Elon Musk có thể học gì từ cố CEO Apple Steve Jobs để đưa Twitter đi đúng hướng?
Chỉ hơn một tháng kể từ khi Elon Musk chính thức trở thành chủ sở hữu mới của công ty mạng xã hội Twitter thông qua thương vụ trị giá 44 tỷ USD, công ty này đã trải qua nhiều biến cố, theo Harvard Business Review.
Việc thay đổi hướng đi của một công ty công nghệ lâu đời như Twitter đi kèm với những thách thức lớn. Cách tiếp cận theo phong cách riêng của Musk gây ra nhiều rủi ro cho công ty mạng xã hội này. Thay đổi định hướng chiến lược của một công ty, theo một ước tính của McKinsey, là yếu tố khó khăn nhất khi trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, và có tới 70% xác nhận rằng đã thất bại trong việc này.
Tuy nhiên, cũng có những người đã thành công, trong đó bao gồm sự thay đổi của cố CEO Apple Steve Jobs với công ty này khi ông quay trở lại vào năm 1997. Theo nhiều cách, việc quản trị của Steve Jobs cũng gây ra nhiều vấn đề tương tự Elon Musk và Twitter hiện tại.
Sau cùng, cố CEO Apple đã thành công trong việc đưa Apple đi đúng hướng, qua đó trở thành một trong những công ty lớn nhất hành tinh. Theo Harvard Business Review, Elon Musk hoàn toàn có thể học cố CEO Steve Jobs để làm điều tương tự với Twitter.
Một chiến lược dài hạn
Một chiến lược hiệu quả về cơ bản là đưa ra một loạt các quyết định phù hợp với nhau và phù hợp với tầm nhìn dài hạn của công ty. Điều này muốn nói đến sự nhất quán giữa một số quyết định nhằm đạt được mục tiêu tổng thể. Một chiến lược dài hạn đảm bảo mọi người chấp nhận các đề xuất giúp cho toàn bộ công ty trở nên tốt hơn thay vì chỉ những đề xuất có lợi cho đơn vị kinh doanh của họ.
Trước khi Elon Musk nắm quyền, Twitter đã có một chiến lược rõ ràng. Kể từ khi thành lập, Twitter đã tập trung vào sự đơn giản hơn tất cả những thứ khác và các lựa chọn của công ty phù hợp với chiến lược đó. Trọng tâm này cũng đã được phản ánh trong văn hóa của Twitter.
Tuy nhiên, chiến lược này có những nhược điểm rõ ràng: Twitter thường giới thiệu các sản phẩm mới một cách chậm chạp. Sợi dây liên kết của Twitter hướng tới sự đơn giản khiến cho những thay đổi và bổ sung khó có thể bám sát.
Twitter đã mua lại hơn 60 công ty nhưng ít người biết được điều đó diễn ra khi nào nếu nhìn vào Twitter hiện tại. Hệ quả của chiến lược đó đã khiến Twitter phát triển trì trệ. Theo đánh giá của Musk, chiến lược này đang dần giết chết Twitter. Giờ đây, chính sợi dây liên kết trong chiến lược cũ đã khiến việc triển khai một chiến lược mới trở nên khó khăn.
Sắp xếp lại công việc
Thay đổi chiến lược rất khó khăn. Trong thời gian thay đổi chiến lược, các doanh nghiệp có thể trở nên “tệ hơn” so với những gì họ từng làm. Để giải quyết vấn đề này, Steve Jobs đã đưa ra một mô hình khác.
Sau khi trở lại vào năm 1997, ông đã chuyển chiến lược của Apple sang các sản phẩm dễ sử dụng và hấp dẫn về mặt thẩm mỹ. Thành công cuối cùng của chiến lược này có thể được xếp vào hàng ngũ huyền thoại trong kinh doanh. Điểm mấu chốt thực sự nằm ở cách Jobs quản lý quá trình chuyển đổi từ chiến lược cũ sang chiến lược mới.
Sau khi Jobs rời Apple vào năm 1985, công ty rơi vào chiến lược bán những chiếc hộp màu xám không có nhiều sự khác biệt. Steve Jobs đã thay đổi điều này khi chuyển từ những chiếc hộp màu xám sang những chiếc iMac màu sắc sặc sỡ hơn, đòi hỏi công ty phải có sự kiên trì trong thời gian ngắn.
Đối với Jobs, điều đó có nghĩa là phải đối mặt với những lời chỉ trích vì tình hình tài chính sa sút, phải cắt giảm gần một nửa lực lượng lao động và mất toàn bộ ban giám đốc. Dù vậy, ông đã kiên trì và sau cùng đã thành công.
Lộ trình sản phẩm
Thực hiện một chiến lược mới đòi hỏi phải thay đổi các sản phẩm của ngày hôm nay để phù hợp với đề xuất giá trị của ngày mai. Tuy nhiên, điều này phát sinh một xung đột không thể tránh khỏi giữa đề xuất giá trị cũ và mới.
Một ví dụ cụ thể là gói Twitter Blue và dấu tích xanh trên Twitter. Ban đầu nó nhằm mục đích xác minh danh tính của ai đó để những người theo dõi có thể phân biệt tài khoản thật với tài khoản giả, nhưng theo thời gian, nó đã trở thành dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của người dùng.
Musk đưa ra một đề xuất khác: Cung cấp cho bất kỳ ai dấu tích xanh nếu học trả một khoản phí cụ thể mỗi tháng. Điều này đã thay đổi đáng kể sản phẩm cho cả người dùng lâu năm và người dùng mới. Sau đó, do có quá nhiều tài khoản giả mạo xuất hiện, Musk đã trì hoãn việc phát hành Twitter Blue và thậm chí còn đề xuất giới thiệu các loại dấu tích xác minh với màu sắc khác nhau.
Để sắp xếp sản phẩm phù hợp với chiến lược mới, các nhà lãnh đạo cần xác định đề xuất giá trị mới và cam kết thực hiện những thay đổi trong dòng sản phẩm. Khi Jobs trở lại Apple, ông đã thay đổi đề xuất giá trị của Apple bằng cách từ bỏ 70% dòng sản phẩm hiện có của Apple và giới thiệu iMac G3 hoàn toàn mới.
Sự thay đổi này cũng liên quan đến một chiến dịch quảng cáo khổng lồ trị giá 100 triệu USD, đó là một cam kết rõ ràng của Steve Jobs rằng ông nghiêm túc với định hướng chiến lược mới.
Văn hóa tổ chức
Sự sai lệch về văn hóa bộc lộ khi mọi người không muốn đi theo hướng mà CEO muốn đi. “Twitter quá tốt”, là kết luận của các giám đốc điều hành Twitter vào năm 2021. Môi trường cộng tác trước đây của Twitter khiến mọi người không muốn chỉ trích lẫn nhau.
Ngược lại, Elon Musk muốn tổ chức trở nên “chăm chỉ hơn”, điều này có thể có nhiều ý nghĩa, nhưng “quá tốt” có lẽ không phải là một trong số đó. Điều này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn lớn trong công ty, với việc nhân viên đồng loạt từ chức và nhiều người công khai chỉ trích Elon Musk.
Văn hóa tổ chức yêu cầu lãnh đạo cung cấp cho các nhân viên còn lại một lựa chọn khả thi để chọn phương hướng tổ chức mới và khen thưởng cũng như bảo vệ những người thực hiện lựa chọn đó.
Steve Jobs từng nói rằng Apple có “10.000 nhân viên tầm thường cần phải bị sa thải” vào năm 1998. Tuy nhiên, ông đã bảo vệ bộ phận thiết kế công nghiệp khỏi làn sóng sa thải này. Với quyết định này, Jobs báo hiệu rằng Apple sẽ quay trở lại văn hóa thiết kế những sản phẩm tuyệt vời, một quyết định phù hợp với đề xuất giá trị mà iMac G3 đưa ra.
Musk đã nhổ tận gốc văn hóa hiện tại của Twitter, nhưng CEO Tesla cần xác định những gì bản thân muốn thay thế. Đầu tiên, Elon Musk vẫn cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về các giá trị và ưu tiên của văn hóa “chăm chỉ” mà ông muốn xây dựng. Thứ hai, Musk cần phải rõ ràng về cách bản thân sẽ đo lường và khen thưởng những nhân viên đã cùng ông đi theo hướng này. Điều quan trọng về lâu dài là cách những nhân viên ở lại và muốn đi cùng ông sẽ được đối xử như thế nào.
Sự tham gia của các bên liên quan
Quá trình chuyển đổi sang chiến lược mới khiến một số bên liên quan không phù hợp với hướng đi mới của doanh nghiệp. Nói cách khác, việc thay đổi có nghĩa là sẽ có nhiều nhà đầu tư và các đối tác phản đối ý kiến của Elon Musk.
Chính sách kiểm duyệt nội dung mới của Musk trái ngược với các chính sách trước đây của Twitter. Điều này đã gây ra hậu quả ngay lập tức khi nhiều nhà quảng cáo quyết định rời khỏi nền tảng này. Lãnh đạo phải thu hút các bên liên quan mới ủng hộ chiến lược mới, đồng thời có đủ can đảm để thoát khỏi các bên liên quan có quan điểm trái ngược với chiến lược mới.
Steve Jobs đã sớm tạo ra đồng minh (và kẻ thù) khi quay trở lại Apple. Ông không hề ảo tưởng rằng Microsoft đã chiến thắng trong cuộc chiến ngành PC và bắt đầu thực hiện một số động thái nghiêm túc để kết thúc cuộc chiến kéo dài cũng như tránh xa Microsoft càng nhiều càng tốt.
Ông đã ký một thỏa thuận với CompUSA Inc, chuỗi cửa hàng máy tính lớn nhất, để thiết lập các cửa hàng Apple tại đây, qua đó củng cố chiến lược mới của Apple trong việc chuyển từ những chiếc hộp màu xám sang những chiếc iMac nhiều màu sắc.
Jobs cũng gây gổ với các đối tác bằng cách đảo ngược lời hứa cho phép họ sao chép máy Mac. Đáng chú ý, quyết định này cũng phù hợp với chiến lược mới của Apple là tránh xa các sản phẩm giá rẻ.
Elon Musk có lẽ nên tập trung vào những thứ phù hợp với tầm nhìn dài hạn của mình cho Twitter và từ bỏ những thứ không phù hợp một cách dứt khoát. Apple đã phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền xung quanh cách họ hoạt động. Nếu Musk chọn chống lại Apple, ông có thể tìm thấy đồng minh như Epic Games, Spotify, Netflix, Airbnb, Facebook,… Thách thức đối với Musk sẽ là lựa chọn cẩn thận những trận chiến nào không nên tham gia.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/