|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung ngũ cốc khan hiếm, giá cả dựng đứng vì thiếu phân bón

22:05 | 09/04/2022
Chia sẻ
Việc các đơn hàng phân bón xuất khẩu bị gián đoạn do chiến sự Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón tăng chóng mặt, kéo theo bão giá các mặt hàng ngũ cốc.

Xung đột Nga - Ukraine đang khiến nguồn cung phân bón cho thế giới bị thiếu hụt, kéo theo một cơn bão giá và sự khan hiếm đối với một số thực phẩm cơ bản, CNBC đưa tin.

Theo ngân hàng Morgan Stanley, Nga và Belarus hiện cung cấp khoảng 40% lượng kali của thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Nga đang bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hơn nữa, vào tháng 2, một nhà sản xuất lớn của Belarus đã tuyên bố rơi vào tình trạng “bất khả kháng”, nghĩa là họ sẽ không thể duy trì các hợp đồng đã ký do những sự việc xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nga và Ukraine cùng xuất khẩu 28% lượng phân bón làm từ nitơ và phốt pho. Riêng Nga xuất khẩu 11% urê và 48% amoni nitrat của thế giới.

Ông Tony Will, Giám đốc điều hành của CF Industries, một doanh nghiệp sản xuất và phân phối phân bón lớn trên thế giới, khẳng định: “Nguồn cung phân bón toàn cầu đang rất eo hẹp, đây thực sự là một vấn đề lớn.

Nguyên nhân do nhiều yếu tố: nhu cầu tăng cao chưa từng có trong khi nguồn cung vốn đã sụt giảm, nay càng thêm căng thẳng sau xung đột Nga – Ukraine”.

Ông Bart Melek, chuyên gia mảng hàng hóa của công ty chứng khoán TD Securities (Canada) cho biết giá một số loại phân bón đã tăng gấp đôi.

Ví dụ, vào ngày 5/4, giá kali ở Vancouver giao dịch ở mức 565 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 210 USD/tấn vào đầu năm 2021. Tương tự, giá urê đến Trung Đông cũng tăng từ 268 USD/tấn vào đầu năm 2021 lên 887,5 USD/tấn như hiện nay.

“Đó là cú sốc kép khi có nhiều yếu tố rủi ro về địa chính trị, chi phí đầu vào cao và thiếu hụt nguồn cung. Và lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, ông Mekek nói.

Thiếu phân bón có thể thế giới lâm vào cảnh khan hiếm ngũ cốc, giá cả dựng đứng. (Ảnh minh họa: Reuters)

“Giá phân bón tăng kéo chi phí đầu vào để sản xuất các loại ngũ cốc, lúa mì và ngô lên mức cao. Sự thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc sẽ làm tăng giá của các loại thực phẩm cơ bản cũng như các mặt hàng khác” ông Melek nói.

Cụ thể, ngày 5/4, giá lúa mì giao tháng 7 đã tăng 4% do lo ngại chiến sự ở Ukraine và việc sản xuất lúa mì ở Mỹ gặp nhiều bất lợi hơn dự kiến. Trong khi đó, kể từ đầu năm 2022, giá ngô kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng gần 30%. 

Ngân hàng Morgan Stanley dự kiến cho đến năm 2023, ​​giá ngũ cốc sẽ duy trì ở mức cao hơn so với mức trung bình năm 2021.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng trước khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, giá ngũ cốc đã ở mức cao do thời tiết khô hạn ở châu Mỹ Latinh, ảnh hưởng đến lượng tồn kho.

“Căng thẳng chính trị làm gia tăng những bất ổn liên quan đến nguồn cung ngô/lúa mì của Ukraine, và hơn cả là nhu cầu tiêu thụ và sản lượng phân bón toàn cầu.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng sản lượng lương thực có thể giảm 2-3%, thậm chí nhiều hơn tùy theo chi phí sản xuất của từng vùng, rủi ro về gián đoạn nguồn cung phân bón và yếu tố thời tiết", báo cáo Morgan Stanley cho biết.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng giá ngũ cốc có thể ở mức cao hơn trong năm nay và năm 2023. Tuy nhiên, họ cũng kỳ vọng lượng hàng tồn kho sẽ bình thường hóa khi nguồn cung được bổ sung từ Mỹ Latinh. Như vậy, giá bán sẽ tiến sát chi phí sản xuất và có thể giảm 15 – 20% với các hợp đồng đậu nành và ngô dài hạn.

Hoàng Anh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.