Những bóng hồng từng nhận cam kết đầu tư của Shark Phú giờ ra sao
Lê Hồng Thảo Quyên, ViralWorks
Lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 2, startup Viral Works (hoạt động trong lĩnh vực kết nối các influencer với bên có nhu cầu thuê) do bà Lê Hồng Thảo Quyên dẫn dắt là một công ty hiếm hoi được cả 5 "cá mập" cùng muốn đầu tư, với số tiền gấp 6 lần so với kỳ vọng ban đầu, lên đến 300.000 USD.
Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng khó tính, cũng tuyên bố: "Anh không hiểu lắm, nhưng vẫn muốn mua em". Ông là người đưa ra lời đề nghị với mức định giá cao nhất cho ViralWorks so với các nhà đầu tư còn lại (dù sau đó ViralWorks quyết định nhận offer từ ông Nguyễn Mạnh Dũng).
Tuy nhiên sau khi nhận cam kết đầu tư trên truyền hình, dường như mọi chuyện không đi đúng như dự kiến của công ty.
Bài viết gần đây nhất của ViralWorks xuất hiện trên fanpage của Facebook từ ngày 28/8/2019, trong khi ứng dụng "ViralWorks" cũng mới đạt mốc hơn 500 lượt tải xuống trên kho ứng dụng của Android.
Tháng 6/2020, công ty Metub Network đã "thâu tóm" ViralWorks bằng việc sở hữu 99,9% cổ phần của startup này, tương đương với giá trị vốn góp 499,5 triệu đồng. ViralWorks cũng đã chuyển sang ngành nghề chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ liên quan khác đến máy vi tính. Nhà sáng lập Thảo Quyên hiện còn nắm giữ 0,05% cổ phần công ty.
Trần Thị Quỳnh, La Vita Bakery
La Vita Bakery tham gia sân chơi Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên sau ba năm thành lập. Bà Trần Thị Quỳnh, Chủ thương hiệu bánh La Vita Bakery, cuối cùng đã chọn chia sẻ 40% cổ phần đổi lấy 3 tỷ đồng của ông chủ Sunhouse Nguyễn Xuân Phú đầu tư cho dự án Lavita Express. Founder của Lavita cũng từng là Hoa hậu thể thao Việt Nam 2007.
Không những cam kết đầu tư, Shark Phú còn đưa ra đề nghị chia sẻ nguồn lực các công ty ông sở hữu cho La Vita, hỗ trợ kinh nghiệm quản trị cho nhà sáng lập. Đổi lại, Quỳnh phải về làm tại Sunhouse nếu kinh doanh thất bại.
"Bây giờ em phải nhìn anh với các Shark, xem Shark nào tin tưởng nhất", Shark Phú chào mời startup La Vita Bakery chấp nhận đề nghị thương thảo của ông. Cuối cùng, bà Quỳnh đã bắt tay ngay với ông chủ Sunhouse.
Tuy nhiên, sau Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, La Vita quyết định từ chối đầu tư của ông Nguyễn Xuân Phú để tập trung phát triển dòng sản phẩm cũ. Hiện tại, bà Quỳnh vẫn đang vận hành thương hiệu bánh và chia sẻ cuộc sống và công việc của mình.
Cathy Thảo Trần, Ohana
Ohana, một startup chuyên cung cấp ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê trọ, xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa thứ 2. Bà Cathy Thảo Trần, nhà sáng lập kiêm CEO Ohana tới chương trình để gọi vốn đầu tư 3,5 tỷ đổi lấy 10% cổ phần, tương đương định giá công ty 35 tỷ đồng.
Tuy vậy, mô hình kinh doanh của Ohana và chính nữ CEO bị các Shark đánh giá là còn "non" và "ngây thơ" trong bối cảnh thị trường Việt Nam. Shark Phú khẳng định luôn là mô hình kinh doanh của Ohala sẽ thất bại.
"Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng mô hình kinh doanh này anh lại không muốn đầu tư. Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại, nhưng anh vẫn muốn đầu tư vào em", ông Phú thẳng thắn đồng thời đưa ra hai lựa chọn.
Một là đầu tư dạng cho vay, không lấy lãi trong vòng một năm, còn nếu startup thất bại thì đội ngũ phải về làm việc cho Sunhouse trong 3 năm. Hai là đầu tư 3,5 tỷ đổi lấy 30% cổ phần, nếu thất bại thì đội ngũ Ohana phải đầu quân cho Shark Phú trong một năm.
Cuối cùng, bà Cathy Thảo Trần vẫn nhận được lời mời đầu tư từ ông Nguyễn Mạnh Dũng và ông Đặng Hồng Anh. Hiện tại, fanpage Ohana - Phòng cho thuê, ở ghép đăng tải bài viết cuối cùng ở tháng 11/2020.
Nguyễn Thị Thu Hằng, Wiibike
Trong tập 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nhà sáng lập startup công nghệ về các dòng xe đạp trợ lực điện Wiibike đã gọi vốn thành công từ Shark Phú là 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Dù mới chỉ bán được 300 chiếc xe nhưng bà Thu Hằng đã gọi vốn 1,5 tỷ đồng cho 1% cổ phần, tương đương định giá công ty ở mức 150 tỷ đồng. Điều này khiến các nhà đầu tư cảm thấy Wiibike đang bị "ngáo" về định giá.
Shark Phú cũng phải nói rằng sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền với startup này là cách tư duy "rất buồn cười”, ông ngắt lời ngay khi startup đang thuyết trình về tầm nhìn kinh doanh.
"Em không cần giải thích gì thêm về kinh doanh. Như đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến kinh doanh, sản phẩm mà quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ cho 10% cổ phần", Chủ tịch Sunhouse đưa ra đề nghị. Để cạnh tranh với Shark Bình, ông tiếp tục đánh đánh đòn tâm lý với nhà sáng lập, cho rằng "không nên chọn tiền mà chọn người".
Khi Shark Bình tỏ ra cứng rắn, ông Phú quyết định nâng mức ưu đãi cao hơn: Nếu startup cam kết hòa vốn trong năm nay, ông sẽ đầu tư thêm 10 lần đề nghị ban đầu và cam kết đồng hành cùng startup trong chặng đường kế tiếp. Cuối cùng, ông đã lôi kéo được startup "xanh - sạch - xinh" (như lời nhận xét của Shark Hưng) về đội của mình.