|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhìn lại một năm cổ phiếu ngân hàng, tìm kiếm triển vọng cho năm 2019

08:00 | 30/12/2018
Chia sẻ
Lịch sử tăng điểm mạnh trong năm 2017 đã không lặp lại đối với cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 với loạt cổ phiếu giảm giá so với đầu năm. Chỉ có ba cổ phiếu BID, NVB và EIB tăng giá. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam được cho rằng đang giao dịch ở dưới giá trị thực và hấp dẫn hơn cổ phiếu ngành này trong khu vực.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá trong năm 2018

Trong số 17 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE, HNX và giao dịch trên UPCoM, chỉ có cổ phiếu của bốn ngân hàng còn giữ được mức tăng điểm so với thị giá hồi đầu năm gồm: BIDV, NCB, VIB và Eximbank. Trong đó, BID có mức tăng điểm cao nhất 27,4%, đóng cửa phiên cuối năm dừng ở mức 34.400 đồng/cp; NVB cũng ở mức xấp xỉ với mức tăng trưởng 26,7% và cuối cùng là EIB, tăng 11% so với đầu năm.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều sụt giảm về giá trị từ 1% đến 25,4%. Sáu cổ phiếu ngân hàng có mức giảm nhiều nhất là HDBank (20,7%); SHB (20,9%); TPB (20,9%); CTG (22,8%); TCB (24%); VPB (25,4%).

nhin lai mot nam co phieu ngan hang tim kiem trien vong cho nam 2019
Biến động giá cổ phiếu ngân hàng (Ghi chú: với các cổ phiếu HDB, TPB, TCB giá so sánh là giá đóng cửa ngày đầu niêm yết)

Trung bình, giá trị các cổ phiếu đã giảm khoảng 6,6% so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2018, cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất là Vietcombank với mức giá 53.500 đồng/cp. Tiếp theo đó là BIDV (34.400 đồng/cp) và HDB (30.300 đồng/cp).

Đương nhiên rằng, thị giá các cổ phiếu giảm không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư thua lỗ khi đầu tư nắm giữ cổ phiếu này bởi vì trong suốt quá trình nắm giữ, ngoài giá trị cổ phiếu, các nhà đầu tư còn nhận được cổ tức, các khoản thưởng. Đó là đối với những nhà đầu tư dài hạn, chủ yếu nắm giữ giá trị.

Đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, những nhà đầu cơ thì biến động của cổ phiếu ngân hàng trong năm lại không hề tồi với nhiều đợt "sóng lớn".

nhin lai mot nam co phieu ngan hang tim kiem trien vong cho nam 2019
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 (Nguồn: DB tổng hợp)

Vốn hoá cổ phiếu ngân hàng "bốc hơi" gần 70.000 tỉ đồng trong năm 2018

Với việc thị giá cổ phiếu đồng loạt sụt giảm, vốn hoá thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã "bốc hơi" gần 70.000 tỉ đồng trong năm 2018, theo số liệu từ Vietstock.

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về vốn hoá với 192.481 tỉ đồng mặc dù thị giá đã giảm 2,7% trong năm. Là cổ phiếu ngân hàng có mức tăng cao nhất trong năm BIDV đứng vị trí số hai sau Vietcombank với mức vốn hoá là 117.604 tỉ đồng. Techcombank vượt qua VietinBank để giữ vị trí số 3 với 90.387 tỉ đồng.

Nhóm các ngân hàng có mức vốn hoá thấp nhất là SHB, LienVietPostBank, Kienlongbank và NCB, đều dưới mức 10.000 tỉ đồng.

nhin lai mot nam co phieu ngan hang tim kiem trien vong cho nam 2019
nhin lai mot nam co phieu ngan hang tim kiem trien vong cho nam 2019
So sánh vốn hoá các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp)

Làn sóng niêm yết cổ phiếu

Năm 2018 cũng được xem là năm lên sàn thành công của nhiều ngân hàng như Techcombank, HDBank, TPBank (niêm yết trên HOSE).

HDBank là "phát súng" đầu tiên mở màn cho các ngân hàng lên sàn năm 2018. Ngày 5/1, HDBank đưa gần 981 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE với giá khởi điểm 33.000 đồng/cp. Năm 2018, HDBank cũng đã trả cổ tức với tỉ lệ 35% trong đó 20% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 9.800 tỉ đồng vào cuối 2017 lên mức 11.972 tỉ đồng.

Đến tháng 4, TPBank chính thức đưa 555 triệu cổ phiếu TPB chào sàn HOSE, trở thành ngân hàng niêm yết thứ 9 tại đây với giá tham chiếu là 32.000 đồng/cp. Vào giữa tháng 12 mới đây, TPBank cũng đã thực hiện trả cổ tức và chia thưởng cổ phiếu tỉ lệ 28% nâng vốn điều lệ lên hơn 8.566 tỉ đồng.

Ngày 4/6, hơn 1.165,5 triệu cổ phiếu TCB của Techcombank lên sàn HOSE với giá 128.000 đồng/cp. Đây là mức giá cao kỉ lục của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi lên sàn. Không lâu sau khi lên sàn, Techcombank đã phát hành thêm hơn 2.331 triệu cổ phần để trả cổ phiếu thưởng, nâng vốn điều lệ lên gấp 3 lần đạt 34.966 tỉ đồng.

Con số 3 ngân hàng lên sàn trong năm có lẽ không quá nhiều nhưng có thể thấy rằng thành công về "chất". Đầu tiên, các ngân hàng đã chọn lên thẳng sàn HOSE, là sàn giao dịch lớn nhất và cũng là nghiêm ngặt về điều kiện nhất. Hơn nữa, việc lên sàn của các cổ phiếu ngân hàng này được đánh giá là thành công thu hút được lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, các ngân hàng này đã thành công trong kế hoạch tăng vốn ngay trong năm.

Ngoài những gương mặt này, cũng có một số ngân hàng đánh tiếng muốn lên sàn trong thời gian tới như SeABank, OCB, Nam A Bank, VIB, ABBank,...

Triển vọng nào cho cổ phiếu ngân hàng trong năm 2019?

Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận cao vào năm 2018 nhưng lại có các tín hiệu gia tăng nợ xấu mới do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng.

Trong năm 2019, VDSC nhận định khả năng duy trì hoặc tăng NIM và diễn biến chi phí dự phòng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và đầu tư vào ngân hàng số sẽ khiến cho các ngân hàng khó có thể tiết kiệm chi phí hoạt động trong vài năm tới. Đây được đánh giá là một trong những nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng.

Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2019, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng cầu tín dụng sẽ tăng trưởng chậm lại và cung tín dụng sẽ chịu áp lực từ vốn chuẩn bị cho Basel II. Rủi ro tỉ lệ nợ xấu tăng trở lại là không lớn.

BVSC cũng dự báo NIM toàn ngành năm 2019 sẽ duy trì ở mức 3,2%. Hai yếu tố tác động tiêu cực tới NIM là việc đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải về 40% vào 1/1/2019 và nguồn vốn giá rẻ từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thể sẽ giảm trong 2019 do tình hình giải ngân đầu tư công tốt hơn so với 2018.

Tuy nhiên, theo BVSC tiền gửi KBNN chỉ ảnh hưởng đến ba "ông lớn" Nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank và những ngân hàng đang có thể có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn quanh mức 40% gồm có VIB, TPBank, LienVietPostBank, Eximbank và Bac A Bank.

BVSC dự báo lợi nhuận sau thuế nhóm ngân hàng niêm yết tăng 13,5% trong 2019. Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng chậm lại nhưng định giá quay về mức hấp dẫn.

Công ty chứng khoán này cũng nhận định cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang hấp dẫn hơn khu vực. So sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị.

nhin lai mot nam co phieu ngan hang tim kiem trien vong cho nam 2019
Nguồn: BVSC

Xem thêm

Diệp Bình