|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các 'sếp' ngân hàng toan tính gì khi đua nhau mua vào cổ phiếu khi thị trường giảm?

11:44 | 22/11/2018
Chia sẻ
Hàng loạt sếp lớn và người nhà đăng kí mua vào hàng trăm nghìn đến hàng chục triệu cổ phiếu ngân hàng trong khi thị trường giảm điểm. Đây là động thái kích cầu để đẩy giá hay chỉ là mua gom khi giá giảm?
cac sep ngan hang toan tinh gi khi dua nhau mua vao co phieu khi thi truong giam Cổ phiếu ngân hàng Việt có khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với ngân hàng ngoại
cac sep ngan hang toan tinh gi khi dua nhau mua vao co phieu khi thi truong giam Những 'đợt sóng lớn' cổ phiếu ngân hàng trong 9 tháng đầu năm

Trước ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm mạnh, các cổ phiếu ngân hàng cũng đang cho thấy quá trình giảm điểm từ thời điểm đầu tháng 11. Trong bối cảnh đó, xuất hiện hàng loạt giao dịch mua gom với khối lượng lớn của các lãnh đạo cấp cao ngân hàng và người nhà. Khối lượng đăng kí mua vào từ hàng trăm nghìn đến hàng chục triệu cổ phiếu.

Gần đây nhất, hai "sếp tổng" của Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) đã đăng kí mua vào tổng cộng 800.000 cổ phiếu. Trong đó, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, thời gian giao dịch từ 23/11 đến 23/12. Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, đăng ký mua 300.000 cổ phiếu từ 26/11 đến 26/12.

Ước tính theo mức giá đóng cửa ngày 21/11 (28.900 đồng/cp), số tiền mà ông Toàn và ông Hòa dự kiến phải bỏ ra để thực hiện giao dịch nêu trên lần lượt là 14,5 tỉ và 8,7 tỉ đồng.

Không thể không nhắc đến giao dịch khủng của ông Đỗ Minh Quân, con trai Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú khi đăng kí mua vào 25 triệu cổ phiếu TPB. Giá trị lượng cổ phiếu này được ước khoảng 673 tỉ đồng.

Ông Đỗ Anh Tú đang sở hữu 27,75 triệu cổ phiếu TPB (tương đương 4,17% vốn điều lệ ngân hàng). Nếu ông Đỗ Minh Quân mua thành công 25 triệu cổ phiếu đã đăng kí thì hai cha con vị Phó Chủ tịch này sẽ sở hữu tổng cộng 7,92% vốn điều lệ ngân hàng.

Trước đó không lâu, ngày 16/11, ông Nguyễn Hữu Đặng - TGĐ HDBank đăng kí mua vào 500.000 cổ phiếu HDB, Phó TGĐ ông Trần Hoài Nam cũng đăng kí mua vào 200.000 cổ phiếu. Ước tính giá trị của hai giao dịch này vào khoảng 14 tỉ đồng và 5,6 tỉ đồng.

Cũng trong cùng ngày, Chủ tịch Ngô Chí Dũng và mẹ đăng kí mua vào 21 triệu cổ phiếu VPBank, ước tính giá trị gần 400 tỉ đồng. Nếu giao dịch thành công, ông Dũng sẽ sở hữu gần 121,7 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng 4,81% vốn điều lệ ngân hàng và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) sẽ sở hữu hơn 120,7 triệu cổ phiếu, tương đương 4,771% vốn.

Hiện cổ đông lớn nhất của VPBank là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) với hơn 125 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9416% vốn.

Việc đăng ký mua vào cổ phiếu của lãnh đạo cấp cao các ngân hàng và người nhà này diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu giảm mạnh. Trong số các cổ phiếu kể trên, có 3/4 cổ phiếu ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá.

Cụ thể, cổ phiếu HDB có mức sụt giảm mạnh nhất đã mất hơn 23% giá trị kể từ đầu tháng 11 tới nay. Cổ phiếu VPB giảm 17,4%; ACB giảm 14,2%. Riêng chỉ có TPBank tăng nhẹ 2,7% giá trị, mặc dù trước đó có thời điểm đã giảm gần 8,4% (15/11).

Đvt: nghìn đồng

STT Mã CK Giá cổ phiếu Thay đổi (%)
1/11/2018 21/11/2018
1 VNIndex 1012,88 922,56 -8,9%
2 HDB 39,40 30,25 -23,2%
3 VPB 26,40 21,80 -17,4%
4 ACB 33,70 28,90 -14,2%
5 TPB 26,20 26,90 2,7%

Bảng: Biến động giá của các cổ phiếu ngân hàng (DB tổng hợp)

Động thái mua vào cổ phiếu của các sếp ngân hàng đã tạo ra nhiều nghi vấn cho các nhà đầu tư. Mặc dù mục đích mua vào theo thông báo của các giao dịch lớn này đều là mục đích đầu tư và tăng tỷ lệ sở hữu, một số nhà đầu tư cho rằng đây là một biện pháp hỗ trợ giá cổ phiếu trong thời kì suy giảm.

Từ ngày công bố tin tức, cổ phiếu HDB và VPBank đều có sự phục hồi đáng kể và xuất hiện các phiên tăng kịch trần. Ngày 15/11 là thời điểm nhiều cổ phiếu ngân hàng tạo đáy. Tuy nhiên, sự liên hệ trên chỉ là tương đối do ở thời điểm hiện tại, biến động của các cổ phiếu có vẻ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến chỉ số VNIndex.

Biểu đồ so sánh dưới đây cho thấy có một sự tương quan nhất định giữa biến động giá các cổ phiếu và VNIndex.

cac sep ngan hang toan tinh gi khi dua nhau mua vao co phieu khi thi truong giam
So sánh diễn biến giá một số cổ phiếu ngân hàng và VNIndex (Nguồn: VNDirect)

Một cách lý giải khác là những vị lãnh đạo cấp cao này đang nhận thấy giá cổ phiếu đã sụt giảm và đang ở mức giá "hợp lý" để mua vào, tăng sở hữu của cá nhân hoặc nhóm lợi ích.

Mặc dù thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm nhưng quĩ đầu tư của Tập đoàn Ashmore (Anh) vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung khá “tích cực”. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn tăng trưởng tốt, đồng nội tệ không chịu quá nhiều áp lực và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp “vẫn ở mức khá cao”.

Nhận định từ một số công ty chứng khoán Việt Nam cho rằng thị trường đang cho dấu hiệu phục hồi nhưng dấu vẫn chưa đủ để có thể khẳng định thị trường mở đầu xu hướng tăng và thời điểm này dễ là đoạn hồi phục kỹ thuật trong xu hướng giảm. Hầu hết công ty chứng khoán đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư là cần cẩn trọng, tập trung quản trị rủi ro và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.

Xem thêm

Diệp Bình