|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

NHTW Trung Quốc tổ chức họp bất thường, sắp có động thái nới lỏng lớn?

15:01 | 23/09/2024
Chia sẻ
Trung Quốc vừa công bố kế hoạch tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi về nền kinh tế với sự tham gia của ba nhà quản lý tài chính hàng đầu đất nước.

Lá cờ Trung Quốc bay phất phới gần Vạn Lý Trường Thành. (Ảnh: Getty Images).

Cuộc họp hiếm có

Vào đầu ngày 23/9, các nhà chức trách Bắc Kinh thông báo Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày mai cùng hai quan chức khác. Theo thông tin từ Bloomberg, cuộc họp báo sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vài phút sau thông báo, PBoC đã hạ lãi suất của hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 14 ngày từ 1,95% xuống 1,85%. Trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng từng hạ lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày vào tháng 7.

Các động thái trên khiến thị trường đồn đoán PBoC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ vào giữa tuần trước.

Gần đây, PBoC cũng báo hiệu rằng họ đang chuẩn bị các chính sách bổ sung. Một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của tháng 8 đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của năm nay nếu Bắc Kinh không triển khai thêm hỗ trợ.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm 1 điểm cơ bản xuống mức thấp mới là 2,03%, một dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích tiền tệ hơn.

Trên thị trường ngoại hối, PBoC đã tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng nội tệ lên 7,0531 nhân dân tệ đổi 1 USD. Các nhà đầu tư đang quan tâm đến ngưỡng quan trọng là 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management - cho hay: “Tôi hy vọng PBoC sẽ hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng tới”.

Ông Zhang nói thêm rằng cuộc họp báo ngày mai sẽ tạo cơ hội cho các nhà quản lý tài chính Trung Quốc “làm sáng tỏ lập trường chính sách của mình”.

Thống đốc Pan đã sử dụng một cuộc họp báo tương tự vào tháng 1 để thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trước thời hạn hai tuần, giữa lúc các nhà chức trách dốc sức ngăn chặn cú rơi 6.000 tỷ USD của thị trường chứng khoán.

 

Lời kêu gọi kích thích vang vọng khắp nơi

Giữa lúc đó, ngày càng nhiều nhà kinh tế kêu gọi Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế, bao gồm cả những chuyên gia trong nước.

Tại diễn đàn kinh tế do Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức vào ngày 21/9, ông Liu Shijin, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, vừa đưa ra một đề xuất.

Theo ông Liu, trong một hoặc hai năm tới, Trung Quốc nên phát hành ít nhất 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.420 tỷ USD) trái phiếu chính phủ siêu dài hạn để đầu tư vào vốn con người.

Ông Liu nhấn mạnh Trung Quốc nên nỗ lực hơn nữa để giải quyết những thách thức mà người lao động nhập cư ở các thành phố lớn phải đối mặt.

Vị cựu quan chức lưu ý Bắc Kinh không nên áp dụng biện pháp kích thích mà các nền kinh tế phát triển sử dụng, ví dụ như chỉ cắt giảm lãi suất, vì Trung Quốc vẫn chưa suy yếu đến mức đó.

Trong hơn hai năm qua, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố một loạt chính sách để hỗ trợ thị trường bất động sản - lĩnh vực từng chiếm hơn một phần tư nền kinh tế.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Đầu tư liên quan đến bất động sản đã giảm hơn 10% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đá tảng ngáng chân Trung Quốc là thị trường bất động sản”, ông Xu Gao, nhà kinh tế trưởng tại Bank of China International, đánh giá tại một sự kiện do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá tổ chức vào tuần trước.

Ông Xu nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc quả thực vẫn còn nhu cầu nhưng họ không muốn mua bất động sản vì rủi ro các doanh nghiệp địa ốc không bàn giao nhà đúng thời hạn.

Các căn hộ ở Trung Quốc thường được bán trước khi hoàn thiện. Nomura ước tính vào cuối năm 2023, khoảng 20 triệu căn hộ đã được bán nhưng chưa hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.

Một số người mua nhà chia sẻ với CNBC vào đầu năm nay rằng họ đã phải chờ đợi 8 năm để nhận được nhà.

Để khôi phục niềm tin của khách hàng và ổn định thị trường nhà đất, ông Xu cho biết các nhà hoạch định chính sách nên giải cứu những chủ sở hữu bất động sản.

“Hiện tại, các chính sách để ổn định thị trường rõ ràng là chưa đủ lực”, nhà kinh tế trưởng này lưu ý. Ông ước tính lĩnh vực nhà đất cần được hỗ trợ 3.000 tỷ nhân dân tệ chứ không chỉ 300 tỷ nhân dân tệ như chính phủ công bố hồi đầu năm.

Trong một bình luận công khai hiếm hoi về tình trạng giảm phát, cựu Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết vào đầu tháng 9 rằng các nhà lãnh đạo “nên tập trung chống lại áp lực giảm phát” bằng “chính sách tài khoá chủ động và chính sách tiền tệ lỏng lẻo”.

Cũng vào đầu tháng 9, Goldman Sachs đã cùng một số tổ chức khác hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc từ 4,9% xuống 4,7%.

Trong một lưu ý, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ đã cân nhắc các dữ liệu vĩ mô gần đây và tác động có độ trễ của chính sách tài khoá so với ước tính ban đầu của ngân hàng này.

“Chúng tôi tin rằng rủi ro Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đang gia tăng và do đó nước này cần phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp kích thích liên quan đến phía cầu”, nhóm chuyên gia viết.

Chỉ số giảm phát GDP - thước đo phổ quát về giá cả tại Trung Quốc đã đi xuống 5 quý liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm phát dài nhất kể từ thập niên 1990.

Yên Khê