Biến động trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm
HSC: Lợi nhuận các ngân hàng niêm yết có thể tăng 41% so với cùng kỳ 2017 | |
Tín dụng tăng thấp nhưng hiệu quả cao |
Ảnh minh họa |
Thống kê từ 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quí III/2018, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 58.820 tỉ đồng, tăng gần 46% so với cùng kì năm ngoái. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 43.835 tỉ đồng, tăng 47%. Trong đó, ngoài Saigonbank và LienvietpostBank giảm lợi nhuận thì các ngân hàng còn lại đều tăng trưởng.
Biến động các khoản thu nhập của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm ( đơn vị: tỉ đồng) (Nguồn: QT tổng hợp) |
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vietcombank đạt kỷ lục với hơn 11.680 tỉ đồng, tăng 47% so với cùng kì; BIDV là 7.254 tỉ đồng, tăng 31%; Techcombank tăng 61% đạt 7.774 tỉ đồng; hay MBBank đạt 6.015 tỉ đồng, tăng 40%...
Nếu như các “ông lớn” nổi bật với qui mô thì những ngân hàng tư nhân lại vượt trội về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
VIB lãi trước thuế hơn 1.720 tỉ đồng, gấp 2,7 lần cùng kì; lãi sau thuế TPBank gần 1.614 tỉ đồng, gấp 2 lần. Tương tự, Viet Capital Bank, VietBank, SeABank cũng có kết quả lãi trước thuế gấp 3 đến 4 lần cùng kì năm trước.
Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Thu nhập lãi thuần tăng chậm lại
Theo thống kê, thu nhập lãi thuần trong 9 tháng của 20 ngân hàng trong quí III tăng khoảng 21% so với cùng kì năm trước, thấp hơn so với mức tăng của tổng thu nhập hoạt động là 26%. Đồng thời, tỉ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động cũng giảm xuống 76% từ mức 79,4% của 9 tháng đầu năm 2017.
Tỉ trọng % các nguồn thu của 20 ngân hàng đã công bố BCTC quí III/2018 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Theo số liệu Tổng Cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%) và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. |
Tỉ trọng thu nhập lãi thuần giảm là điều dễ hiểu trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thời gian qua có dẫu hiệu chững lại do các định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, sự sụt giảm này còn cho thấy định hướng giảm dần sự phụ thuộc vào mảng tín dụng vốn mang nhiều rủi ro của các ngân hàng.
Dù vậy, với tỷ trọng đóng góp cao như hiện nay, thu nhập từ lãi vẫn đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng lợi nhuận hệ thống ngân hàng. Do đó, nếu chính phủ vẫn tiếp tục duy trì định hướng kiểm soát tín dụng một cách chặt chẽ thì nhiều khả năng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian tới sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Thu nhập bất thường tăng mạnh
9 tháng, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của các ngân hàng được khảo sát gần 12.294 tỉ đồng, tăng 92% so với cùng kì năm trước. Mảng kinh doanh này cũng đóng góp 7,8% trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng, tăng so với mức 5,1% của 9 tháng 2017.
Các khoản thu bất thường bật tăng bởi đóng góp chính từ việc xử lí nợ xấu. Đơn cử thu nhập từ các khoản nợ đã được xử lí của MBBank trong 9 tháng là hơn 882 tỉ đồng, tăng 52% cùng kỳ. VPBank có thu nhu nhập đột biến từ các khoản nợ ngoại bảng đã xử lí bằng dự phòng rủi ro là 1.596 tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kì.
Tại ACB và Vietcombank, các khoản thu nhập khác (phần lớn là thu nợ đã xử lý rủi ro) trong 9 tháng đầu năm đạt lần lượt 3.034 tỉ đồng và 898 tỉ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018. (Nguồn: QT tổng hợp) |
Đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro (đã trích lập đầy đủ), khi thu hồi được nợ xấu các ngân hàng sẽ được phép ghi nhận toàn bộ thu nhập khác. Chính vì vậy, nợ xấu không phải là tiền ngân hàng bị mất trắng mà thực tế nó đã trở thành một nguồn thu tiềm tàng của các nhà bằng và góp phần tạo nên sự đột biến cho lợi nhuận trong tương lai.
Và thực tế, những ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC như Vietcombank, Techcombank, ACB và MBBank đều thu được những khoản lợi nhuận không nhỏ từ nợ xấu ngoại bảng được xử lí.
Cũng cần lưu ý rằng, những khoản thu này mang tính chất bất thường và không bền vững, thực chất đây chính là khoản lãi mà đáng ra ngân hàng phải được hưởng. Do đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng trong tương lai cũng không thể kì vọng quá nhiều vào khoản thu này.
Ngoài ra, sự tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua không thể không kể đến sự đóng góp của các khoản thu nhập không thường xuyên do bán các khoản đầu tư, góp vốn. Cụ thể trong năm nay, Vietcombank đã thoái toàn vốn tại OCB giúp lợi nhuận từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần tăng 407 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, Eximbank cũng đã thu về khoảng 521 tỉ đồng việc bán vốn tại Sacombank…
Hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định
Trong các khoản thu ngoài lãi, thì hoạt động dịch vụ vẫn là mảng tăng ổn định và đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động ngân hàng. 9 tháng đầu năm, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 20 ngân hàng trên tăng 34,4% lên gần 14.560 tỉ đồng; chiếm khoảng 9,2% trong tổng thu nhập hoạt động, cùng kỳ là 8,6%.
Đáng chú ý, có tới 15/20 ngân hàng tăng trưởng thu nhập thuần về dịch vụ, và đa số là tăng trưởng cao.
Sự tăng trưởng của hoạt động dịch vụ phần lớn đến từ lợi nhuận của dịch vụ đại lý bảo hiểm và dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử. Điển hình như MBBank, trong 9 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động gấp 1,5 lần cùng kỳ khi đạt hơn 1.688 tỉ đồng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động gần 860 tỉ đồng, chiếm 51% và gấp hơn 3,2 lần cùng kì.
Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ TPBank trong 9 thág gần 440 tỉ đồng, gấp 3,5 lần cùng kì. Trong đó, lãi từ dịch vụ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là gần 233 tỉ đồng, gấp 27 lần cùng kì; lãi từ hoạt động thanh toán là gần 83 tỉ tăng 140% so với cùng kì….
Nhiều chuyên gia đánh giá, sự tăng nhanh các khoản thu hoạt động dịch vụ cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. Bởi các khoản thu này ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng. Hơn nữa, sự tăng trưởng của mảng này cho thấy xu hướng tối ưu hóa các kênh bán hàng, giúp ngân hàng tăng khả năng sinh lời của tài sản.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018. (Nguồn: QT tổng hợp) |