|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu điện năng toàn cầu thấp kỉ lục đang định hình lại lưới điện của tương lai

12:26 | 01/06/2020
Chia sẻ
Trang mạng Bloomberg đăng bài phân tích về tình trạng nhu cầu điện năng toàn cầu sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng, dẫn đến xu hướng cắt giảm sản xuất nhiệt điện.
Nhu cầu điện năng toàn cầu thấp kỉ lục đang định hình lại lưới điện của tương lai - Ảnh 1.

Nhu cầu điện năng toàn cầu thấp kỷ lục đang định hình lại "lưới điện của tương lai". Ảnh: TTXVN

Theo nhóm tác giả bài viết, nhu cầu điện năng giảm mạnh trên toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài sau khi các nước dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc ở nhà để phòng chống COVID-19, khiến lượng tiêu thụ điện năng hàng năm sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng (1929 – 1939) và về cơ bản đang tái định hình các thị trường năng lượng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong khi các nền kinh tế phải vật lộn để phục hồi, mức tiêu thụ điện trên toàn thế giới trong năm 2020 sẽ giảm 5% - mức giảm sâu nhất của hơn 8 thập kỷ. Các nhà phân tích của Chính phủ Mỹ dự đoán mức giảm lớn nhất về nhu cầu điện năng của nước này.

Trong khi đó, châu Âu cũng cần nhiều năm để khôi phục hoàn toàn nhu cầu điện năng như trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Tại Nam Phi, Công ty điện lực nhà nước Eskom phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu do nhu cầu điện năng thấp.

Nhu cầu điện giảm trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực kinh tế đối với các nhà máy điện cũ và không kinh tế - đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than - đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng Mặt Trời và gió, vốn sạch và rẻ hơn. 

Xu hướng này cũng sẽ góp phần vào sự suy giảm lớn nhất hàng năm về khí nhà kính từ năng lượng kể từ khi hiệu ứng này chính thức được ghi nhận.

Steve Cicala, Giáo sư kinh tế Đại học Chicago, đánh giá rằng nhu cầu điện năng giảm ở mức chưa từng thấy như hiện nay là tín hiệu cho thấy mạng lưới điện của tương lai và thế giới đang chứng kiến sự khởi phát về phát triển năng lượng tái tạo trên diện rộng.

Một trong những lý do khiến lượng điện tiêu thụ sẽ không phục hồi ngay sau khi tình trạng phong tỏa được dỡ bỏ là do nhu cầu điện chủ yếu phản ánh hoạt động kinh tế. 

Do đó, các nhà máy điện sẽ không cần phải chạy ở mức công suất tối đa cho đến khi lực lượng lao động trở lại làm việc hoàn toàn và các nhà máy hoạt động với tốc độ như trước khi xảy ra đại dịch.

Thậm chí sau đó, một số lĩnh vực có thể tụt lại trong nhiều năm. Chẳng hạn, nhu cầu từ các tòa nhà văn phòng có thể bị suy giảm vĩnh viễn bởi nhiều công ty cho phép người lao động tiếp tục làm việc tại nhà.

Twitter cho phép các nhân viên có thể làm việc từ xa vô thời hạn, trong khi JPMorgan Chase & Co cũng dự tính chỉ cho phép một nửa nhân viên làm việc tại các văn phòng trong tương lai gần sau đại dịch.

Nhu cầu điện năng giảm khiến các nhà cung cấp điện phải cạnh tranh lẫn nhau để sản xuất điện với giá thành thấp nhất có thể. Các trang trại điện gió và điện Mặt Trời chiếm ưu thế ở nhiều khu vực vì lĩnh vực này không cần mua nhiên liệu. Khí đốt tự nhiên - hiện đang giao dịch ở gần mức thấp kỷ lục, vẫn có tính cạnh tranh cao.

Do giá thành cao hơn, năng lượng than đang chiếm phần lớn trong số những trường hợp cần cắt giảm khi các nhà sản xuất điện buộc phải thu hẹp quy mô.

Nhà nghiên cứu Joshua Rhodes đến từ Viện Năng lượng Austin thuộc Đại học Texas (Mỹ) cho rằng “các loại năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”. Theo IEA, khi lượng tiêu thụ than và dầu mỏ giảm, lượng phát thải từ năng lượng được dự đoán sẽ giảm 8% trong năm 2020.

Trong khi đó, điện gió và điện Mặt Trời – dù đang chiếm phần lớn năng lượng sản sinh, cũng chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm nhu cầu điện năng. Pháp, Brazil, Saudi Arabia và nhiều nơi khác đang tạm dừng các cuộc đấu giá điện để làm giảm nhu cầu về các dự án năng lượng sạch bổ sung.

Báo cáo công bố ngày 20/5/2020 của IEA cho thấy lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, số lượng trang trại năng lượng Mặt Trời và điện gió mới trên toàn cầu sẽ giảm trong năm 2020.

IEA cho rằng trong năm 2020, châu Âu thuộc nhóm có mức giảm nhu cầu điện năng sâu nhất, khoảng 8%. Tại Đức, các công ty như RWE AG và Uniper SE đang giảm công suất vận hành các nhà máy điện than và tăng công suất các nhà máy điện khí đốt.

Công ty Điện lực Pháp (Electricite de France) cảnh báo nhu cầu điện năng thấp sẽ khiến công ty này phải cắt giảm 1/5 sản lượng từ các lò phản ứng hạt nhân.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ, khi nhu cầu năng lượng ở 50 bang nước này được dự đoán sẽ giảm 4,5% trong năm 2020. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1949. Trên toàn nước Mỹ, lần đầu tiên tỷ lệ điện năng sản xuất từ than thấp hơn năng lượng tái tạo.

Mức tiêu thụ điện của châu Á được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn. Theo nhà phân tích Ali Asghar của BloombergNEF, các quốc gia có ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhất – dẫn đến nhu cầu điện năng giảm.

Tuy nhiên, dù nhu cầu điện năng trong năm nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm so với dự đoán khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy nhu cầu điện năng trong tháng 5/2020 của nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này đã vượt qua các mức của năm 2019 và có thể tăng ở mức 3% trong năm 2020.

Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng trở lại khi các nước sử dụng lượng điện năng lớn hơn để nạp cho các xe ô tô điện, sưởi ấm, đun nấu,… Nhưng hiện tại, ngành điện phải đối mặt với sự phục hồi lâu dài và chậm chạp.

Melissa Lott, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm về chính sách năng lượng toàn cầu – Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng tình trạng này sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Đình Lượng

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.