Giá heo tăng mạnh, thị trường Việt Nam kéo tăng trưởng của C.P trong 9 tháng
C.P Việt Nam đạt doanh thu 42.428 tỉ đồng sau 9 tháng
Giá thịt heo tăng chính là động lực tăng trưởng của C.P tại thị trường Việt Nam |
Trong quý III, Charoen Pokphand Foods (CPF), doanh nghiệp được mệnh danh là "bếp ăn của thế giới" đạt doanh thu thuần 100.037 tỉ đồng tăng trưởng 12%; lợi nhuận thuần 3.467 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh tới 47% đạt 16.555 tỉ đồng chủ yếu đến từ mảng thịt sống (giá heo trong quý III tại Việt Nam tiếp tục nối dài đà tăng).
Kết quả kinh doanh của CPF theo các quý (Nguồn CPF) |
Lũy kế 9 tháng đầu năm, CPF đạt doanh thu 281.789 tỉ đồng; lợi nhuận thuần 9.806 tỉ đồng đều tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu doanh thu 33% đến từ Thái Lan, 27% từ Trung Quốc, 15% từ Việt Nam và 25% từ các nước còn lại gồm Mỹ, Châu Âu và các nước khác thuộc khu vực Đông Nam Á…
Trong đó hai thị trường tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc, tăng 16% từ mảng thức ăn và chăn nuôi (tương đương 10.471 tỉ đồng); Việt Nam tăng 24 (tương đương 8.136 tỉ đồng) lên 42.428 tỉ đồng. Doanh số tại nước mẹ Thái Lan tiếp tục báo giảm do giảm giá thịt gà và heo.
Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất của CPF sau 9 tháng (Nguồn CPF) |
Cơ cấu doanh thu các thị trường của CPF trong 9 tháng (Nguồn CPF) |
Động lực tăng trưởng từ giá heo tăng
Xét theo cơ cấu mặt hàng 86% doanh thu của CPF đến từ thịt sống, tương ứng 241.251 tỉ đồng, mảng này tăng trưởng 8% so với 9 tháng 2017; mảng thủy sản không tăng trưởng chiếm 14% tương đương 40.680 tỉ đồng.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn này doanh thu từ thịt sống tăng trưởng tới 25% và doanh thu từ thủy sản tăng 17%, trở thành thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất của CPF.
Về cơ cấu theo chuỗi giá trị 3F, mảng chăn nuôi (Farm) của Việt Nam tăng trưởng tới 55% đạt 27.096 tỉ đồng; mảng thực phẩm (Food) tăng 8% đạt 1.132 tỉ đồng; tuy nhiên đối với thức ăn chăn nuôi (Feed) lại giảm 10% so với cùng kỳ còn 14.150 tỉ đồng. Việt Nam là thị trường mà cơ cấu doanh thu từ chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 64%, gấp đôi thức ăn chăn nuôi 33%, mảng thực phẩm hiện chiếm tỷ trọng nhỏ với 3%.
Điều này khác hẳn với thị trường Trung Quốc tập trung chủ yếu là mảng thức ăn chăn nuôi với 83%; thị trường Thái Lan cân bằng chuỗi 3F giống như với các thị trường phát triển.
Cơ cấu doanh thu theo 3F của các thị trường, Việt Nam chủ yếu đến từ mảng chăn nuôi (Nguồn CPF) |
Như đã nói nguyên nhân khiến doanh thu của CPF tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ là do giá thịt heo tăng mạnh trong năm 2018 sau khi chạm đáy vào quý II/2017, tăng 122% lên 50.693 đồng/kg.
Diễn biến giá thịt heo, thịt gà và nguyên liệu nông nghiệp tại Việt Nam (Nguồn CPF) |