|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng và 4 liên doanh của Biển đảo Hải Thành

16:06 | 02/11/2019
Chia sẻ
Hải Thành đã mang một số khu đất quốc phòng mặt đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM) đi góp vốn triển khai dự án bất động sản. Trong số đó, có dự án được đánh giá cao về tính hiệu quả như tổ hợp Legend Hotel, cũng có dự án vướng sai phạm hình sự như 7-9 Tôn Đức Thắng.
Đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng và 4 liên doanh của Biển đảo Hải Thành - Ảnh 1.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Biển đảo Hải Thành tiền thân là Công ty kinh doanh dịch vụ nhà khách và du lịch Hải Thành trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân theo Quyết định số 80B/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 15/2/1992 với nhiệm vụ: Tổ chức đón tiếp phục vụ các đoàn khách của Nhà nước, Quân đội và khách nước ngoài đến thăm và làm việc với Quân chủng Hải quân; cán bộ, chiến sỹ trong và ngoài Quân chủng về nhận công tác, đón tiếp phục vụ các đại biểu về dự Đại hội, các hội nghị, hội thảo, gặp mặt kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, Quân chủng..., đồng thời tận dụng năng lực dôi dư, khai thác cơ sở vật chất hiện có tạo nguồn thu đảo bảo đời sống của cán bộ, nhân viên trong công ty và phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ Quốc phòng.

Ngày 27/8/1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 581/QĐ-QP thành lập lại doanh nghiệp, từ Công ty Kinh doanh dịch vụ Nhà khách và Du lịch Hải Thành thành Công ty Hải Thành. 

Những năm đầu mới thành lập, Công ty có những chức năng, nhiệm vụ: vừa đảm bảo công tác đối ngoại của Quân chủng, vừa đảm bảo phục vụ khách trong và ngoài Quân chủng, đan xen giữa phục vụ bao cấp và hạch toán kinh doanh.

Năm 1996, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm khắc phụ tình trạng manh mún nhỏ lẻ của các doanh nghiệp trong Quân đội, Quân chủng hải quân, ngày 18/4/1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 513/QĐ-QP thành lập Công ty Hải Thành, trên cơ sở sáp nhập Công ty Hải Thành với Công ty may Hải Thịnh.

Thực hiện Nghị quyết TW4 của BCH TW Đảng khoá X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", Quyết định 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ quần đảo Trường Sa, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020", Công ty được giao nhiệm vụ làm nòng cốt để tổ chức thực hiện chủ trương của Chính phủ về du lịch biển đảo, đối ngoại quân sự trên biển và tham gia dân sự hoá khu vực quần đảo Trường Sa kết hợp với quốc phòng an ninh.

Theo lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2008-2010, Công ty chuyển thành Công ty TNHH MTV theo Quyết định số 2637/QĐ-BQP ngày 22/7/2010.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của Hải Thành bao gồm 1 Chủ tịch kiêm Giám đốc, 5 phó Giám đốc, 1 kế toán trưởng - trưởng phòng tài chính kế toán, 1 kiểm soát viên, 5 phòng nghiệp vụ gồm phòng Chính trị, phòng Kế hoạch - Kinh doanh XNK, phòng Hành chính - Hậu cần và phòng Tổ chức lao động. 

Có 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc là Nhà khách Hải quân số 27C Điện Biên Phủ, Trạm khách 74 tại số 4 Trần Hưng Đạo, đều ở Hồng Bàng, Hải Phòng, cùng chi nhánh TP.HCM tại số 2 Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Đáng chú ý, Hải Thành đã ký kết với các đối tác thành lập các công ty liên doanh để khai thác 4 khu đất quốc phòng, trước mắt chưa sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng chuyển sang làm kinh tế với hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng và 4 liên doanh của Biển đảo Hải Thành - Ảnh 2.

Tổ hợp Legend Hotel, sau đổi tên thành Lotte Legend Hotel được đánh giá là khoản góp vốn minh bạch và hiệu quả của Biển Đảo Hải Thành. Ảnh: NG

Liên doanh Hải Thành - Kotobuki

Công ty TNHH Liên doanh Hải Thành Kotobuki được thành lập từ cuối thế kỷ trước, là chủ đầu tư tổ hợp Legend Hotel trên mảnh đất rất đẹp 2A-4A Tôn Đức Thắng, Quận 1. Dự án đi vào hoạt động từ năm 2001, cao 17 tầng với 283 phòng, 6 nhà hàng, là một trong những khách sạn 5 sao đời đầu tại TP.HCM.

Vốn điều lệ của Liên doanh là 46,1 triệu USD, trong đó Hải Thành nắm giữ 13,8 triệu USD, tương đương tỷ lệ 30%, Kotobuki của Nhật Bản chiếm 70% còn lại. Legend Hotel là khách sạn 5 sao nổi tiếng bậc nhất Sài Thành trong cả thập kỷ sau khi thành lập. 

Tới năm 2013, trong chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, Tập đoàn Lotte từ Hàn Quốc đã mua lại toàn bộ phần vốn của Kotobuki và trở thành công ty mẹ, đồng thời đổi tên khách sạn hạng sang bên bờ sông Sài Gòn thành Lotte Legend Hotel.

Cuối năm 2017, khách sạn quy mô gần 300 phòng từng được rao bán với giá 150 triệu USD, khoảng 3.450 tỷ đồng.

Đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng và 4 liên doanh của Biển đảo Hải Thành - Ảnh 3.

Dự án 7-9 Tôn Đức Thắng đến nay vẫn là bãi gửi xe

Liên doanh Yên Khánh Hải Thành

Năm 2006, Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Yên Khánh ký hợp đồng cùng khai thác dự án thương mại 7-9 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) có diện tích 3.531 m2. 

Liên doanh Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành được thành lập 3 năm sau đó với vốn điều lệ 320 tỷ đồng, trong đó Yên Khánh chiếm tới 90%, thành viên Quân chủng Hải quân chỉ sở hữu 10%.

Liên doanh Yên Khánh Hải Thành tháng 3/2010 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên dự án suốt nhiều năm sau đó không triển khai.

Tháng 11/2013, bà Vũ Thị Hoan với chức danh Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh Hải Thành đã thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) để đảm bảo cho 7 nghĩa vụ tài chính phát sinh cho công ty người nhà của bà Hoan, với tổng giá trị là 717 tỉ đồng. 

Bà Hoan là cháu gái cựu Thượng tá Quân đội Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út "trọc").

Liên quan đến dự án 7-9 Tôn Đức Thắng, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng ngày 22/11/2018 đã ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đại tá Trần Trọng Tuấn - phó Giám đốc Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân) và Vũ Thị Hoan - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Yên Khánh, Giám đốc CTCP Yên Khánh Hải Thành, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đại tá Bùi Văn Nga - nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành.

Được biết, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cuối năm 2016 đã ký thoả thuận nguyên tắc thuê 15.000 m2 sàn văn phòng tại dự án 7-9 Tôn Đức Thắng để làm trụ sở trong 49 năm, với số tiền bỏ ra dự kiến gần 1.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên giữa năm 2017, Sabeco đã rút khỏi dự án trên và chấp nhận bồi thường thiệt hại vì phá vỡ hợp đồng với Yên Khánh Hải Thành.

Ngoài ra, Biển đảo Hải Thành còn góp vốn thực hiện dự án 9-11 Tôn Đức Thắng (nay là tháp Techcombank) và 1-1A-2 Tôn Đức Thắng (nay là tháp VPBank), sẽ được đề cập cụ thể trong bài viết có tựa đề: Biểu tượng trên đất vàng Sài Gòn của cặp đôi nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Minh Trang