Nhóm xây dựng đồng loạt giảm sàn sau thông tin kết quả kinh doanh kém sắc
Hàng loạt cổ phiếu nhóm xây dựng giảm sàn phiên sáng nay
Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/2, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch rung lắc mạnh khi có thời điểm VN-Index giảm hơn 15 điểm. Tuy nhiên, tạm dừng phiên sáng, chỉ số đã lấy lại được sắc xanh. VN-Index tăng 1,56 điểm (0,15%) lên 1.058,17 điểm, HNX-Index giảm 0,96% xuống 212,16 điểm, UPCoM-Index giảm 1,25% xuống 71,18 điểm.
Diễn biến tích cực hơn tại nhóm ngân hàng, bia và đồ uống cùng nhóm bất động sản.... Trái với xu hướng hồi phục của thị trường, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng chịu áp lực bán mạnh khiến hàng loạt mã giảm sàn như HBC, TGG, LIG, IJC, ROS. Cùng với đó, các cổ phiếu khác cũng chìm trong sắc đỏ như FCN, CTD, C92, HUT...
Đáng chú ý, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đầu ngành như HBC của Tập đoàn Hòa Bình giảm kịch sàn. Mặt khác, cổ phiếu CTD của Coteccons, SZC của Sonadezi Châu Đức hay PHC của Phục Hưng Holdings cũng có lúc chạm về giá sàn.
Phiên giảm điểm sáng nay của HBC đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng hơn 26% của cổ phiếu này trong một tháng qua. Tạm dừng phiên sáng, cổ phiếu HBC đang dư bán sàn hơn 3,7 triệu đơn vị.
Tồi tệ hơn, cổ phiếu ROS của FLC Faros giảm kịch sàn về 4.170 đồng/cp sau phiên sáng nay, dư bán tới 72,4 triệu đơn vị. Mã này đã có hai phiên giảm sàn trước đó sau đợt tăng giá gấp đôi. Cổ phiếu ROS thu hút sự chú ý của nhà đầu tư sau thông tin cổ phiếu này bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa ra khỏi rổ VN30.
Duy chỉ có cổ phiếu VCG trong nhóm xây dựng là giảm nhẹ 0,4%, hiện giao dịch quanh vùng giá 46.900 đồng/cp.
Thống kê trên toàn thị trường, nhóm xây dựng đang đứng thứ 4 về thanh khoản với giá trị giao dịch 720 tỷ đồng, đứng sau nhóm ngân hàng, bất động sản và kim loại. Cổ phiếu ngành xây dựng cũng là một trong những nhóm tác động mạnh kéo thị trường giảm điểm.
Diễn biến tiêu cực tại nhóm cổ phiếu xây dựng phiên sáng ngày 1/2. (Nguồn: VNDirect).
Một năm kinh doanh kém sắc cho nhóm doanh nghiệp xây dựng
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 đang đi đến hồi kết, phần lớn các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận một năm kinh doanh kém sắc trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhóm xây dựng cũng không ngoại lệ.
Gần nhất, Xây dựng Hòa Bình công bố lợi nhuận năm 2020 đạt 70 tỷ đồng, giảm 83% so với năm 2019 và là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2015. Doanh thu cả năm cũng lao dốc 40% còn 11.228 tỷ đồng.
Xét riêng quý IV, Xây dựng Hoà Bình đạt 3.183 tỷ đồng doanh thu thuần, 7 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 36% và 96% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do không còn khoản lãi khác hơn trăm tỷ như quý IV/2019.
Đáng lưu ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn âm gần 314 tỷ đồng năm 2020 dù đã giảm so với dòng tiền âm 706 tỷ đồng năm 2019.
Diễn biến tương tự với Coteccons, quý IV/2020, doanh thu và và lãi sau thuế của công ty lần lượt đạt 4.296 tỷ đồng và 94 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 42% và 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Luỹ kế cả năm 2020, Coteccons đạt 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần, 463 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 38% và 35% so với năm 2019. Lợi nhuận năm 2020 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Đối với FLC Faros, việc mã ROS của doanh nghiệp này bị loại khỏi rổ VN30 trước đó đã được nhiều công ty chứng khoán dự báo trước đó. Ngoài nguyên nhân trên, đà giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu này còn đến từ kết quả kinh doanh mới công bố không mấy tích cực.
Lũy kế cả năm 2020, FLC Faros ghi nhận doanh thu 1.799 tỷ đồng, giảm 63% so với 2019; lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng, giảm 98,5%, do phải bù lỗ 151 tỷ đồng trong quý II.
FLC Faros cho biết kết quả kinh doanh công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và quý cuối năm không còn ghi nhận khoản doanh thu từ bán căn hộ Dự án 18 Phạm Hùng của công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS.
Theo BCTC quý IV/2020 Phục Hưng Holdings công bố, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 3,1 tỷ đồng, sụt giảm 6,6 lần so với lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do doanh thu của Phục Hưng quý cuối năm giảm gần 80% còn 344 tỷ đồng.
Cả năm 2020, công ty ghi nhận lãi sau thuế 9,8 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Riêng với Vinaconex, doanh nghiệp báo lãi năm 2020 cao kỷ lục, đạt 1.712 tỷ đồng. Lợi nhuận Vinaconex tăng trưởng 118% so với năm 2019, mặc dù doanh thu giảm 42% về 5.496 tỷ đồng.
Kết quả Vinaconex đạt được trong năm 2020 không đến từ mảng xây dựng hay bất động sản, mà đến từ hoạt động chuyển nhượng công ty con và công ty liên doanh, liên kết (trong đó có dự án Splendora).