Nhật Bản xem xét thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng
Như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản, quốc gia đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, đang đối mặt với sự thắt chặt nguồn cung năng lượng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra sáu tháng trước.
Nhật Bản cũng trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa Hè này và người dân được kêu gọi tiết kiệm điện tối đa.
Tại cuộc họp về chính sách năng lượng, ông Kishida nói xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi đáng kể cục diện năng lượng của toàn cầu và do đó, Nhật Bản cần lường trước khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng.
Theo ông, Nhật Bản cần cần nhắc việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, trong khi chính phủ sẽ thảo luận việc đưa thêm các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động và kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng nếu vấn đề an toàn được đảm bảo.
Ông Kishida kêu gọi việc đưa ra các kết luận cụ thể về vấn đề này vào cuối năm, dù đây vẫn là điều nhạy cảm sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl.
7 năm sau thảm hoạ, 10 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản đã hoạt động trở lại, dù không phải đều hoạt động cả năm và nước này vẫn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nhập khẩu.
Cơ quan giám sát an toàn hạt nhân quốc gia của Nhật Bản đã thông qua trên nguyên tắc việc tái khởi động thêm 7 lò phản ứng, nhưng những động thái như vậy thường vấp phải sự phản đối của các cộng đồng địa phương.
Trước thảm họa vào năm 2011, khoảng 1/3 sản lượng điện của Nhật Bản là từ các nhà máy điện hạt nhân. Con số này đã giảm xuống dưới 5% vào năm 2020.
Chính phủ Nhật Bản đã chấn chỉnh và tăng cường các tiêu chuẩn an toàn của các lò phản ứng hạt nhân và muốn nguồn điện này chiếm 20-22% sản lượng điện vào năm 2030, trong nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa khí thải.