|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí trên đôi cánh các hãng hàng không Việt

09:02 | 19/03/2020
Chia sẻ
Các hãng bay Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử dưới tác động của COVID-19. Theo báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cập nhật cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỉ đồng, con số này có thể sẽ còn lớn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Cơ cấu chi phí của các hãng hàng không Việt, hơn 40% dành cho nhiên liệu - Ảnh 1.

Tra nạp nhiên liệu máy bay tại sân bay TSN. (Ảnh: Dân trí)

Nhiên liệu bay chiếm hơn 40% trên tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không Việt

Trong vận tải hàng không, cơ cấu chi phí hoạt động kinh doanh tập trung vào các cấu phần chính gồm: chi phí nhiên liệu, chi phí thuê vào bảo dưỡng bắt buộc với đội tàu bay, chi phí nhân công, chi phí khấu hao và các chi phí dịch vụ hàng không…

Riêng đối với chi phí nhiên liệu, đây là loại chi phí đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các loại chi phí. Với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN), hãng này đã chi khoảng 39.045 tỉ đồng cho nhiên liệu bay năm 2018, chiếm 42,5% trên tổng chi phí. Với CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã: VJC), tỉ lệ chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí hoạt động thậm chí còn lớn hơn với tỉ lệ lên đến 43,8%. 

Do chiếm tỉ trọng lớn, biến động giá của xăng A1 (Jet-A1, nhiên liệu đầu vào) tác động rất lớn đến hoạt động của ngành hàng không. 

Mặc dù giá xăng A1 có xu hướng giảm trong nhiều năm trở lại đây theo giá dầu thế giới đã giúp các hãng hàng không giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí trong mùa dịch. Song, với sự sụt giảm doanh số quá lớn, cùng với các khoản thuế, phí mà các doanh nghiệp phải đóng hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, mức giảm của giá dầu là chưa đủ để cứu vãn tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành.

Cơ cấu chi phí của các hãng hàng không Việt, hơn 40% dành cho nhiên liệu - Ảnh 3.

Nguồn: BM, BCTC Vietnam Airlines và Vietjet

Xếp các vị trí tiếp theo, chi phí thuê, bảo dưỡng động cơ tàu bay của Vietnam Airlines chiếm khoảng 22,5% (một trong những cấu phần của chi phí thuê ngoài); chi phí thuê nhân công chiếm khoảng 10,5%; hay chi phí khấu hao khoảng 5,5%. 

Ở Vietjet Air, báo cáo tài chính công ty này cho thấy chi phí hãng bay bỏ ra để sử dụng các dịch vụ hàng không là rất lớn. Năm 2018, Vietjet chi khoảng 2.700 tỉ đồng cho dịch vụ khai thác mặt đất, 35 tỉ đồng cho khối an ninh đảm bảo chất lượng bay, 202 tỉ đồng cho vận chuyển dịch vụ hàng hóa. Tổng số các dịch vụ này chiếm gần 10% chi phí hoạt động. 

Với chi phí nhân sự, Vietjet bỏ ra số tiền khoảng 3.250 tỉ đồng trả lương, tương ứng gần 11%. Chi phí khấu hao tương đối nhỏ do hãng không trực tiếp sở hữu nhiều tàu bay, phần lớn là đi thuê, đặc thù của mô hình Low-Cost Carrier (LCC). 

Đối với hoạt động bảo dưỡng tàu bay, Vietjet sử dụng chi phí riêng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên và sử dụng quĩ bảo dưỡng tàu bay với hoạt động bảo dưỡng định kì. 

Hàng năm, Vietjet sẽ thực hiện trích dự phòng chi phí bảo dưỡng định kì bằng cách chiết khấu các khoản chi phí bảo dưỡng dự kiến phát sinh trong tương lai dựa trên kế hoạch của đội bay hiện tại. Năm 2018, khoản dự phòng này khoảng hơn 3.600 tỉ đồng, nâng tổng giá trị quĩ bảo dưỡng lên khoảng 11.050 tỉ đồng. 

Vietjet sẽ sử dụng số tiền trong quĩ bảo dưỡng này trong từng năm, như năm vừa qua đã dùng hết gần 3.100 tỉ đồng, tuy nhiên cũng bổ sung thêm gần 3.200 tỉ đồng. Đội bay càng lớn, chi phí thuê và bảo dưỡng tàu bay sẽ càng phình to. 

Kiến nghị giảm phí dịch vụ hàng không, giãn thuế 

Bộ GTVT mới đây có kế hoạch ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không đối với các hãng bay Việt Nam trong giai đoạn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cập nhật cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỉ đồng.

Cụ thể, chính sách này sẽ giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa (dự kiến từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5, có thể điều chỉnh theo diễn biến của dịch). 

Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khiến tỷ lệ ghế trống trên các chuyên bay đang ở mức cao.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn ba tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Đây có thể nói là tin vui đối với các hãng hàng không, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 khiến nhu cầu dịch chuyển toàn cầu cũng như trong nước giảm sút. 

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 của Vietnam Airlines, hãng phải nộp khoảng 2.271 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường, 478 tỉ đồng thuế nhập khẩu. Do đó, việc miễn giảm thuế có thể giúp sẽ tiết kiệm được cho hãng bay đến hàng trăm tỉ đồng. 

Theo đó, số tiền được miễn giảm, hoặc giãn nộp sẽ giúp cho các hãng hàng không của Việt Nam sử dụng vào hoạt động đầu tư, duy trì vận hành, khuyến mãi kích cầu để chèo chống qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành hàng không Việt Nam.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã đã soạn thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19 (trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và tổ chức quốc tế ).

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng (VAT) phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 của các doanh nghiệp, thuộc đối tượng được xác định đủ tiêu chí, đang thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tháng. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lí thuế...

Bạch Mộc