|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn trong cảnh ăn đong

14:11 | 13/07/2021
Chia sẻ
Dù đứng ở vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới, đại diện VIPA cho biết.

Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm (VIPA) cho biết suốt 1 năm nay giá gia cầm luôn ở mức thấp hơn giá thành. Giá bình quân nhiều mặt hàng trong tháng 6 giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm cho biết ngành gia cầm đang đối mặt với khủng hoảng kép thị trường và dịch bệnh khiến người chăn nuôi đắn đo việc tái đàn trong thời điểm hiện nay.

Đặc biệt khi một số địa phương xảy ra dịch cúm H5N8, biến chủng mới của H5N1 với tốc độ lây lan nhanh và độc lực cao, có thể truyền bệnh cho người. Do đó, 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn với ngành gia cầm.

"Đến đầu tháng 7, giá một số sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng nhưng lợi nhuận vẫn âm. Bởi mức tăng này chưa bù đủ với mức tăng của chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi.

Hiện, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30 - 35%, xu hướng còn tiếp tục tăng", ông Sơn nói.

Mới đây, Bộ NN&PTNT thông tin giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5 đạt 420 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm được dự báo có 2 đợt tăng với tổng mức tăng khoảng 5% trong thời gian tới.

Chia sẻ trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT với các hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết đây là câu chuyện nóng hiện nay với ngành chăn nuôi.

"Mặc dù chiếm vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới.

Năm 2020, cả nước nhập 20,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với kim ngạch 6 tỷ USD", ông Sơn nói.

Trong đó nhiều mặt hàng nguyên liệu phải nhập khẩu 80 - 90% nên khi giá nguyên liệu của thế giới biến động do mất mùa, giảm diện tích hay đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến giá thức ăn chăn nuôi về Việt Nam tăng vọt.

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn trong cảnh 'ăn đong' - Ảnh 1.

Sản lượng thấp, giá thành cao khiến ngô trong nước khó cạnh tranh với ngô thế giới (Ảnh: NPK Đình Vũ)

Trước đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo người dân có thể chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng ngũ cốc như ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để bán cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Song, ông Sơn cho rằng nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ cũng đã chuyển đổi diện tích trồng lúa, cao lương sang trồng ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng chuyện này có áp dụng được ở Việt Nam hay không, đó không phải là chuyện đơn giản.

Ông Sơn phân tích sản xuất ngô sinh khối trong thời điểm giá phân bón, vật tư đầu vào tăng cao, người dân còn yếu kỹ thuật, tưới tiêu hạn chế nên năng suất trung bình chỉ đạt gần 5 tấn/ha. Trong khi sản lượng ngô của Mỹ đạt 9 – 10 tấn/ha. Do đó giá ngô nội địa lúc nào cũng cao hơn giá ngô thế giới, giảm sức cạnh tranh.

Thêm vào đó, diện tích đậu tương khoảng 180 – 200 ha chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của người, chưa đủ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Sơn Việt Nam khó có thể đáp ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng nhưng lại bỏ qua thế mạnh về thức ăn thô xanh, thức ăn giàu đạm.

Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản nằm trong top của thế giới nên nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ cá, thủy sản dồi dào. Nhưng nhiều doanh nghiệp cả trong nước, FDI đều chưa mặn mà với sản xuất thức ăn bổ sung khoáng, đạm như bột cá, vitamin…

Do đó, nguyên liệu sản xuất và thức chăn nuôi thành phẩm vẫn phải nhập và chịu sự chi phối của nước ngoài.

"Bộ NN&PTNT cần xây dựng và trình Chính phủ chiến lược phát triển thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách về thuế, thu hút, hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và FDI trong mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi", ông Sơn kiến nghị.

Hoàng Anh