|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ì ạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, 'điệp khúc' khó vẫn là vấn đề đất đai

21:55 | 05/08/2019
Chia sẻ
Theo đại điện Bộ Tài chính, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nói về khó khăn trong quá trình cổ phần hóa. Ảnh: Thu Thủy

Chiều nay (5/8), Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn chậm, còn xa với kế hoạch

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, tính đến hết quí II/2019, có 6 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế đến hết quí II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.

Tính đến hết quí II/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định trên thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng. Trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỉ đồng, thu về 1.587 tỉ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết quí II/2019, nhà nước thoái vốn tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỉ đồng, thu về 8.765 tỉ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quí II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỉ đồng, thu về 110.392 tỉ đồng. Kết quả này bao gồm khoản thoái 3.436 tỉ đồng, thu về 109.965 tỉ đồng tại Sabeco.

Tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết quí II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỉ đồng, thu về 2.174 tỉ đồng.

Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỉ đồng tại Vinaconex, thu về 2.002 tỉ đồng. Cùng với đó, SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỉ đồng, thu về 166 tỉ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến hết quí II/2019, Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỉ đồng, thu về 50.630 tỉ đồng.

Trong đó, thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm 4.617 tỉ đồng, thu về 5.888 tỉ đồng; thoái vốn tại các lĩnh vực khác 4.917 tỉ đồng, thu về 8.807 tỉ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn với giá trị 6.286 tỉ đồng, thu về 35.933 tỉ đồng.

Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỉ đồng, thu về 3.831 tỉ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết quí II/2019, nhà nước thoái 24.157 tỉ đồng, thu về 169.787 tỉ đồng.

Còn hơn 780 doanh nghiệp chưa đăng kí giao dịch, niêm yết

Về tình hình đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo đại diện từ Bộ Tài chính, đến hết quí II/2019, vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

29 doanh nghiệp chưa chuyển vốn nhà nước về SCIC

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017 - 2020 các Bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp (4 đơn vị trong năm 2017, 55 doanh nghiệp năm 2018 và 3 doanh nghiệp năm 2019.

Tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chuyển giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỉ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 822 tỉ đồng, năm 2018 đã chuyển giao 9 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 3.248 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, có hai doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Hai đơn vị này là CTCP Phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu (vốn nhà nước 751 triệu đồng), TCT Thép Việt Nam (vốn nhà nước 6.368 tỉ dồng). Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỉ đồng.

A2

Khó khăn trong cổ phần hóa vì vấn đề đất đai. Ảnh: Zing.vn

Điệp khúc khó vì… đất đai

Với kết quả đạt được về thoái vốn, cổ phần hóa, doanh nghiệp đăng kí giao dịch và niêm yết, đại diện Bộ Tài chính đánh giá công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa, đưa doanh nghiệp đăng kí giao dịch và niêm yết vẫn còn hạn chế. 

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thủy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.