Drama OpenAI: Khi ý chí của hội đồng quản trị không hợp lòng nhà đầu tư
Ngày 17/11, Hội đồng quản trị của OpenAI - công ty đứng đằng sau thành công của ChatGPT, đưa ra một quyết định gây chấn động với cộng đồng công nghệ thế giới: Sa thải Giám đốc điều hành Sam Altman. Ông Altman cũng là nhà đồng sáng lập và được ví như "cha đẻ" của ChatGPT.
Dù quyết định này đúng trong quyền hạn của Hội đồng quản trị song khi nhìn phản ứng của người trong cuộc, ai cũng hiểu rằng động thái này đi lệch hoàn toàn với nguyện vọng của nhân sự lẫn nhà đầu tư của công ty.
Dường như Hội đồng quản trị OpenAI đã quên đánh giá mức độ ảnh hưởng của Sam Altman trước khi đi đến quyết định này. "Cha đẻ" của ChatGPT là một người không chỉ gắn bó lâu năm với giới khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon mà còn có sức ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang nổi lên.
Tối 18/11, chỉ hơn 24 giờ sau thông báo CEO tạm quyền là bà Mira Murati - Giám đốc Công nghệ (CTO), nhiều kênh truyền thông cho rằng Hội đồng quản trị OpenAI có lẽ đã nhận ra họ quá vội vàng và đang tìm cách sửa sai bằng việc đàm phán để đưa Sam Altman trở lại vị trí điều hành.
"Vậy điều gì đã thay đổi quyết định của họ?" - Biên tập viên Kyle Wiggers của tờ TechCrunch đặt câu hỏi.
Chắc chắn là sự giận dữ và hoảng loạn của các nhà đầu tư. Satya Nadella, CEO Microsoft, đối tác lớn lẫn nhà đầu tư lớn của OpenAI , được cho rất tức giận chỉ vài phút sau khi biết tin về sự ra đi của Altman. Ông được cho là đã liên lạc với Altman để bày tỏ sự ủng hộ và tìm cách xoay chuyển tình thế.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư mạo hiểm chủ chốt của OpenAI được cho là đang dự tính khởi kiện hội đồng quản trị. Trong số những nhà đầu tư này, không một ai được báo trước về quyết định sa thải Sam Altman. Người sáng lập Khosla Ventures, Vinod Khosla cho biết quỹ muốn Altman trở lại OpenAI. Trong trường hợp điều này không diễn ra, quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ "cha đẻ" của ChatGPT trong các dự án tiếp theo của ông.
Theo Semafor, OpenAI chỉ nhận được một phần nhỏ trong khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft và phần lớn nguồn tài trợ của gã khổng lồ phần mềm là dịch vụ đám mây và dữ liệu. Với quyền lực của mình, Microsoft có thể khiến OpenAI, vốn đang đói vốn khi chi phí vận hành và đào tạo các hệ thống AI tăng cao, rơi vào tình trạng không thể đảm bảo được về mặt tài chính.
Khi hội đồng quản trị công ty đang loay hoay với động thái tiếp theo, các nhà nghiên cứu và giám đốc của OpenAI thể hiện sự ủng hộ với cựu CEO. Ngay sau khi Altman bị sa thải, Greg Brockman, Chủ tịch và đồng sáng lập của OpenAI, từ chức.
Tiếp sau đó, ba nhà nghiên cứu cấp cao của OpenAI rời công ty sau Brockman và nhiều nhân viên được cho là đang nộp đơn từ chức.
Họ coi đây là một cuộc tranh giành quyền lực giữa các thành viên hội đồng quản trị, cụ thể là Giám đốc điều hành Quora - Adam D'Angelo, nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever và cựu CEO Altman. Sutskever cho biết trong cuộc họp chung ngày 17/11 rằng việc sa thải Altman là cần thiết để bảo vệ sứ mệnh “làm cho AI có lợi cho nhân loại” của OpenAI.
Ilya Sutskever cho rằng tham vọng thương mại của Sam Altman đối với công ty đang bắt đầu khiến hội đồng quản trị lo lắng. Về mặt kỹ thuật, Hội đồng quản trị OpenAI là một bộ phận hoạt động theo mục tiêu phi lợi nhuận, quản lý chiến lược kiếm tiền.
Dẫu cho ý chí của Hội đồng quản trị OpenAI là có lý, song đa phần cộng đồng công nghệ và đội ngũ OpenAI lại cảm thấy điều ngược lại. Sự ủng hộ dành cho Altman đã xuất hiện ngay lập tức.
Do đó, khi Altman và Brockman tiếp cận các nhà đầu tư về một dự án mới tập trung vào chip AI, hội đồng quản trị công ty sẽ phải đối mặt với một tình thế khó chịu trước mắt.
Sutskever và những người còn lại trong hội đồng quản trị gồm nhà khởi nghiệp công nghệ Tasha McCauley và Giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ của Đại học Georgetown là Helen Toner có thể cảm thấy quyết định sa thải Altman của họ là đúng đắn và hợp lý. Nhưng, rõ ràng quyết định đó không hề thuận lợi.