Giá heo tăng mạnh, đại gia Thái Lan CP đạt gần 1,1 tỷ USD doanh thu từ thị trường Việt Nam sau 6 tháng
CPF thắng đậm tại Việt Nam và Trung Quốc nhờ giá heo tăng |
6 tháng đầu năm, công ty thực phẩm số một châu Á - Charoen Pokphand Foods (CPF) đạt tổng doanh thu gần 257 tỷ Baht (7,71 tỷ USD - tăng 5%) và lợi nhuận 8,9 tỷ Baht,(267 triệu USD - tăng 12%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại sụt giảm từ 12,2% xuống còn 10,9%. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng trong quý II/2018 đạt mức kỷ lục 5,9 tỷ Baht (177 triệu USD - tăng trưởng tới 45%) góp công lớn vào kết quả nói trên, lợi nhuận trong quý I ở mức tương đương cùng kỳ.
Lợi nhuận quý II/2018 của CPF cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây |
Theo thống kê của CPF, 33% doanh thu đến từ thị trường Thái Lan (gồm 28% doanh thu nội địa và 5% doanh thu xuất khẩu). Doanh thu từ thị trường Trung Quốc chiếm 27% tổng doanh thu, tương đương 69,4 tỷ Baht (2,08 tỷ USD); doanh thu từ Việt Nam gần 36 tỷ Baht ( 1,08 tỷ USD) chiếm 14% tổng doanh thu. Như vậy, riêng 3 thị trường Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã đóng góp tổng cộng 74% tổng doanh thu của CPF, 31% còn lại từ các thị trường khác.
Tình hình tại các thị trường lớn cho thấy, doanh thu từ Thái Lan giảm 4% ( tương đương 3,83 tỷ Baht - 115 triệu USD) chủ yếu do giá thịt lợn và thịt gà giảm; doanh thu từ Trung Quốc tăng 16% (9,54 tỷ Baht - 286 triệu USD) từ doanh thu thức ăn chăn nuôi và mảng nông nghiệp; doanh thu từ Việt Nam tăng 12% (4 tỷ Baht - 120 triệu USD) nguyên nhân do giá lợn tăng; tổng doanh thu từ các thị trường khác cũng tăng thêm 2%.
Diễn biến giá sản phẩm, nguyên liệu tại thị trường Việt Nam |
Doanh thu của CPF tại thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ 16% so với cùng kỳ, tại Việt Nam cũng tăng tới 12% |
Về cơ cấu ngành, doanh thu từ thịt sống của toàn công ty năm nay tăng nhẹ, chiếm tỷ trọng 86% trên tổng; CPF đem về 221,2 tỷ Baht (6,64 tỷ USD) từ kinh doanh thịt heo, gà, thịt ba chỉ và vịt (tăng 5%).
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt trên 17%; thị trường Việt Nam theo ngay sau với 10%. Điều này trái ngược hẳn với bộ mặt bạc nhược của Thái Lan trong giai đoạn nửa đầu 2018 với việc sụt giảm 3% (bao gồm doanh thu nội địa giảm 2% và thu từ xuất khẩu giảm 6%).
Đối với mảng thủy sản, doanh thu tại Việt Nam tăng mạnh 24% đạt 6,55 tỷ Baht (197 triệu USD), dẫn đầu trong các thị trường về tăng trưởng; Trung Quốc cũng đạt mức tăng 13% trong khi đó một lần nữa doanh thu tại Thái Lan giảm mạnh, tổng thể giảm 12%.
Doanh thu thị trường Thái Lan sụt giảm, trong khi các thị trường khác tăng mạnh |
Xét theo cơ cấu sản phẩm, thị trường Trung Quốc tăng trưởng ở cả ba mảng: thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và thực phẩm. Trong đó, mảng chăn nuôi tăng đột biến 119%, đạt doanh thu 8,55 tỷ Baht (257 triệu USD) sau 6 tháng đầu năm.
Tại Việt Nam, doanh thu mảng chăn nuôi cũng tăng tới 37% lên 22,8 tỷ Baht (684 triệu USD), doanh thu từ thực phẩm tăng 8% vượt ngưỡng 1 tỷ Baht (30 triệu USD), tuy nhiên với mảng thức ăn chăn nuôi lại giảm 15% chỉ còn 12,78 tỷ Baht (383 triệu USD).
Cơ cấu các thị trường được phân hóa khá rõ, tại Thái Lan và các thị trường khác, doanh thu các mảng 3F (Feed – Farm – Food) khá đều nhau; thị trường Trung Quốc chủ yếu từ thức ăn (83%) và đang có xu hướng tăng cường hoạt động chăn nuôi. Trong khi đó thị trường Việt Nam với hai mảng thức ăn và chăn nuôi chiếm phần lớn (tổng 97%), mảng thực phẩm còn đang khá sơ khai nhưng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Cơ cấu doanh thu 3F tại các thị trường của CPF |
Theo kế hoạch, CPF dự kiến doanh thu năm 2018 toàn công công ty tăng trưởng từ 5 – 8%. Các mục tiêu chiến lược bao gồm, giảm tình trạng cung cấp thịt heo quá mức tại Việt Nam, gia tăng hiệu quả hoạt động và mở rộng các thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên công ty cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đến từ việc thừa cung thịt lợn tại Thái Lan và Việt Nam (kéo dài từ năm 2017 cho đến quý I/2018), chi phí nguyên vật liệu ngày càng gia tăng, cùng với đó là biến động ngoại hối và tăng lãi suất…
Charean Pokphand Foods hiện là công ty sản xuất, chăn nuôi,chế biến thực phẩm số một tại châu Á, có hoạt động đầu tư tại 17 quốc gia, xuất khẩu sang 30 quốc gia và phục vụ khoảng 4 tỷ dân trên toàn thế giới.
Công ty mẹ là Tập đoàn Charoen Pokphand Group hiện đang sở hữu 53,9% vốn cổ phần. Năm 2017, công ty đạt tổng doanh thu xấp xỉ 15 tỷ USD, vốn hóa trên thị trường chứng khoán 6,5 tỷ USD.
CPF hiện đang sở hữu hệ thống 3F hoàn thiện, từ nông trại đến bàn ăn với mục tiêu trở thành "Kitchen of the World" -"Căn bếp của thế giới".