Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Toàn bộ 25 mã giảm giá, CTG mất 19%
Toàn bộ 25 mã ngân hàng giảm giá trong tuần
Tuần giao dịch 25/1 - 29/1, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà bán tháo trên diện rộng với mức giảm mạnh nhất lịch sử được ghi nhận vào ngày 28/1. Là nhóm trụ cột, các cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi xu hướng chung khi hầu hết các mã trong ngành đều giảm mạnh.
Tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua, toàn bộ 25 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá so với mức đóng cửa tuần trước với mức giảm bình quân 12,05%. Trong đó, PGB là mã ngân hàng giảm sâu nhất (-23,1%) với 5 phiên giảm liên tiếp, xuống mức 12.000 đồng/cp.
Ngoài PGB, một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên 15% như CTG (-18,9%), VPB và EIB (-17,8%), SHB (-16,1%), NAB (-15,9%) và STB (-15,3%).
Tuần qua, gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông đã chính thức giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từ ngày 28/1 với giá tham chiếu 22.900 đồng/cp, biên độ dao động 20%.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE, thị giá OCB đã giảm kịch mức cho phép 19,9%. Giá cổ phiếu này đã hồi phục trở lại trong ngày 29/1 khi tăng trần gần 7%, tuy nhiên, so với giá tham chiếu khi lên sàn, vẫn giảm tới 14,4%.
3 mã giảm giá ít nhất trong tuần là BAB (-1,4%), KLB (-2,3%) và NVB (-5,1%).
Vốn hóa toàn ngành giảm hơn 140.600 tỷ đồng
Đóng cửa ngày giao dịch 29/1, giá trị vốn hóa của 25 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở xấp xỉ 1,21 triệu tỷ đồng, giảm hơn 140.600 tỷ so với mức chốt tuần trước, tương ứng giảm 10,4%.
Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm gần 37.100 tỷ, xuống 344.926 tỷ đồng; VietinBank giảm 26.400 tỷ, xuống 113.564 tỷ đồng; BIDV giảm hơn 21.500 tỷ, xuống 160.479 tỷ đồng. Bên khối tư nhân, giá trị thị trường của một loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận mức sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng như VPBank (-16.000 tỷ), Techcombank (-15.100 tỷ), MB và HDBank (- 6.000 tỷ), Sacombank (- 5.500 tỷ).
Đóng cửa tuần qua, Vietcombank tiếp tục sở hữu vốn hóa lớn nhất ngành, gấp hơn 2,1 lần BIDV và 3 lần VietinBank. Ngược lại, VietBank, Viet Capital Bank và PG Bank là ba ngân hàng vốn hóa thấp nhất, lần lượt ở mức 4.819 tỷ đồng, 3.710 tỷ đồng và 3.600 tỷ đồng.
STB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản
Tuần qua có tổng cộng gần 909,4 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 20.496 tỷ đồng; giảm hơn 3,2% về khối lượng và giảm 10,3% về giá trị so với tuần trước.
Trong tuần, STB tiếp tục sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 171 triệu đơn vị. Lũy kế từ đầu năm tới nay, đã có tổng cộng gần 733 triệu cổ phiếu STB được trao tay giữa các nhà đầu tư với giá trị giao dịch đạt hơn 13.900 tỷ đồng.
SHB và TCB cũng duy trì khối lượng giao dịch ở mức cao, lần lượt ở mức 168,5 triệu và 110,2 triệu đơn vị.
MBB, CTG, LPB, ACB và VPB lần lượt đứng kế sau với mức thanh khoản dao động từ 40 đến 100 triệu đơn vị.
Về giá trị giao dịch, TCB đã vượt qua STB để đứng toàn ngành với gần 3.660 tỷ đồng. Ngoài TCB, 3 mã ngân hàng khác cũng sở hữu mức thanh khoản 2.000 - 3000 tỷ đồng gồm STB (3.024 tỷ đồng), SHB (2.582 tỷ đồng), MBB (2.357 tỷ đồng).
Tuần qua chứng kiến sự gia tăng thanh khoản của 12/25 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của PGB đạt hơn 679.000 cp, gấp 2,7 lần tuần trước.
Bên cạnh PGB thì EIB, KLB, NVB, VPB là những cổ phiếu có thanh khoản tăng trên 30%.
Tuần qua ghi nhận hơn 14,5 triệu cổ phiếu OCB được trao tay giữa các nhà đầu tư trong 2 ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE, tương ứng giá trị gần 277 tỷ đồng.
Mặt khác, cũng có 12 mã ngân hàng sụt giảm khối lượng giao dịch. Trong đó, thanh khoản MSB, VBB, SGB và VIB giảm hơn 30%.
Gần 102 triệu cổ phiếu SHB được giao dịch thỏa thuận trong tháng 1
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 844,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 19.208 tỷ đồng, chiếm gần 93% về khối lượng và giá trị.
Hơn 64,9 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 1.468 tỷ đồng.
Trong đó, SHB tiếp tục sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 19,1 triệu đơn vị, chiếm 11,3% tổng số cổ phiếu ngân hàng được mua bán trong tuần.
Đây là tuần thứ tư liên tiếp SHB dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch thỏa thuận. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tổng gần 102 triệu cp SHB được trao tay theo hình thức này, tương đương giá trị gần 1.800 tỷ đồng.
Ngoài SHB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều mã ngân hàng khác như EIB (hơn 11,6 triệu cp), VPB (hơn 8,7 triệu cp), MBB (gần 6,3 triệu cp), ACB (gần 4,2 triệu cp);...