Những nhân tố khiến IMF lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2023
Nâng dự báo tăng trưởng
IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, cao hơn dự báo về mức tăng trưởng 2,7% đưa ra hồi tháng 10, song vẫn giảm so với mức tăng trưởng ước tính 3,4% trong năm 2022.
Theo IMF, lạm phát sẽ giảm trong năm nay, nhờ chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác. Những đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ làm chậm nhu cầu tiêu dùng vốn đã đẩy giá cả lên cao hơn. IMF dự kiến lạm phát tiêu dùng toàn cầu sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2024.
Tại một cuộc họp báo ở Singapore, nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định môi trường toàn cầu đã cải thiện khi áp lực lạm phát bắt đầu dịu bớt. Ông Gourinchas nói: “Con đường trở lại phục hồi hoàn toàn với tăng trưởng bền vững, giá cả ổn định chỉ mới bắt đầu.”
Một yếu tố quan trọng góp phần khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu là quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. IMF cho rằng quyết định mở cửa trở lại gần đây của Trung Quốc đã mở đường cho đà phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Triển vọng tăng trưởng của các nước
IMF đang kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 4,4% đưa ra hồi tháng 10.
Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3%, ghi dấu năm đầu tiên sau hơn 40 năm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thấp hơn so với kinh tế thế giới. Song, việc chấm dứt các chính sách hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 dự kiến sẽ hồi sinh hoạt động kinh tế trong năm 2023.
Theo ông Gourinchas, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi Mỹ và châu Âu đóng góp 10%.
Ông Gourinchas nói: “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại chắc chắn là một yếu tố thuận lợi với việc thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế hơn.”
IMF dự báo trong năm 2023 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,4%, kinh tế Khu vực đồng euro sẽ mở rộng 0,7%.
IMF cho biết châu Âu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng thiếu năng lượng và lạm phát cao hơn do xung đột Nga-Ukraine, song khối này đã phục hồi tốt hơn dự kiến. Kinh tế châu Âu đã hưởng lợi nhờ mùa đông tương đối ấm, giúp làm giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên.
Gánh lệnh trừng phạt, kinh tế Nga cũng tỏ ra mạnh mẽ hơn dự kiến. IMF dự báo kinh tế Nga sẽ đạt mức tăng trưởng 0,3% trong năm nay, đánh dấu sự cải thiện sau khi thu hẹp 2,2% trong năm ngoái và cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2,3% trong năm 2023 mà IMF đã dự báo đối với kinh tế Nga vào tháng 10.
Trong khi đó, Anh là một ngoại lệ. IMF dự báo trong năm 2023 kinh tế nước này sẽ giảm 0,6% trái ngược với dự kiến tăng trưởng 0,3% đưa ra trong tháng 10. Môi trường lãi suất cao hơn và sự thắt chặt ngân sách chính phủ đang bó hẹp kinh tế Anh.
Trả lời dự báo của IMF, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết: “Những con số trên cho thấy chúng ta không miễn nhiễm với những sức ép ảnh hưởng đến gần như tất cả nền kinh tế tiên tiến. Những thách thức ngắn hạn không thể che khuất triển vọng dài hạn của chúng ta.”
Theo ông Hunt, kinh tế Anh đã phục hồi tích cực hơn so với nhiều dự báo trong năm ngoái và nếu nước này tuân thủ kế hoạch giảm một nửa lạm phát, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng nhanh hơn Đức và Nhật Bản trong những năm tới.
Rủi ro vẫn còn
IMF lưu ý rằng kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng: sự leo thang xung đột Nga-Ukraine, đà tăng mạnh các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng tài chính tại các quốc gia nợ nần chồng chất do lãi suất cao.
Khi được hỏi về tác động từ những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ chip tiên tiến do lo ngại về an ninh, ông Gourinchas cảnh báo rằng việc kiềm chế thương mại bán dẫn, sức ép của chính phủ nhằm kéo các ngành công nghiệp trở lại biên giới của họ và quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài có thể gây hại cho kinh tế toàn cầu.
Ông Gourinchas nói: “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện mức sống, hơn là xu hướng “hồi hương” sản xuất”.
Triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở nên mong manh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Các nhà dự báo đã nhiều lần bối rối trước các sự kiện: cuộc suy thoái nghiêm trọng vào đầu năm 2020; đà phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích lớn của chính phủ; tiếp đó là lạm phát tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn thương mại thế giới về năng lượng và thực phẩm.
Không lạc quan như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) ba tuần trước đã cắt giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 1,7% đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới sẽ tiến gần đến suy thoái.