|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành hàng không tê liệt vì COVID-19, các chính phủ hối hả tung khoản vay, giảm thuế, phí để giải cứu

12:19 | 19/03/2020
Chia sẻ
Trong khi giới chức các nước thảo luận những biện pháp hỗ trợ ngành hàng không, nhiều hãng hàng không đã tìm cách giảm chi phí bằng cách ngừng đặt mua máy bay mới, giảm nhân sự, bán bớt tài sản.

Hôm 18/3, các Bộ trưởng Giao thông thuộc Liên minh châu đã thảo luận những giải pháp hỗ trợ sau khi ngành hàng không kêu gọi chính phủ giảm thuế để tránh tình trạng phá sản hàng loạt bởi dịch COVID-19.

Chính phủ Na Uy đã thảo luận với hãng hàng không Norwegian Air sau khi hãng kêu gọi chính phủ hỗ trợ tài chính giống như sự trợ giúp của Đan Mạch và Thụy Điển đối với hãng hàng không SAS.

Ở Italy, chính phủ đã giành quyền kiểm soát hãng hàng không Alitalia và lên kế hoạch bán doanh nghiệp thua lỗ triền miên này.

Ở Mỹ, các hàng hàng không đã kêu gọi Nhà Trắng hỗ trợ 50 tỉ USD dưới dạng khoản vay và trợ cấp, cộng với khoản giảm thuế hàng chục tỉ USD. Các nhà lãnh đạo trong ngành đã thảo luận với Tổng thống Donald Trump qua điện thoại hôm 18/3.

Các chính phủ đồng loạt tung giải pháp cứu ngành hàng không - Ảnh 1.

COVID-19 đã "thổi bay" 41% giá trị vốn hóa (157 tỉ USD) của 116 hãng hàng không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Ảnh: Reuters

Hãng Boeing đã khuyến nghị chính phủ Mỹ hỗ trợ ít nhất 60 tỉ USD, bao gồm các khoản vay, cho ngành sản xuất máy bay do các hãng hàng không ngừng đặt mua máy bay mới để giữ tiền mặt.

Ban lãnh đạo tập đoàn Airbus cũng nhận định sự hỗ trợ của chính phủ sẽ trở nên cần thiết nếu dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng, theo 3 nguồn tin trong tập đoàn.

Chính phủ Australia vừa công bố gói cứu trợ 715 triệu USD, đồng thời giảm nhiều loại phí cho các hãng hàng không, như phí kiểm soát không lưu nội địa.

Hàn Quốc tuyên bố các hãng hàng không có thể vay tới 250 triệu USD để bổ sung khoản dự trữ tiền mặt, đồng thời chính phủ cũng cam kết giảm nạn nhũng nhiễu và thuế, phí.

Cơ quan quản lí hàng không dân sự của đảo Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận các hãng hàng không có thể nộp đơn xin trợ cấp và vay tiền.

Tình trạng cạn tiền mặt

Sự bùng phát của COVID-19 đã "thổi bay" 41% giá trị vốn hóa (157 tỉ USD) của 116 hãng hàng không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Nhiều hãng hàng không đã cạn tiền mặt nhanh đến nỗi giờ đây họ chỉ còn đủ tiền để chi tiêu trong chưa tới 2 tháng, theo một phân tích của Reuters.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - tổ chức đại diện cho phần lớn hãng hàng không thế giới - nhận định ngành hàng không cần khoản cứu trợ 200 tỉ USD từ các chính phủ.

Trong khi chờ chính phủ cứu, nhiều hãng đã buộc phải áp dụng những biện pháp cực đoan để giảm chi phí. Emirates và El Al Israel Airlines đã yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương. 

Việt Nam Airlines và Vietjet Air sẽ tạm ngừng các chuyến bay tới những điểm đến quan trọng ở Đông Nam Á và châu Âu.

Korean Air phải giảm tới 80% số chuyến bay quốc tế. Đây là quyết định cực kì khó khăn với hãng trong bối cảnh hãng phải trả khoản nợ lên tới 4,3 tỉ USD trong năm nay, theo Financial Time.

Một người phát ngôn của Korean Air nói rằng ban lãnh đạo sẽ nỗ lực hết sức để giảm chi phí và tăng mức độ minh bạch, bao gồm bán những tài sản không cốt lõi và những công ty con không có lãi.

Ngành hàng không rên siết vì COVID-19, các chính phủ hối hả tung khoản vay, giảm thuế và phí để cứu - Ảnh 2.

Hãng Korean Air phải giảm 85% số chuyến bay quốc tế trong khi phải trả khoản nợ 4,3 tỉ USD trong năm nay. Ảnh: TF

Gần như toàn bộ hãng hàng không Mỹ đang tìm cách giảm nhân sự nhanh bằng các giải pháp như nghỉ không lương tới 12 tháng nhưng hưởng phúc lợi y tế hoặc nghỉ hưu sớm để nhận khoản bồi thường. Động thái đó cho thấy các hãng không kì vọng tình hình sẽ cải thiện sớm.

Hôm 17/3, Tổng thống Donald Trump thông báo ông đang xem xét khả năng hạn chế bay trong nước Mỹ - một mối họa tiếp theo đối với các hãng hàng không nội địa.

Số lượng hành khách giảm mạnh

S&P Global Ratings nhận định số lượng hành khách toàn cầu giảm tới 30% trong năm nay và sự phục hồi hoàn toàn không thể xảy ra trước năm 2022 hoặc 2023.

"Ngành hàng không đang đối mặt nguy cơ sụp đổ do các chính phủ đang phong tỏa những cộng đồng lớn và đóng các đường biên", Helane Becker, một nhà phân tích của hãng Cowen, nhận định.

Quyết định siết chặt hơn nữa hoạt động di chuyển xuyên biên giới của nhiều chính phủ khiến tình cảnh của ngành hàng không càng trở nên tệ hơn.

United Airlines Holdings tiết lộ họ sẽ giảm 60% số chuyến bay vào tháng 4, bao gồm 85% số chuyến bay quốc tế.

Virgin Australia xác nhận với The Guardian rằng họ sẽ ngừng mọi chuyến bay quốc tế và 50% chuyến bay nội địa từ ngày 30/3 tới 14/6. Với chủ trương ấy, 53 phi cơ sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

"Chúng tôi sẽ chỉ thực hiện một số chuyến bay quốc tế để đưa công dân Australia về nước", Virgin Australia nhấn mạnh.

Air New Zealand thông báo hôm 18/3 rằng họ sẽ ngừng giao dịch cổ phiếu trong hai ngày tiếp theo để đánh giá tác động tài chính của kế hoạch giảm mạnh số chuyến bay mà họ công bố hôm 16/3.

"Vài tháng tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn của chúng tôi", ông Greg Foran, tổng giám đốc Air New Zealand, thừa nhận.

Nhạc Phong