Nỗi sợ hãi của người chèo lái Uber
Hàng loạt vấn đề khiến hình ảnh Uber trở nên xấu xí đối với công chúng và trở thành nỗi sợ hãi đối với hành khách trong thời gian qua – như khiếu nại quấy rối tình dục, đối xử bất công với nhân viên, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cổ đông coi cựu tổng giám đốc điều hành Travis Kalanick là thủ phạm của tình trạng này. Sau khi Dara Khosrowshahi, cựu tổng giám đốc điều hành của Expedia, chấp nhận lời mời điều hành Uber, giới phân tích và truyền thông nhận định ông đúng là liều thuốc mà Uber cần.
Dara Khorswshahi thừa nhận ông cảm thấy sợ hãi khi rời Expedia vì ông đã gắn bó với công ty quá lâu. Ảnh: CNBC |
Ngay từ đầu, vị CEO gốc Iran đã chứng minh phong cách lãnh đạo của ông khác hoàn toàn với Kalanick. Trên thực tế, ông chỉ cần 8 từ để thể hiện sự khác biệt ấy.
Giống như mọi nhà lãnh đạo tốt, Khosrowshahi, người đã dẫn dắt Expedia trong thời gian dài, dành thời gian để chào tạm biệt nhân viên cấp dưới trước khi chính thức rời khỏi tập đoàn. Ông cảm ơn thuộc cấp vì họ đã làm việc chăm chỉ với tinh thần trách nhiệm cao. Giới truyền thông cho biết, trong thư từ biệt, Khosrowshahi thừa nhận:
“Tôi thú thật là tôi cảm thấy sợ. Vì gắn bó với Expedia quá lâu, tôi đã quên cuộc sống thực tế bên ngoài. Song tôi thường học được nhiều tri thức bổ ích từ các thay đổi lớn hoặc khi đảm nhận vai trò mới. Bạn phải thoát ra khỏi cuộc sống an nhàn để phát triển những năng lực mà bạn không nghĩ rằng bạn sở hữu”.
Vậy là tân CEO của một trong những startup có năng lực cạnh tranh cao nhất nước Mỹ thừa nhận nỗi sợ hãi. Đó là sự khác biệt lớn đầu tiên giữa Khosrowshahi với người tiền nhiệm Kalanick – một người ngạo mạn, không ngại tranh cãi và gây gổ. Nhưng tạp chí INC nhận định việc Khosrowshahi thừa nhận nỗi sợ hãi là dấu hiệu cho thấy ông có thể đảm đương tốt một trong những công việc khó nhất thế giới. Theo tạp chí, tỏ ra lo sợ là một kỹ năng lãnh đạo mà nhiều người chưa đánh giá đúng tầm quan trọng.
Tỏ ra sợ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Ngược lại, nó là nguồn sức mạnh lớn đối với một nhà lãnh đạo, là công cụ hiệu quả để xây dựng sự lòng tin thực sự. Khi một nhà lãnh đạo thừa nhận cảm giác sợ, thuộc cấp tin rằng “sếp” sẽ tạo ra môi trường an toàn để họ thảo luận, thử nghiệm, sáng tạo và thất bại một cách thoải mái, theo các chuyên gia.
“Sự hổ thẹn, ngại ngùng là kẻ thù thầm lặng của sáng tạo. Bạn không thể định lượng sự hổ thẹn, nhưng nó luôn tồn tại trong mọi doanh nghiệp. Mỗi khi ai dó không dám công bố ý tưởng mới, không dám thể hiện quan điểm với người quản lý, không dám nói trước khách hàng, bạn có thể tin chắc thủ phạm là sự xấu hổ”, Peter Sheehan, một nhà tư vấn quản lý, nói với INC.
Sheehan khẳng định rằng, nếu nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn tạo ra văn hóa sáng tạo và đổi mới, họ phải dám thừa nhận cảm giác bất an, lo lắng trước nhân viên.
Bằng cách thừa nhận nỗi sợ với 8 từ đơn giản: “Tôi nói thật là tôi cảm thấy sợ”, Khosrowshahi chặn đứng cảm giác xấu hổ, e ngại trong nhân viên, tạo điều kiện để họ sẵn sàng đón nhận thất bại và sự sợ hãi. Với 8 từ ấy, thuộc cấp của Khosrowshahi tin rằng ông sẽ thấu hiểu và ủng hộ những ý tưởng, quan điểm của họ.
Bộc lộ cảm xúc không phải là kỹ năng lãnh đạo mà công chúng hoan nghênh. song đối với những doanh nghiệp muốn tạo sự gắn kết giữa các thành viên, khuyến khích họ mạo hiểm và đổi mới, đó là việc cần thiết.
“May mắn thay cho Uber, có vẻ như Khosrowshahi đã làm chủ kỹ năng đó”, INC bình luận.