu tư hay không, góp phần làm thị trường phát triển lành mạnh” - Thứ trưởng Hùng nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây VIUP đã báo cáo Bộ Xây dựng ba phương án di dời trụ sở 12 bộ, ngành về hai địa điểm Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Theo đó, việc đưa 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, mức tài chính đòi hỏi là thấp nhất, gần 12.000 tỉ đồng. Nếu hướng di dời về khu Mễ Trì thì phương án tài chính cần hơn 14.000 tỉ đồng. Phương án ba là phân chia các bộ, ngành về cả hai khu vực này, phương án tài chính dự kiến là 17.000 tỉ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/