|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thủy sản có về đích nếu dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài?

17:14 | 05/08/2021
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong tình hình xấu, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ ASEAN, trong đó có Việt Nam thì xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết theo kế hoạch, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 8,7-9 tỷ USD. 

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, các công ty thủy sản, đặc biệt là khu vực Nam Bộ (chiếm 65% lượng thủy sản xuất khẩu) đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. 

Sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể nhất là từ nửa cuối tháng 7, giảm khoảng 15 - 20% so với tháng 6. Dự tính công suất các nhà máy chế biến thủy sản của cả vùng chỉ còn khoảng 30-40%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2021 đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương khoảng 45% kế hoạch của cả năm.

Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ ASEAN, trong đó có Việt Nam thì xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD.

Tình hình sản xuất thủy sản các tháng cuối năm đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản.

Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cố gắng duy trì sản xuất, tổ chức “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều nhà máy chế biến thủy sản không đáp ứng được điều kiện vì chi phí quá lớn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh dẫn đến phải dừng hoạt động.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cuối năm phụ thộc nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch COVID-19.

Trong điều kiện tốt nhất, khi thị trường lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng thì mức tăng xuất khẩu thủy sản hàng tháng khoảng 6 - 8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD. 

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC)  cho biết việc thực thi Chỉ thị 16 đã tác động lên công ty ở nửa kỳ sau của tháng 7 gồm 12 ngày thực hiện Chỉ thị (từ 19/7 đến 31/7) và gần cả tuần trước đó để chuẩn bị cho mô hình "3 tại chỗ".

Các xưởng chế biến của nhà máy trung tâm có trên 2.000 lao động, nay còn 500. Công ty đã dự kiến giảm hoạt động của 3 xưởng, duy trì 2 xưởng. Đồng thời phải phân công công việc lại cho người lao động tại các xưởng.

Tuy vậy, công ty vẫn phải liên tục điều chỉnh hoạt động do thiếu hụt hàng cung ứng và giá cao. Cả nghìn lao động của công ty vẫn đang thất nghiệp, chưa có nguồn hỗ trợ kịp lúc.

Mặt khác, đối với người nuôi tôm do nuôi rải vụ nên không thu hoạch rộ và gây áp lực lên nhà máy chế biến. Nhờ đó, giá tôm giảm trong khoảng vài ngày đầu, ngay sau đó phục hồi. Sao Ta cho biết hãng đủ nguyên liệu chế biến mỗi ngày, một phần do khả năng chế biến chỉ còn 30 - 40% so ngày thường.

H.Mĩ