|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người Việt và hành trình của những chiếc khẩu trang trên quê hương thứ hai

21:59 | 05/04/2020
Chia sẻ
Dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều tiệm nail của người Việt ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa.

Nghỉ công việc kinh doanh chính, “không hẹn mà gặp” nhiều chủ tiệm nail người Việt đã đồng loạt may khẩu trang tặng những cơ sở y tế, bệnh nhân trong các bệnh viện.

Việt kiều Mỹ chung tay vì đại dịch

Dịch COVID -19 khiến nhiều bệnh viện và các cơ sở y tế ở Mỹ thiếu khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước sát trùng, và nhiều thiết bị y tế khác.

Chị Thảo Phạm, một thợ nail ở thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, cùng với nhiều thiện nguyện viên đã tự may và tặng được hơn 2.000 chiếc khẩu trang cho các y tá bệnh viện trong đó có bệnh viện St. Joshep là 500 cái, bệnh viện Nhi Multicare-Mary Bridge là 200 cái, và nhiều trung tâm y tế.”

Mỗi ngày, chị Thảo cùng gần chục thiện nguyện viên cặm cụi may khoảng 200 chiếc khẩu trang bằng vải để tặng cho các y tá. Để tránh lây nhiễm virus COVID-19, mỗi thiện nguyện viên nhận về nhà mình tự may rồi mang tới giao cho chị Thảo. Trong số đó, một bà cụ 92 tuổi, là bà nội của một thiện nguyện viên, cũng tham gia may khẩu trang.

Người Việt và hành trình của những chiếc khẩu trang trên quê hương thứ hai - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: facebook Thao Pham

Nói về sự khởi đầu ý tưởng này, chị Thảo chia sẻ: “Tôi có một vài người bạn làm nhân viên tại bệnh viện St. Joshep ở Tacoma. Họ nói với tôi họ rất cần khẩu trang, họ nhờ tôi hỏi những người làm nail, coi có ai dư khẩu trang không, thì cho họ vì trong bệnh viện rất thiếu".

Người Việt và hành trình của những chiếc khẩu trang trên quê hương thứ hai - Ảnh 2.

Chị Thảo Phạm. Nguồn ảnh: Dân Trí

“Tôi lên Facebook đăng tin xin khẩu trang y tế của những anh chị đồng nghiệp làm nail. Nhờ đó, tôi quen được chị Kati Nguyễn, chị ấy muốn tặng những chiếc khẩu trang bằng vải tự may. Tôi không ngờ các y tá đều đồng ý nhận. Vậy là chúng tôi kêu gọi nhiều người góp sức, nhất là các thợ nail, thợ tóc đang lúc rảnh rỗi thất nghiệp, cùng nhau góp sức để mua vải, cắt rồi may hàng ngàn chiếc khẩu trang”, chị Thảo cho biết.

Chị Kati Nguyễn, người có thâm niên hàng chục năm làm thợ may, có shop may nhỏ ở thành phố Tacoma, thường may đồ cho người Mỹ. Từ khi dịch bệnh còn chưa bùng phát, chị Kati đã thường tự làm khẩu trang để dùng và bán cho khách hàng với giá 15USD/cái.

"Khi dịch bệnh bùng phát tại tiểu bang này, tôi không còn nghĩ tới chuyện buôn bán nữa, tôi nghĩ tới việc tặng cho những người cần, đó là những y tá, bệnh nhân trong bệnh viện và viện dưỡng lão", chị Kati Nguyễn kể.

“Chúng tôi may hai lớp, giống như một cái túi, để các y tá bỏ một lớp màng lọc (filter) vào giữa. Cuối ngày có thể thay lớp màng lọc khác, còn cái khẩu trang thì đem giặt để tái sử dụng được. Vì thế các y tá và bệnh nhân có thể dùng như một khẩu trang y tế, rất tiện lợi và tiết kiệm,” chị Kati nói thêm.

Còn chị Thảo thì vui vẻ cho biết: "Các y tá và bệnh nhân nhận món quà của chúng tôi họ rất vui và cảm động".

“Tình hình dịch bệnh xảy ra khắp toàn cầu, cho nên khắp nơi thiếu thốn, đâu phải mình nước Mỹ thiếu khẩu trang. Các bạn y tá của tôi cho biết, lý do chính mà bệnh viện thiếu khẩu trang và quần áo bảo hộ là vì những thứ này đều nhập từ Trung Quốc. Trong khinước chính là nơi xảy ra dịch bệnh đầu tiên nên họ đã thiếu hụt về loại mặt hàng này, nói gì tới xuất đi các nước.”

“Ông xã tôi rất tự hào về tôi. Ông ấy là người Mỹ, ông gọi cho mẹ chồng tôi ở tiểu bang khác và khoe rằng tôi đang may khẩu trang để tặng cho bệnh viện. Mẹ chồng đã gọi tôi là ‘anh hùng’", chị Kati Nguyễn chia sẻ.

Câu chuyện may khẩu trang không chỉ có mình chị Thảo, Kati Nguyễn, mà tại Little Saigon - Nam California, hiện đang có rất nhiều nhóm thiện nguyện viên khởi nguyện làm khẩu trang để tặng. Chị Trinh Phí, ở Westminster, cũng đang bắt đầu cắt vải để đưa tới cho các thợ may thiện nguyện.

Chị Trinh Phí, ở Westminster vốn là một nhân viên bán bảo hiểm, nay cùng các con ở nhà cắt vải cũng đang bắt đầu cắt vải để đưa tới cho các thợ may thiện nguyện. Tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, chị Tường Vi, thợ sửa quần áo, cũng may khẩu trang tặng cho những người cần.

“Tôi đóng cửa tiệm đã một tháng nay, tôi tự đi mua vải về để may khẩu trang rồi đem tặng cho người cao niên ởviện dưỡng lão. Họ cảm động muốn rơi nước mắt. Các y tá họ cũng xin, chủ yếu họ đeo bên ngoài cái khẩu trang y tế. Họ nói làm như vậy thì khẩu trang N95 sẽ đỡ bị nhiễm hơn, có thể dùng lâu dài”, chị Tường Vi chia sẻ.

Việt kiều Đức san sẻ khó khăn

Tại Massachusetts, Vợ chồng ông Đức Nguyễn & chị Dung Võ, chủ một công ty xây dựng đã quyết định mua lại tất cả số hàng hoá vật dụng y tế của một khách hàng đang gửi trong nhà kho của họ, gồm có 600.000 khẩu trang N95 và bao tay, 300 thùng gồm áo choàng và thiết bị dụng cụ nhà thương. Ước lượng trịgiá đến hàng triệu USD để gửi tặng các đơn vị đang có nhu cầu.

Vốn là một người có “tên tuổi” trong giới làm mi, móng ở châu Âu, chị Nguyễn Hồng Anh, bà chủ của một cửa hàng nail và tiệm mi tại thành phố Celle, thuộc bang Niedersachsen, CHLB Đức. Hồng Anh hiện sở hữu một cửa hàng làm móng, một tiệm mi và một công ty đào tạo do chính chị đứng lớp. Trong khi đó, ông xã của chị kinh doanh nhà hàng.

Khi đại dịch COVID-19 lan đến Đức, công việc kinh doanh của hai vợ chồng chị chịu ảnh hưởng nặng và buộc phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa của chính phủ Đức vào ngày 18.3. Riêng chồng chị còn duy trì một nhà hàng nhưng chỉ bán online chứ không được đón khách.

Người Việt và hành trình của những chiếc khẩu trang trên quê hương thứ hai - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: facebook nhân vật.

Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Đức, khẩu trang y tế loại dùng một lần vô cùng khan hiếm và đội giá từ 6-7Euro lên trên 100 Euro/hộp 50 chiếc. Do đặc thù công việc, nghề làm mi móng phải đeo khẩu trang, găng tay và rửa tay bằng nước sát trùng liên tục. Tiệm của Hồng Anh tích trữ khá nhiều những thứ này để sử dụng cho nhân viên.

Nhưng khi chứng kiến mấy phòng khám nơi mình sinh sống phải đóng vì không có đủ đồ bảo vệ cho y bác sĩ, các viện dưỡng lão mỗi người già chỉ được phát 1 cái khẩu trang cho 1 tuần, nhân viên siêu thị, nhà băng phải đi làm mà không có bất kỳ đồ bảo hộ nào, Hồng Anh quyết định mang cả 6 hộp khẩu trang đi tặng. Trong vài tiếng, cô đã phát hết 300 chiếc. Một nhân viên y tế nói với Hồng Anh: "Bạn là một người hùng đã cứu chúng tôi".

Hồng Anh bàn với chồng mua ít vải về may khẩu trang tặng cho những người đang phải đi làm mỗi ngày, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh từng giờ. Không suy nghĩ, chồng chị ủng hộ ý tưởng này. Sau đó, chị đã dành toàn bộ thời gian tạm ngừng kinh doanh của mình để may khẩu trang.

Hồng Anh cùng mẹ và nhân viên làm việc từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm để những đơn hàng không phải chờ quá lâu. Dù khẩu trang được tặng miễn phí, rất nhiều người muốn gửi tiền cho Hồng Anh để trả công. Từ chối không được, Hồng Anh mua một con lợn đất, ai muốn trả tiền thì bỏ vào đó. "Có người bỏ tận 20 Euro dù họ chỉ lấy duy nhất một chiếc khẩu trang", Hồng Anh cho hay. Hồng Anh bảo, toàn bộ số tiền nhận được từ con lợn đất này mình sẽ dùng để quyên góp cho những trẻ em thiếu may mắn, đang cần giúp đỡ.

Người Việt tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc đã may hàng nghìn khẩu trang để phát tặng cho các bệnh viện, cơ quan và người dân địa phương nhằm chung tay góp phần chống lại đại dịch COVID-19.

Một nhóm người Việt hiện đang sinh sống tại thủ đô Praha, trong đó có các anh chị Quyền, Châu, Hoan, Cường, Hà, Chuyển, đã cùng nhau phát động phong trào may khẩu trang để tặng cho mọi người, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại Cộng hòa Séc nói riêng và châu Âu nói chung.

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, khẩu trang y tế trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Vì vậy, bà con người Việt tại Séc đã phát động phong trào may khẩu trang vải để đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang ngày càng tăng.

Ban đầu, khẩu trang vải được phát tặng cho người già, người vô gia cư, công an, bảo vệ khách sạn quanh khu vực Praha. Nhưng dần dần, phong trào này đã được nhân rộng trên khắp Cộng hòa Séc, với nhiều nhóm người Việt tham gia may khẩu trang phát tặng.

Nguồn vải may khẩu trang ban đầu là do người Việt quyên góp tiền mua, sau đó các bệnh viện và người dân bản địa cũng tham gia góp tiền để ủng hộ phong trào.

Trong bối cảnh các nhà hàng, tiệm làm nail bị đóng cửa do đại dịch COVID-19, bà con người Việt đã sử dụng thời gian rảnh rỗi để làm công việc có ích cho cộng đồng nhằm chung tay với chính phủ Séc và người dân bản địa chống lại dịch. Không chỉ các chị em mà các nam giới cũng tham gia vào việc cắt, phân loại vải...

Sau đó, những thùng khẩu trang được đưa đi phân phát cho người dân địa phương và tới các địa điểm như các ban ngành, đồn cảnh sát, bưu điện, bệnh viện, trong đó bệnh viện là nơi tiếp nhận nhiều nhất.

Tại Đức, để cùng chung tay chống dịch bệnh COVID-19, Hội phụ nữ cùng lãnh đạo Trung Tâm Thương Mại Đồng Xuân Berlin đã tới các bệnh viện, nhà dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người già để trao tận tay những món quà là những khẩu trang tự may, găng tay, nước khử trùng và một số khẩu trang y tế.

Đặc biệt, chủ nhà hàng người Việt, Little Long Restaurant tại Đức còn tận tay mang một số suất Sushi và khẩu trang đến tặng các bác sĩ, y tá và nhân viên điều dưỡng tại trại Corona Pandemie và Bệnh viện Vivantes Friedrichshain với mong muốn tiếp sức cho các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19

Nhiều hành động đẹp của người Việt ở khắp các nước trên thế giới cũng đang góp phần nào trong công cuộc chống dịch COVID-19 đang bùng phát.

Thanh Hương