|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần nhà nước nhắm đến 'đất vàng', cần phải điều tra chi tiết

12:42 | 10/08/2019
Chia sẻ
Một tiêu chí đánh giá nhà đầu tư chiến lược được TS. Ngô Trí Long đưa ra là tỉ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại.

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục là một bài toán đau đầu khi tiến độ đang ì ạch. Chỉ riêng hoạt động cổ phần hóa, tính đến hết quí II/2019, có 6 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế đến hết quí II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Cùng với việc không đạt tiến độ, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Tại Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8/8 vừa qua, TS. Ngô Trí Long đã có một số phân tích về hoạt động cổ phấn hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua.

A3

Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Thu Thủy

Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất

Theo dõi diễn biễn trên thị trường chứng khoán trong hơn ba năm qua, trong tổng số 25 Tổng công ty (TCT) thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 20 TCT đã niêm yết. 

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có một TCT đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước (Vinaconex), còn lại, có 8 TCT gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể.

Đáng chú ý, tất cả doanh nghiệp này đều có một đặc điểm chung là Nhà nước vẫn nắm giữ từ 80% đến 98% tổng số cổ phần. Quan sát cũng cho thấy không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này sau cổ phần hóa, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn, TS. Ngô Trí Long đánh giá.

Sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào khu vực DNNN còn rất hạn chế, tính đến hết năm 2017 tỉ lệ vốn nhà nước thực bán qua cổ phần hóa và thoái cốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn Nhà nước nắm giữ.

"Một thực tế đáng quan ngại là DNNN không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự, là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào Hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức (vì tỉ lệ cổ phần nắm giữ chưa quá được 35% để có tiếng nói trong quản lý, điều hành doanh nghiệp)", ông Long phân tích.

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn

"Chúng ta đã nghe đến nhiều trường hợp 'càng để lâu càng mất vốn' hoặc 'càng để lâu càng lỗ'. Điển hình như nhà máy Bột giặt Phương Nam, công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua; hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được", TS. Ngô Trí Long lấy ví dụ.

Tại CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có "đại gia" ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cp. Ngày 8/6/2018, Halico lên UPCoM với giá 31.900 đồng/cp; đến giờ chỉ còn 12.000 đồn/cp và hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay.

Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỉ đồng năm 2014 xuống 310 tỉ đồng theo kế hoạch năm 2019. Cùng với đó, thị phần của Habeco giảm từ 21% còn 16%.

"Những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn", ông Long nhấn mạnh.

A1

Câu chuyện đất vàng trong việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Hà Anh

Cần phải nghiên cứu rõ về nhà đầu tư chiến lược

Với thực trạng trên, TS. Ngô Trí Long đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn. Kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn rồi. Vậy không làm đúng kế hoạch thì có bị xử lý không, hình thức xử lý như thế nào?

Thứ hai, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như "mất tất" hoặc "mất thương hiệu". Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện của một quốc gia, việc đánh giá cái được, cái mất cần phải được thực hiện một cách toàn diện.

"Tôi cũng tin rằng, không ít các nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của DNNN chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp", ông Long phát biểu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước mỗi thương vụ cổ phần hóa/thoái vốn, việc thực hiện điều tra chi tiết (Due Diligence) về nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là rất cần thiết. Một trong những chỉ số đơn giản nhất mà Nhà nước có thể yêu cầu nhà đầu tư cung cấp là tỉ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại.

Thu Thủy

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.