Những CEO từng bị sa thải khỏi chính công ty của mình
Cuối tuần qua, giới công nghệ toàn cầu sửng sốt trước những diễn biến ở thượng tầng ban lãnh đạo công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới - OpenAI. Sam Altman - người được xem là "cha đẻ" của ChatGPT bất ngờ bị hội đồng quản trị sa thải.
Ở tuổi 38, Sam Altman không chỉ là CEO của công ty khởi nghiệp được chú ý nhất hành tinh vào lúc này mà còn nổi lên như gương mặt đại diện cho lĩnh vực AI.
Nếu nhìn ở bề nổi, OpenAI dường như vẫn giữ được sự bình lặng như một mặt hồ ngày lặng gió, không có dấu hiệu nào cho thấy nội bộ ban lãnh đạo công ty có sự lục đục. Việc "phế truất" Sam Altman khỏi vị trí CEO khiến người ta không khỏi liên tưởng tới những trường hợp trước đây, khi nhà sáng lập buộc phải rời khỏi công ty do không được lòng hội đồng quản trị.
Steve Jobs rời Apple
Đầu tiên là trường hợp của Steve Jobs vào năm 1985 - khi ông bị hội đồng quản trị sa thải khỏi doanh nghiệp do chính ông thành lập. Mâu thuẫn chủ yếu đến từ dự án Macintosh - nơi mà Steve Jobs muốn toàn quyền khâu sáng tạo. Tuy vậy, ý tưởng này của Jobs gặp phải sự phản đối của John Sculley.
Rời PepsiCo vào năm 1983 để đầu quân cho Apple, John Sculley đảm đương vai trò CEO. Trong quá trình làm dự án Macintosh, John Sculley và hội đồng quản trị đồng ý rằng Steve Jobs không đảm bảo hiệu quả của dự án cũng như hoạt động quản lý. Do đó, quyết định cuối cùng là nhà sáng lập Apple phải ra đi.
Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997 khi công ty gặp khó khăn về tình trạng tài chính cũng như việc kém đổi mới sáng tạo trong sản phẩm. Sau khi nắm quyền trở lại, Steve Jobs đã thực hiện hàng loạt thay đổi mang tính cách mạng đối với Apple như tái cấu trúc sản phẩm với việc ra mắt máy tính iMac, iPod, iPhone và iPad; phát triển hệ điều hành macOS và đưa ra triết lý thiết kế với nhấn mạnh vào trải nghiệm người dùng.
Những thay đổi này đã tạo nên hình hài của Apple ngày hôm nay - một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Nhà sáng lập Uber bị đuổi sau chuỗi bê bối
Tháng 6/2017, Travis Kalanick - nhà sáng lập kiêm CEO của Uber đã bị sa thải sau chuỗi bê bối kéo dài. Theo đó, những bê bối tại Uber dưới thời Travis Kalanicks có liên quan tới văn hóa điều hành công ty độc đoán, xâm phạm nhiều quy tắc quản lý cũng như scandal về quấy rối tình dục.
Ngoài ra, Uber ở thời kỳ này còn bị cáo buộc tham gia nhiều cuộc cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới hình ảnh công ty.
Với áp lực từ cổ đông, Travis Kalanick đã buộc phải từ chức. Tháng 8/2017, Dara Khosrowshahi là người được chọn để lèo lái con tàu Uber. Dưới sự lãnh đạo của vị CEO mới, Uber đã tiến hành thay đổi văn hóa doanh nghiệp, tập trung xây dựng mối quan hệ với các đối tác tài xế, mở ra các mảng kinh doanh mới như Uber Eats và dịch vụ thuê xe đạp điện, xe điện. Công ty cũng mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Travis Kalanick hiện đang là CEO của CloudKitchens, công ty được Microsoft hậu thuẫn. CloudKitchens là mô hình "bếp trên mây" là mô hình nhà hàng “ảo” hoạt động không cần mặt bằng kinh doanh như loại hình nhà hàng truyền thống mà chủ yếu dựa vào sự hợp tác với bên thứ ba hay dịch vụ đặt hàng trực tuyến.
Nhà sáng lập startup đình đám WeWork rời công ty
Adam Neumann, CEO Founder của WeWork bị sa thải vào năm 2019 khi công ty chuẩn bị IPO. Sự vụ này đã để lộ nhiều yếu kém trong việc quản lý rủi ro lẫn tình trạng tài chính kém cỏi của startup đình đám này.
Thời điểm WeWork hủy bỏ đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2019, các hồ sơ tiết lộ thông tin tài chính không mấy tích cực, đặc biệt liên quan đến các chi tiêu cá nhân của Adam Neumann. Bên cạnh đó là các quyết định mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác của Adam Neumann cũng bị đặt dấu hỏi lớn.
Sự thất bại trong việc đưa WeWork lên sàn chứng khoản đã khiến Adam Neumann phải ra đi. Ông cũng rút khỏi vị trí thành viên hội đồng quản trị. Sau khi rời WeWork, Adam Neumann tiếp tục đầu tư vào các dự án công nghệ bất động sản với một startup có tên là Flow. Ngoài ra, ông còn đầu tư bất động sản ở khu vực tiểu bang Florida.
Đầu tháng này, ông ty khởi nghiệp WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, theo Chương 11 tại bang New Jersey. Đây là một phần của kế hoạch tái tổ chức toàn diện hoạt động kinh doanh. Công ty cho biết các chủ nợ nắm giữ 92% nợ có bảo đảm đã đồng ý về kế hoạch tái cơ cấu bao gồm việc giảm danh mục cho thuê văn phòng.
WeWork đã mở rộng nhanh chóng bằng việc thuê lượng lớn không gian văn phòng thông qua các hợp đồng thuê dài hạn. Kể từ đại dịch, ít nhân viên đến văn phòng hơn, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lĩnh vực bất động sản thương mại trong nhiều thập kỷ. Đối mặt với nhu cầu giảm, WeWork không thể tạo ra lợi nhuận đủ để bù đắp lỗ và trả nợ.