|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư bất động sản Châu Á đang ‘đổ tiền’ đi đâu?

07:38 | 06/05/2017
Chia sẻ
Vương quốc Anh và Mỹ vẫn là những lựa chọn hàng đầu về điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư bất động sản Châu Á dù lo ngại về bất ổn chính trị, kinh tế tại các nước này còn lớn. 
nha dau tu bat dong san chau a dang do tien di dau
Các nhà đầu tư châu Á vẫn có niềm tin với thị trường Anh dù còn nhiều lo ngại xung quanh Brexit. (Ảnh minh họa: Megastudy)

Đầu tư vào Anh, Mỹ bất chấp Brexit và bất ổn chính trị

Theo báo cáo mới nhất của JLL, các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) Châu Á vẫn có niềm tin với thị trường Anh dù còn nhiều lo ngại xung quanh Brexit. Nghiên cứu cho thấy trong quý I năm nay, Anh đạt được lượng giao dịch lớn nhất tính theo đồng nội tệ kể từ quý IV/2015. Thị trường BĐS Anh sôi động nhất tại Châu Âu và có lượng giao dịch nhiều nhất trên thế giới, trong khi năm ngoái chỉ đứng thứ ba.

“Việc đồng bảng Anh mất giá và giá trị vốn giảm nhẹ thúc đẩy các nhà đầu tư từ Châu Á, đặc biệt là Hồng Kông và Trung Quốc, có những hoạt động tích cực tại London kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm ngoái. Tiền tệ và giá trị vốn sụt giảm đồng nghĩa với việc giá BĐS thương mại ở Anh đã giảm 16% cho dòng vốn nước ngoài tính từ thời điểm trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016”, ông David Green Morgan, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu tại JLL phân tích.

Quý I, Hồng Kông dẫn đầu các nhà đầu tư Châu Á rót vốn vào Anh khi những nhà đầu tư đến từ khu vực này đã chi gần 3 tỷ USD vào BĐS tại Anh, trong khi con số của cùng kỳ năm trước là 842 triệu USD. Đặc biệt, các dự án văn phòng ở khu vực trung tâm thành phố và West End của London thu hút nhiều quỹ đầu tư toàn cầu cũng như các tập đoàn đa quốc gia với gần 1,3 tỷ USD.

JLL thông tin, nhà đầu tư Châu Á cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hoa Kỳ bất chấp những bất ổn về chính trị và kinh tế của nước này.

Ông Green Morgan nói: “Các nhà đầu tư Châu Á nằm trong số những nhà đầu tư tích cực nhất tại Mỹ, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc. Các nhà đầu tư từ Singapore và Nhật Bản đã thâu tóm nhiều dự án văn phòng ở New York, Boston và Washington D.C., do họ thay đổi chiến lược vào các tài sản cốt lõi trong các thành phố cửa ngõ toàn cầu”.

Diễn biến trái chiều trong việc đầu tư của Trung Quốc và Nhật Bản

Báo cáo cho biết, tại quý đầu năm, trong khi việc đầu tư BĐS ra nước ngoài bị kiểm soát khiến lượng giao dịch giảm ở Trung Quốc thì hoạt động này lại có xu hướng tăng trưởng mạnh ở Nhật Bản.

Cụ thể, mặc dù Chính phủ tăng cường giám sát nhưng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng 84% trong quý này, đạt mức 7,5 tỷ USD, trong khi quý I/2016 trước chỉ đạt 4 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục chọn Hồng Kông, Chicago, Los Angeles và San Francisco là nơi đầu tư. Các khoản đầu tư tại Úc và Hồng Kông bị hạn chế nhiều, đặc biệt là những dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, tổng lượng giao dịch BĐS nước ngoài đã giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Dave Chiou, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn, Trung Quốc tại JLL nhận định: “Các biện pháp kiểm soát nguồn vốn gây khó khăn cho các cá nhân và tổ chức đầu tư Trung Quốc có thể làm chậm lại hoạt động đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư BĐS trong nước gia tăng. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có văn phòng đại diện ở nước ngoài cũng không chịu tác động lớn vì họ có thể dùng dòng vốn từ các chi nhánh này để phục vụ cho các khoản đầu tư”.

Còn Nhật Bản đang dẫn đầu khu vực về dòng vốn khi lượng đầu tư nước ngoài trong quý I ghi nhận mức tăng 63% so với cùng kì năm ngoái, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2015. Việc đầu tư chủ yếu đến từ các công ty BĐS, các quỹ tín thác đầu tư BĐS Nhật Bản (J-REITs) và các nhà quản lý tài sản.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài được tăng cường nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của đồng Yên và một số yếu tố khác như: dân số giảm có thể làm nguồn cầu BĐS tại Nhật Bản thấp hơn trong dài hạn, nhu cầu đa dạng hóa về vị trí địa lý của tài sản, hoặc do sự cạnh tranh đang gia tăng tại thị trường đầu tư BĐS trong nước.

Khối lượng giao dịch toàn cầu của Nhật trong quý này đạt 136 tỷ USD, thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng đầu tư ở Châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì mức ổn định từ năm 2016, tăng 1%; Châu Âu tăng trưởng mạnh với mức 3%; trong khi đó Châu Mỹ giảm 5%.

Linh Lê