Trung Quốc bình an giữa chiến sự Nga - Ukraine nhưng không thoát đà tăng giá ngũ cốc
Trung Quốc "bình an vô sự"
Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn thứ hai thế giới, nhưng chỉ 9,4% lượng ngô tiêu thụ trong nước hồi năm ngoái là từ nhập khẩu, theo Citi. Đồng thời, chỉ khoảng 5,9% lượng lúa mì tiêu dùng tại Trung Quốc năm 2021 là hàng nhập khẩu.
"Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, dịch tả heo châu Phi và cú sốc giá thực phẩm trong đại dịch đã thúc giục Trung Quốc phải tự lực trong cung ứng thực phẩm", hai nhà phân tích Xiangrong Yu và Xiaowen Jin của Citi nhận định trong báo cáo mới.
Các chuyên gia tiếp tục: "Trung Quốc đã và đang cải thiện các hệ thống khuyến khích sản xuất ngũ cốc, thịt heo và nhiều hàng hóa khác, cũng như đa dạng các nguồn nhập khẩu thực phẩm".
"Do đó, đóng góp trực tiếp của giá ngũ cốc trong những năm qua vào chỉ số lạm phát tiêu dùng là rất khiêm tốn", hai vị chuyên gia kết luận. Nói cách khác, đất nước tỷ dân đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong nước và đồng thời mở rộng nguồn thực phẩm nhập khẩu.
Năm 2021, sản lượng ngô trong nước tăng 4,6%. Cùng lúc, các thương nhân Trung Quốc đã quay lưng với sản phẩm của Mỹ để trở thành khách hàng mua ngô lớn nhất của Ukraine. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ, Ukraine chiếm hơn 30% nhập khẩu ngô của Trung Quốc.
Chia sẻ với CNBC, ông Steven Cochrane, kinh tế trưởng khu vực APAC tại Moody's Analytics, cho hay: "Lạm phát giá lương thực có thể tiếp tục tăng cao hơn do giá năng lượng nhảy vọt hoặc do vận chuyển lúa mì, ngô hoặc dầu hạt bị gián đoạn".
Theo ông Cochrane, Ukraine là một quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là lúa mì, cũng như các mặt hàng sản xuất cơ bản khác như sắt, thép và nhôm.
Indonesia và Ấn Độ có tỷ lệ nhập khẩu từ Ukraine cao nhất, tiếp theo sau là Trung Quốc. Tuy nhiên, so với quy mô GDP của mỗi quốc gia này, lượng hàng hóa nhập khẩu là khá khiêm tốn, ông Cochrane lưu ý.
Khó miễn nhiễm đà tăng giá
Việc Trung Quốc "bình an vô sự" giữa lúc Nga - Ukraine tranh chấp vì phụ thuộc nhiều vào lúa mì và ngô sản xuất trong nước cũng không có nghĩa là đất nước này miễn nhiễm với đà tăng giá của hàng hóa. Theo truyền thông địa phương, giá lúa mì và ngô nhập khẩu đã tăng mạnh.
Trên toàn cầu, giá ngô và lúa mì giao sau đã tăng lên mức cao nhất 9 năm, gần mức đỉnh lịch sử, khi các thương nhân e ngại xung đột giữa Nga và Ukraine có thể kéo dài và gây đứt gãy chuỗi cung ứng ngũ cốc trên toàn cầu.
"Mức tăng của các hợp đồng tương lai ngũ cốc trên hai sàn giao dịch của Mỹ có thể cao hơn đáng kể nếu không bị chặn bởi trần giao dịch hàng ngày", ông Tobin Gorey - chiến lược gia nông sản tại Commonwealth Bank of Australia, cho hay.
Vị chuyên gia dự đoán các vấn đề đối với nguồn cung lúa mì sẽ còn tiếp diễn, trong khi trên thị trường ngô, nhà đầu tư đang "lo lắng rằng việc gieo trồng của Ukraine có thể bị trì hoãn hoặc cản trở". Mùa vụ thường bắt đầu vào tháng 4, ông Gorey thông tin trong một báo cáo trước đó.
Ông Bian Shuyang, nhà phân tích nông sản của công ty môi giới Nanhua Futures, cho biết nguồn cung ngũ cốc, dầu và hạt có dầu có thể sẽ vẫn khan hiếm cho đến khi đàm phán ngoại giao giữa Nga và Ukraine kết thúc.
Ngoài vấn đề địa chính trị, ông Bian lưu ý rằng các rủi ro như hạn hán ở Argentina cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cây trồng.
Lệ thuộc đậu nành nhập khẩu
Đậu nành là nông sản duy nhất mà Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào hàng nhập khẩu. Theo Citi, năm ngoái, 84% lượng đậu nành tiêu thụ tại Trung Quốc là nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ và Brazil.
Ông Jim Sutter, CEO của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ, cho biết giá đậu nành đang tăng cao do thương nhân lo lắng rằng nguồn cung dầu hạt hướng dương từ Ukraine khan hiếm có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các loại dầu thực vật khác.
Theo ông Sutter, Trung Quốc là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất hành tinh và gần đây đã tăng cường mua thêm đậu nành trái vụ từ Mỹ do lo ngại vấn đề nguồn cung từ Nam Mỹ. Dù vậy, điều này cũng không "tách biệt" với tình hình ở Ukraine.
Trong một họp báo hôm 2/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao và các quan chức đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến giao dịch nông sản với Nga, Ukraine hay Mỹ.
Thay vào đó, bộ này nhấn mạnh kế hoạch hợp tác nhiều hơn về thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á, cũng như với các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Cả Nga và Ukraine đều là một phần của BRI.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/