|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng còn hấp dẫn sau một năm bùng nổ?

15:54 | 26/01/2021
Chia sẻ
Theo giới phân tích, định giá của cổ phiếu ngành ngân hàng hiện đang ở mức cao so với thị trường chung và so với các năm trước. Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô và triển vọng kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
2.png

Ảnh minh họa. (Nguồn: Đức Bùi)

Cổ phiếu ngân hàng đã có một năm 2020 bùng nổ với hàng loạt mã có tỷ suất sinh lời lên tới hàng chục, hàng trăm %.

Tính chung trong năm qua, giá 24 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã tăng bình quân 27,6% (theo giá đã điều chỉnh), cao hơn nhiều mức tăng của VN-Index (+14,9%). Trong đó, có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá so với cuối năm 2019.

Đà tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được nối dài trong những tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021.

Thống kê của người viết cho thấy, tính đến ngày 22/1, có tới 16/24 mã ngân hàng tăng giá so với cuối năm 2020 với mức tăng trung bình 5,6%. Trong đó, nhiều mã tăng trên 10% chỉ trong 3 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021 như NVB (+36%), STB (+18%), LPB (+15,7%), TCB (+15,2%), VPB (+12,3%),…

141581091_1024073054747534_6881028334185060192_n.png

(Nguồn: Quang Hưng tổng hợp)

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS), sự khởi sắc của thị trường chứng khoán nhờ kì vọng nền kinh tế sẽ phục hồi sau đại dịch COVID-19 và môi trường lãi suất thấp khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường tài sản bao gồm chứng khoán. Mặt khác, bản thân cổ phiếu ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, vì vậy sẽ được hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường.

"Với tính thanh khoản cao, cổ phiếu ngân hàng sẽ dễ dàng thu hút được dòng tiền khi thị trường đi lên", ông Tuấn đánh giá.

Ông Tuấn cho rằng mặt bằng giá của các cổ phiếu ngân hàng đi theo xu hướng chung của thị trường và hiện đã cao hơn nhiều so với trung bình các năm trước (hiện tỷ lệ P/E bình quân thị trường ở mức hơn 18 so với khoảng 15 của các năm trước).

Điều này một phần đến từ lợi nhuận ngân hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh. Do đó, khi lợi nhuận quay về mức bình thường, P/E sẽ giảm trở lại. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, mức định giá của các cổ phiếu ngân hàng đang ở mức cao so với thị trường chung và so với các năm trước.

"Tuy nhiên, cần phải lưu ý về hai yếu tố dòng tiền và lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã thấp hơn đáng kể so với năm 2019. Do vậy, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ được duy trì nếu lãi suất tiếp tục ở mức thấp" ông Tuấn đánh giá.

Nhận định về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng nghiên cứu và phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngành ngân hàng đã trải qua một giai đoạn kéo dài gần 10 năm tích cực tái cơ cấu giúp cải thiện chất lượng tài sản. 

Bên cạnh đó, sức khỏe của nền kinh tế duy trì khả quan và hiệu quả trong quản trị ở các ngân hàng cũng đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Đây là yếu tố cốt lõi giúp cho các ngân hàng có triển vọng tốt trong dài hạn.

Trong năm 2021, các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực gia tăng của nợ xấu khi thông tư 01 hết hiệu lực. Tuy nhiên, với dấu hiệu hồi phục của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng này dự kiến ở mức 0,5 – 1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản. Theo đó, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.

"Ngân hàng vẫn là ngành xương sống và có vai trò lớn trong sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam. VCBS dự báo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021. Trong điều kiện thị trường diễn ra thuận lợi như hiện tại, giá cổ phiếu của các ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục tăng lên", ông Hoàng chia sẻ.

Đánh giá về ngành ngân hàng trong năm 2021, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định dù ngành ngân hàng, vốn là một ngành nghề chịu tác động nhiều của vĩ mô, sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp xấu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng, mà dẫn đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh vốn đã dành năm 2020 để chuẩn bị nhiều bộ đệm dự phòng thay vì bất chấp tăng trưởng, bên cạnh một vài ngân hàng tư nhân có khả năng chống chịu trong kịch bản xấu.

Đối với năm 2021, VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi theo các hoạt động kinh tế, đạt mức 11,4 - 14,7% trong kịch bản cơ sở, tương ứng, huy động khách hàng dự kiến tăng trưởng 9,2 - 12,3%. Đồng thời, NIM sẽ mở rộng trở lại sau một năm hầu như đi ngang, dẫn dắt bởi sự phục hồi của nhóm ngân hàng quốc doanh, chi phí dự phòng dự kiến sẽ duy trì mức cao nhằm hỗ trợ đợt "hạ cánh mềm" của nợ xấu.

Với dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ tăng ít nhất 16% trong năm 2020, VDSC nhận thấy mức định giá ngành ngân hàng nói chung đã tiệm cận trung bình lịch sử trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) và giá trị sổ sách của cả ngành dự kiến không cải thiện theo kịp đà tăng mạnh mẽ hiện nay.

Do đó, nếu bỏ qua các yếu tố hỗ trợ kĩ thuật thúc đẩy giá cổ phiếu toàn ngành như lãi suất, dòng vốn hay nâng hạng, VDSC dự báo sẽ có sự phân hóa trong yếu tố cơ bản.

Quang Hưng